CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:52

Sài Gòn lai rai... nhậu

 

Sống ở Sài thành đã hơn 30 năm và cũng ngần ấy năm mỗi ngày một cữ nhậu, nên ít nhiều tôi cũng nhiễm cái phong cách lai rai của những “đệ tử lưu linh” trong giới văn nghệ sỹ (VNS) Sài thành. Nhờ vào tửu lượng kha khá, có sức ngồi bền bỉ và sự quảng giao với nhiều thế hệ VNS Sài thành trước cũng như sau 1975, mà tôi biết được nhiều chuyện cả vui, lẫn buồn trong những lúc lai rai. Đất Sài thành có hàng trăm quán nhậu, nhưng dân nhậu “chuyên nghiệp” – nghĩa là mỗi ngày chọn một cuộc vui thì mỗi giới, mỗi thành phần xã hội đều có những khu nhậu riêng, có quán ruột riêng. Đối với VNS và cánh báo chí trước 1975 thường đóng đô ở nhà hàng Thanh Thế hoặc quán bar Đêm Màu Hồng… Từ sau năm 1975 đến nay, khi tại khuôn viên của cơ quan Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật TP.HCM ở số 81, Trần Quốc Thảo mở quán nhậu với tên gọi rất mỹ miều Văn Nghệ quán (VNQ), thì hầu hết các “đệ tử lưu linh” trong giới “trường văn, trận bút” đều chọn nơi đây để lai rai thư giãn mỗi ngày. VNQ nằm trong một khuôn viên rộng, của một ngôi biệt thự nghe đâu từng là nơi ở của cựu quốc vương Norodom Sihanuk khi theo học tại trường Lycée Chasseloup Laubát Sài Gòn (nay là Trường THPT Lê Qúy Đôn) thời trẻ vào những năm 20 của thế kỷ trước. Nơi đây rất kín cổng cao tường với nhiều cây cổ thụ rợp bóng, tạo nên một không gian tĩnh lặng tách biệt với sự ồn ào của phố xá bên ngoài, thật lý tưởng cho các VNS vừa lai rai, vừa đàm đạo văn chương, nghệ thuật. Chính vì thế VNQ trở thành điểm hẹn của không riêng giới VNS Sài Thành mà của cả VNS nhiều tỉnh thành trong cả nước mỗi khi có dịp đến Sài thành. Cái “địa chỉ đỏ” này đã được nhiều người ghi vào bộ nhớ, nên mỗi lần hẹn nhau, chỉ cần alo hoặc nhắn tin ngắn gọn “đến 81 nhé” là định vị được ngay đó là VNQ 81 Trần Quốc Thảo Q3. Anh em VNS ở đồng bằng sông Cửu Long lên cũng tắp vào, trên mạn miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên xuống ghé vô, từ miền Trung, miền Bắc vào, hay từ hải ngoại ở Mỹ, Canađa, Italy, Úc về thăm quê hương cũng tìm đến. Thập niên 80, 90 của thế kỷ 20, khi công nghệ truyền thông chưa phát triển, Internet và email chưa phổ biến, VNQ là nơi “nhất cử lưỡng tiện” đối với các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, nhà báo vừa đến ăn nhậu vừa trao đổi bài vở, nhận tiền nhuận bút (những bài viết cho các tạp chí tuần san, nguyệt san thường do một số nhà văn, nhà thơ, kiêm nhà báo chủ biên). Tôi cũng vậy, “hành phương Nam” vào ngụ cư viết lách mưu sinh ở Sài Thành từ những năm giữa thập niên 80 của thế kỷ trước đến nay vẫn chung tình với VNQ để lai rai xả stress và giao lưu với đồng nghiệp. Tính ra thâm niên cũng đã gần 30 năm, với bao kỷ niệm đủ cả hỉ, nộ, ái, ố trong chuyện nhậu.  VNQ tập trung hầu hết giới VNS từ những lão làng nổi danh, đến “thường thường bậc trung” và cả những người còn đang ẩn mình chờ tỏa sáng. Trong khuôn khổ bài viết này tôi không thể liệt kê hết những gương mặt VNS, từng là thực khách của VNQ mà chỉ lướt qua vài tên tuổi tiêu biểu trong văn chương, nghệ thuật Việt Nam. Đó là nhà thơ Nguyễn Đình Thi, nhà điêu khắc Diệp Minh Châu, nhà văn Sơn Nam, nhà thơ Thu Bồn, nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo, nhà mỹ học Hoàng Thiệu Khang, nhà thơ Hoài Anh, nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền, nữ thi sĩ Thảo Phương…(đã quá cố) và các nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhà thơ Trần Mạnh Hảo, nhà thơ Nguyễn Duy, nhà điêu khắc Nguyễn Hải, nhạc sĩ Tôn Thất Lập, nhạc sĩ Trần Long Ẩn… Không có sự phân biệt thứ bậc, đẳng cấp chiếu trên, chiếu dưới hay vùng miền, nhưng họ thường ngồi với nhau theo nhóm ngành nghề, cùng sở thích, hợp gu nhau. Nhiều VNS tìm đến VNQ không hẳn vì nghiền bia bọt, càng không phải để thể hiện sự sành điệu hay bản lĩnh đàn ông của mình, mà cái chính là nghiền cái không khí văn nghệ, nghiền tri âm tri kỷ, kiểu như Bá Nha và Tử Kỳ thời Xuân Thu Chiến Quốc bên Trung Hoa vậy. Tác giả của “Hà Nội niềm tin và hy vọng” – nhạc sĩ Phan Nhân không đụng đến một giọt bia, nhưng những năm trước khi còn khỏe ngày nào ông cũng đến VNQ ngồi uống vài chai coca cola, cốt để được gặp gỡ trò chuyện với anh em. Sinh thời nhạc sĩ Châu Kỳ, tác giả của rất nhiều ca khúc nổi tiếng viết về quê hương xứ Huế (Đón xuân này nhớ xuân xưa, Giọt lệ Đài Trang…) khi đã gần 80 tuổi, lui về ở tận quận 9 cách trung tâm Sài thành hàng chục cây số, nhưng hàng ngày vẫn lóc cóc đạp xe đến VNQ, chỉ để được ngồi với tri kỷ tri âm.  Điêu khắc gia Trương Đình Quế cũng vậy, tuy đã ngoài 70 tuổi, phong độ đã có phần kém hơn trước, nhưng mỗi tháng cũng phải đôi lần phóng mô tô từ vườn tượng ở huyện Long Thành xứ Đồng Nai (giáp với Bà Rịa – Vũng Tàu) lên VNQ để hàn huyên cho đã. Ông bảo cái sự nhậu của người làm văn nghệ nó kỳ lạ lắm, gặp người tri âm thì uống hoài không thấy say, càng uống càng hứng thú…Đúng là: “Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu/Thoại bất đầu cơ bán cú đa” (tạm dịch: Khi gặp người tri kỷ thì rượu uống ngàn chén vẫn không đủ/Nói chuyện không tâm đầu ý hợp thì nửa câu vẫn thừa). Sở dĩ VNQ được các VNS chọn làm nơi lai rai lý tưởng còn một lẽ nữa, đó là chỉ có nhậu ở nơi này thì họ mới được thể hiện tính cách và cái tôi của mình một cách thật tự nhiên thoải mái, thật hào sảng thăng hoa. VNQ là nơi chấp nhận mọi phong cách, mọi cá tính sáng tạo văn chương, nghệ thuật lẫn trong bàn nhậu. Tuy ngồi chung bàn, nhưng tùy sở thích của mỗi người ai thích uống bia gì, ăn món  gì cứ việc gọi vô tư. Đến khi tính tiền, chỉ cần đọc một câu thơ lẩy từ Truyện Kiều: “Trăm năm Kiều vẫn là Kiều/Bia ai nấy trả là điều tất nhiên” thì ai cũng hiểu. Thật sòng phẳng, nhưng cũng thật tế nhị, rất nghệ sĩ, không mất lòng ai. Chính vì thế họ mới có thể ngồi lai rai với nhau một cách thật tình nghĩa và lâu bền được.

Đạo diễn Trần Cương và nhạc sĩ Tạ Tuấn (bên phải) cũng là những thực khách thường xuyên một thời của Văn Nghệ quán 81 Trần Quốc Thảo, Sài Gòn.

Tất nhiên cũng có một vài VNS đến VNQ chỉ thích ngồi độc ẩm, vẻ rất trầm lặng suy tư như đang theo đuổi một tứ thơ, một giai điệu âm nhạc nào đó. Sinh thời thi sĩ Bùi Giáng tiên sinh cũng nhiều khi ghé quán một mình. Ông đi đến bằng xich lô và mời luôn anh xích lô ngồi cùng đối ẩm. Những lúc ấy thần thái của ông toát lên vẻ tinh anh lạ thường. Ông uống không nhiều và rất kiệm lời. Nhưng khi đã ngà ngà thi hứng thăng hoa thì ông đọc những câu thơ xuất thần: “Hỏi tên? Rằng biển xanh đâu/Hỏi quê? Rằng mộng ban đầu đã xa/Gọi tên? Rằng một hai ba/Đếm là điệu tưởng đo là nghi tâm”; “Người điên ngôn ngữ điệp trùng/Dở chừng như mộng, dở chừng như mê/Thưa em ngôn ngữ quặt què/Làm sao nói hết nghiệp nghề người điên”; “Lời tỉnh táo lời mê man/Điệu thê thiết rống điệu bàng hoàng ca…”.  Bia nhập thơ xuất, nhạc xuất là chuyện thường ngày ở VNQ. Đọc thơ ở đây, hát ở đây không sợ làm phiền lòng các thực khách xung quanh, bởi hầu hết là dân cùng hội cùng thuyền. Đó là cái thoáng của giới VNS. Ở những quán nhậu khác mà đọc thơ, hát hò có khi bị cho là hâm hấp, thậm chí còn bị dân côn đồ thấy ngứa mắt gây chuyện hành hung. Tất nhiên ở VNQ cũng có không ít vụ VNS to tiếng, thậm chí xô xát với nhau vì bất đồng chính kiến, không tìm được tiếng nói chung trong tranh luận…Nhưng ngay sau đó, chỉ cần ai đó trong bàn đứng lên can thiệp thì chỉ cần một cái bắt tay, cụng ly dzô 100% là huề, không oán giận. VNQ được ví như một trạm phát sóng truyền tin về tất cả những thông tin cá nhân của giới VNS. Mọi vấn đề trong cuộc sống của một VNS nào đó từ chuyện sáng tác đến vấn đề đời tư, sức khỏe đều được quan tâm cập nhật, thông tin một cách chính xác. Nhờ đó mà nhiều người kịp thời tìm đến với nhau để chia sẻ, động viên nhau trong lúc gặp khó khăn, hoạn nạn, ốm đau. Khi biết tin nhà thơ trẻ Phan Trung Thành cần phẫu thuật tim, nhiều VNS (chủ yếu là các nhà thơ) ở VNQ đã đóng góp tiền với tâm niệm của ít lòng nhiều để động viên nhà thơ an tâm điều trị bệnh. Trái tim nhà thơ Phan Trung Thành giờ đã vui trở lại. Tình VNS là vậy, chân thực và sâu sắc. Bây giờ Văn Nghệ quán đã nhường chỗ cho tòa nhà trụ sở của Liên hiệp các Hội văn học - nghệ thuật TP.HCM và chuyện lai rai nhậu của các văn nghệ sĩ cũng đã là chuyện dĩ vảng đã xa.../.

LƯƠNG ĐỊNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh