Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn - Ký ức rực rỡ : Bức tranh lớn lưu giữ ký ức về hòn ngọc Viễn Đông
- Văn hóa - Giải trí
- 07:14 - 11/03/2022
Cuốn sách là cuộc gặp gỡ đặc biệt giữa hai tâm hồn có chung tình yêu về một thành phố: Nhà báo Phạm Công Luận - cây viết đã định hình tên tuổi qua nhiều tác phẩm nổi tiếng về Sài Gòn và họa sĩ trẻ Kha Liêm - thể hiện đam mê với Sài Gòn qua những sản phẩm cực kỳ công phu, độc đáo.
Trong Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn - Ký ức rực rỡ, bức tranh toàn cảnh Sài Gòn hoa lệ - Hòn ngọc Viễn Đông hiện lên với tất cả vẻ tươi đẹp, sôi động và phóng khoáng của nó. Độc giả sẽ không chỉ bị hấp dẫn khi tiếp cận với kho tư liệu Sài Gòn đầy ắp được hệ thống mạch lạc mà còn choáng ngợp với những bức tranh khổ lớn thể hiện hồn đô thị đã được họa sĩ dày công thực hiện trong suốt 5 năm (từ năm 2017).
Kỳ công tranh minh họa
Được nuôi dưỡng tình yêu với Sài Gòn qua lời kể của ông bà cha mẹ, họa sĩ Lâm Nguyễn Kha Liêm mong muốn tái hiện những tòa kiến trúc xưa, những con người hào hoa một thời vang bóng của hòn ngọc Viễn Đông theo phong cách digital art. Đi từ Sài Gòn – Gia Định đến Chợ Lớn, anh vẽ hàng loạt bức tranh lớn kỳ công khắc họa các tòa dinh thự, hội quán, đền chùa. Anh đưa người đọc ghé thăm những phòng trà, rạp hát của người Hoa và Việt, những đoàn cải lương, kịch sĩ, những bức chân dung người nổi tiếng theo lối chụp của nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu. Ngay cả những dấu ấn sinh hoạt, những công trình tôn giáo vốn đòi hỏi người vẽ phải có hiểu biết nhất định về văn hóa cũng được anh nghiên cứu và họa lại một cách tỉ mỉ, đặc sắc; nhất là bộ tranh kiếng thể hiện các tích Trung Hoa được vẽ trên các xe mì, kiến trúc đền Mariamman hay chùa Khmer, qua đó làm nổi bật khía cạnh giao lưu văn hóa giữa Sài Gòn với những nền văn minh khác.
Đằng sau mỗi chi tiết nhỏ trong tranh đều là sự dụng công tìm tòi khám phá của người họa sĩ, thể hiện qua việc Kha Liêm mô phỏng phong cách tranh quảng cáo trước 1975, dựng lại kiểu chữ typography đậm chất retro, cách vẽ tờ rơi giới thiệu phim chiếu rạp, tuồng cải lương hoặc các tờ nhạc rời, tạp chí ngày xưa, thậm chí từng hoa văn trang trí viền sách cũng là nỗ lực sáng tạo của riêng anh.
Với mức độ công phu ấy, người thưởng lãm tranh có thể nhìn sâu vào từng ô cửa để phát hiện nội thất bên trong một dinh thự xưa, soi rõ những phù điêu trang trí trên bức tường một ngôi chùa cổ kính, hoặc nhìn tường tận từng bảng hiệu nhỏ nhất nằm lẩn trong một khu phố náo nhiệt…
Kho tư liệu hấp dẫn
Bên cạnh những tranh vẽ toàn cảnh choáng ngợp của Kha Liêm, phần lời do nhà báo Phạm Công Luận chấp bút tựa như món ăn góp thêm vào bữa tiệc thị giác vốn đã rất mãn nhãn.
Qua ngòi bút của ông, những di sản kiến trúc một thời, các điểm đến tâm linh, những phương tiện giao thông, minh tinh Sài Gòn một thuở và biết bao cảnh sinh hoạt đời sống phong phú… từng ghi dấu trong ký ức của nhiều người Sài Gòn lần lượt được phục dựng lại và từ từ lướt qua trước mắt ta: “Còn ai nhớ ở Sài Gòn từng có những chiều Chủ nhật vui như trẩy hội, trên ba con đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ và Tự Do (nay là Đồng Khởi). Từng nhóm gia đình hay những đôi trai gái, những cặp vợ chồng chầm chậm đổ về bến Bạch Đằng hay tới chợ Bến Thành. Gió mát từ phía sông thổi tung những tà áo dài. Các quý ông Sài Gòn chỉn chu với mái tóc ngắn gọn thường được chải brilliantine cho gọn gàng, diện áo sơ mi tay ngắn hay montagut đỏ sẫm hoặc vàng nghệ. Những kiểu cách đơn giản mà như huyền thoại, chỉ còn đọng lại trong phim ảnh một thời”.
Sau bao nhiêu năm, dù trải qua bao nhiêu biến động của thời cuộc, Sài Gòn trong tâm tưởng của nhiều người vẫn là một thành phố luôn tạo nỗi nhớ, cho dù sống rất xa, hay đang sống ngay trong lòng nó. Sài Gòn, dù ngày xưa, hơn nửa thế kỷ trước, không phồn hoa bằng bây giờ, nhưng trong tâm tưởng, vẫn là một thời tuyệt đẹp cho những ai có tuổi trẻ ở đây, để rồi vẫn mang một “ký ức rực rỡ” của đời mình.
Sách Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn – Ký Ức Rực Rỡ gồm 284 trang in màu đặc sắc, bìa cứng dày dặn và tinh tế, tặng kèm 4 tranh kỷ niệm về Sài Gòn có thể tách rời thành tranh riêng để treo thưởng lãm. Theo Kha Liêm, anh chọn khổ sách đặc biệt 42.5cm x 20cm theo ý tưởng màn ảnh đại vĩ tuyến, tạo cảm giác mỗi chủ đề nối tiếp nhau như trong một cuốn phim tua chậm. Nền giấy bóng mượt giúp các chi tiết, hoa văn phức tạp và các lớp màu sắc trong tranh được thể hiện rõ nét và sống động, hứa hẹn đem đến cho người đọc trải nghiệm trọn vẹn nhất.
Cuối thập niên 1950, ở Sài Gòn xuất hiện một phòng trà ở số nhà 43 đường Bùi Viện có chất lượng nghệ thuật cao, tạo nên một luồng gió mới trong đời sống văn nghệ và giải trí của Sài Gòn. Ở đây có sân khấu ca múa nhạc và phục vụ giải khát cho khách. Điều độc đáo nữa là vào buổi tối, nơi đây là phòng trà có ca múa nhạc sống nhưng ban ngày là quán ăn từ thiện. (trích Phòng trà Anh Vũ)
Nằm trên khuôn viên gần 3.000m², trong khu vực đô thị sang trọng bậc nhất của Sài Gòn xưa và nay, biệt thự được xây theo phong cách kiến trúc tổng hợp, kết hợp hài hòa giữa kiến trúc bản địa (Việt, Hoa) và kiến trúc phương Tây (Pháp), với các vật liệu và kỹ thuật xây dựng tiên tiến nhất thời đó. Nội thất có nhiều mảng tường và trần nhà có vẽ bích họa cảnh người, hoa lá, linh vật…(trích Biệt thự Mịch Hà)
Nhà báo Phạm Công Luận là tác giả của những tựa sách gây tiếng vang và được tái bản nhiều lần như: Nếu biết trăm năm là hữu hạn, Những lối về ấu thơ, Chú bé Thất Sơn. Không chỉ nổi bật trong thể loại tản văn, ông còn là một cây bút gạo cội sở hữu sức viết dồi dào, mang đến cho độc giả nhiều tập sách chuyên khảo, hồi ký về Sài Gòn giàu giá trị như Sài Gòn – Chuyện đời của phố (5 tập), Phong vị báo xuân xưa, Sài Gòn – Ngoảnh lại trăm năm…
Họa sĩ Lâm Nguyễn Kha Liêm hiện làm thiết kế sáng tạo tại một công ty quảng cáo truyền thông và tham gia cộng tác minh họa Artwork cho các trung tâm của người Việt tại hải ngoại. Đam mê và yêu thích lối vẽ của họa sĩ Tạ Tỵ và Duy Liêm