THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 03:44

Giữ lại, bảo tồn một phần của những cây cầu tiêu biểu mang dấu ấn Sài Gòn xưa

Giữ lại 2 nhịp cầu Bình Lợi

Cầu Bình Lợi là cầu đường sắt vượt sông Sài Gòn đầu tiên được xây dựng năm 1902 với chiều dài 276m, gồm 6 nhịp với độ tĩnh không thông thuyền thấp nên có nhịp quay ở phía bờ quận Thủ Đức cho tàu thuyền qua lại.

Cầu Bình Lợi là cầu đường sắt vượt sông Sài Gòn đầu tiên được xây dựng năm 1902 với chiều dài 276m. (Ảnh: Xuân Trường).

Cầu có kết cấu vòm thép, các thanh thép liên kết bằng đinh tán rivê. Bên phải đường ray gần chân cầu theo hướng từ quận Thủ Đức sang quận Bình Thạnh có một tháp canh. Trên vách tường hướng ra bờ sông còn rõ ô đắp chữ nổi “Binh Loi Octobre 1948” (Bình Lợi, tháng 10-1948).

Theo Sở Văn hóa - thể thao TP.HCM, cầu đường sắt Bình Lợi có giá trị lịch sử, văn hóa gắn với quá trình hình thành, phát triển Sài Gòn - TP.HCM và của ngành đường sắt Việt Nam.

Do vậy, việc bảo tồn nguyên trạng một phần cầu đường sắt Bình Lợi (gồm phần đầu cầu và một nhịp cầu quay tiếp giáp bờ sông Sài Gòn thuộc quận Thủ Đức) và một tháp canh (bờ sông quận Thủ Đức) là cần thiết.

Việc giữ lại một phần nguyên trạng cầu cũng nhằm lưu giữ dấu tích cầu đường sắt Bình Lợi gắn với không gian sông nước để phục vụ cho việc tìm hiểu nghiên cứu khoa học về ngành đường sắt và phát triển ngành du lịch trên địa bàn TP.

Đối với các nhịp cầu còn lại trước khi tháo dỡ, Sở Văn hóa - thể thao đề nghị cho phép Bảo tàng TP.HCM khảo sát, sưu tầm, ghi hình và tiếp nhận một số cấu kiện, thành phần kiến trúc có giá trị để lưu trữ tư liệu, hình ảnh phục vụ cho nghiên cứu khoa học.

Việc giữ lại một phần nguyên trạng cầu Bình Lợi nhằm phục vụ cho việc tìm hiểu nghiên cứu khoa học về ngành đường sắt và phát triển ngành du lịch trên địa bàn TP.

Lưu giữ một chút hồn của cầu Nhị Thiên Đường

Cầu Nhị Thiên Đường là cây cầu bắc qua kênh đôi, thuộc địa phận Quận 8, TP.HCM. Cầu được xây dựng vào những năm 1925 là điểm nguồn của Quốc lộ 50 và được đổ bê tông theo kiến trúc hiện đại. Từ lúc xây dựng đến nay Cây cầu mang tên "Nhị Thiên Đường", vừa là một cảnh quan hấp dẫn, vừa là một di tích lịch sử ghi dấu thời kỳ Nam Bộ kháng chiến ở Quận 8, TP.HCM. Đây là một trong những cây cầu có bề dày lịch sử lâu đời nhất ở Sài Gòn, nối liền Chợ Lớn với các tỉnh miền Tây, qua QL50.

Sau nhiều lần họp bàn, TP.HCM đã quyết định phá bỏ cầu Nhị Thiên Đường để xây cầu mới thay vì trùng tu giữ lại nguyên vẹn cầu Nhị Thiên Đường có tuổi đời hơn 90 năm. Theo Sở GTVT, nếu sửa chữa, trùng tu để giữ chiếc cầu cũ kinh phí 138 tỷ đồng, trong khi xây cầu mới chỉ khoảng 163 tỷ đồng, chưa kể việc trùng tu lại không đảm bảo. Do vậy, mặc dù đã phá bỏ hoàn toàn nhưng thiết kế cây cầu vẫn giữ nét kiến trúc cổ của các trụ đèn, lan can cầu. Hai tấm bảng đúc gang ghi tên Công ty xây dựng Levallois Perret (của Pháp) và số 1925 - năm hoàn thành cây cầu được giữ lại gắn vào cầu mới.

Còn đâu cầu Sắt Phú Long

Cầu Phú Long cũ được xây dựng từ thời Pháp vào năm 1913, cầu có chiều dài hơn 251 mét, được xây dựng toàn bộ bằng thép. Thời gian qua, gầm cầu Phú Long cũ quá thấp, nên đã làm hạn chế lưu thông đường thủy, là loại hình vận tải có chi phí thấp nhất hiện nay.

Bên cạnh đó, trong chiến tranh cầu bị sập nhiều lần và được phục hồi lại với mặt cầu một phần bằng bê tông, một phần mặt sắt. Hiện cầu đã xuống cấp, chỉ cho người đi bộ và xe hai bánh lưu thông.

Và cầu Phú Long mới thay thế cầu cũ đã đi vào hoạt động từ năm 2012, cầu có chiều dài hơn 1.400 mét, có chiều rộng mặt cầu 26 mét với 6 làn xe, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân.

Theo Quyết định số 4602/QĐ-SGTVT ngày 13-8-2018 này, việc tháo dỡ cầu Phú Long cũ nhằm mục đích bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông, bởi hiện tại cầu Phú Long mới cách công trình cũ một km về phía hạ lưu đã đáp ứng được nhu cầu lưu thông của người dân; đồng thời, việc tháo dỡ bảo đảm đồng bộ tĩnh không thông thuyền đối với dự án cầu đường sắt Bình Lợi cho tuyến sông Sài Gòn, góp phần phát triển kinh tế vùng.

Cầu Phú Long cũ được xây dựng từ thời Pháp vào năm 1913, cầu có chiều dài hơn 251 mét, được xây dựng toàn bộ bằng thép.

Theo quyết định phê duyệt, sẽ tháo dỡ toàn bộ kết cấu nhịp và các trụ cầu; thanh thải dòng chảy, tổ chức lại giao thông trong khu vực. Đối với vật tư thu hồi sẽ được thanh lý theo quy định để bù vào tổng mức đầu tư của công trình.

Việc tháo dỡ cầu Phú Long cũ với hơn 100 năm tuổi, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã tính toán chi tiết đến yếu tố lịch sử. Theo đề nghị của Bảo tàng TP.HCM tại Công văn số 328/BTTP ngày 4/1/2018 và Biên bản làm việc giữa Khu Quản lý giao thông đô thị số 3 và Viện Bảo tàng TP.HCM, quyết định cũng nêu rõ một số cấu kiện khi tháo dỡ cần được bảo quản, lưu giữ và chuyển giao cho Viện Bảo tàng TP.HCM

Những công nhân tháo dỡ cầu cho biết, nhìn bề ngoài cây cầu vẫn còn đẹp, tốt nhưng dưới bề mặt cầu, giữa các nhịp, khi tháo ra mới thấy các thanh sắt nối các nhịp đã hoen gỉ, mục hết. “Nếu trong năm nay không được tháo dỡ chắc chắn cầu sẽ sập. Lúc đầu chuẩn bị tháo dỡ, nhiều người dân phản ứng dữ dội, kéo lên cầu đòi đánh và ngăn cản công nhân thi công. Chúng tôi phải nhờ chính quyền can thiệp mới có thể tiếp tục tháo dỡ cầu…”, một công nhân tháo cầu chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Hoa, mở nhà hàng ngay sát chân cầu Phú Long nhìn cây cầu đang tháo ngậm ngùi: “Cây cầu đã quá quen thuộc với người dân, nhiều người đã gắn bó và mưu sinh cả mấy đời nhờ cây cầu này, nay dỡ đi ai cũng nuối tiếc. Tôi mở quán bán ở đầu cầu nhiều năm nên cũng thấy hụt hẫng. Trước đây quán tôi đông khách lắm, nhưng từ ngày cầu tháo dỡ đến giờ quán vắng tanh. Nhiều gia đình khác cũng đóng cửa quán bỏ đi nơi khác tìm kế sinh nhai…”.

Theo Sở GTVT TP.HCM, Để giữ lại một phần di tích của cây cầu, tấm bảng ghi tên hãng làm cầu và năm xây xong cầu (1913) sẽ được cắt tháo ra đưa về bảo tàng TP HCM.

Kỹ sư Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội Cầu đường - Cảng TP HCM cho rằng, đây là cây cầu sắt lâu đời nhất nối vùng Sài Gòn - Gia Định với vùng đất cận kề Lái Thiêu - Bình Dương. Cây cầu là “nhân chứng” nối con người ở hai vùng đất với nhau. Nét độc đáo trong kỹ thuật xây dựng cầu Phú Long là các nhịp thép ở giữa gối lên trụ rồi lao hẫng về phía bờ như cánh tay đón lấy nhịp vòm từ bờ lao ra. “Đây là biện pháp kỹ thuật mà sau này ngành cầu đường hiện đại vận dụng thành cách đúc hẫng cân bằng, nối kết các nhịp cầu với nhau”, ông Trường nói.

BẢO BÌNH (T/H).

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh