THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:46

Rút ngắn thời gian nộp thuế, bảo hiểm xã hội

Tạo bình đẳng trong cơ chế thị trường

Phát biểu khai mạc VBF, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) Bùi Quang Vinh cho biết, việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2015 diễn ra trong bối cảnh có nhiều thuận lợi.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định và phát triển đúng hướng; tăng trưởng lấy lại đà phục hồi một cách ổn định, vững chắc, dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm 2015 của Việt Nam là 6,2% hoặc có thể cao hơn; an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm.

Theo Bộ trưởng Vinh, khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã cho thấy những tín hiệu lạc quan như: 46% DN tư nhân trong nước và 50% DN FDI dự kiến sẽ mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh trong thời gian tới, đây là mức cao nhất kể từ năm 2012 đến nay. Tuy nhiên, nền kinh tế  của Việt Nam vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức.

Bên cạnh tín hiệu lạc quan này, hoạt động của khu vực DN tư nhân chưa được cải thiện đáng kể. Gần 70% DN kinh doanh không có lãi, mặc dù kinh tế tư nhân trong nước đã đóng góp 50% GDP, nhưng riêng khu vực kinh tế cá thể đã đóng góp trên 33% GDP. Trong số các DN tư nhân đang hoạt động thì số DN lớn chỉ chiếm chưa đầy 2%, DN vừa chiếm 2%, còn lại 96% là nhỏ và siêu nhỏ.

Quy mô nhỏ, quản trị yếu kém, công nghệ thấp, khó tiếp cận nguồn vốn, sức cạnh tranh không cao... đang là thực trạng phổ biến của khối kinh tế này.

Doanh nghiệp làm thủ tục thông quan hàng hóa.

Những yếu kém của nền kinh tế thời gian qua có nguyên nhân khách quan từ sự bất ổn của nền kinh tế thế giới, nhưng chủ yếu vẫn do những nguyên nhân chủ quan trong nội tại của nền kinh tế.

Do vậy, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, khuyến khích đầu tư bằng hình thức đối tác công tư PPP; đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN; nâng cao hiệu quả kinh doanh của DN; tạo sự bình đẳng trong cơ chế thị trường, trong phân bổ nguồn lực đối với các DN... 

Tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước

Phát biểu tại VBF 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh và cảm ơn đại diện các quốc gia, đối tác phát triển, hiệp hội DN trong và ngoài nước đã tham dự, đóng góp ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm về cơ chế chính sách, luật pháp, công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành của Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua.

Thủ tướng cho biết, mục tiêu phấn đấu năm 2015 của Chính phủ là đạt mức tăng trưởng GDP 6,2%; tiếp tục tập trung tái cơ cấu đầu tư công; tái cơ cấu để DNNN hoạt động hiệu quả hơn, cạnh tranh bình đẳng với các DN thuộc các thành phần kinh tế; tái cơ cấu ngân hàng theo hướng lành mạnh, hiệu quả, công khai, minh bạch, đến 2016 không còn ngân hàng yếu kém.

Nhấn mạnh các chỉ tiêu phấn đấu trong năm 2015 như đã nêu, Thủ tướng chỉ đạo: “… Bảo đảm ít nhất 90% hoàn thuế theo đúng thời gian quy định; hàng hóa xuất nhập khẩu giao lưu qua biên giới đạt mức tối đa 13 ngày đối với hàng xuất khẩu, 14 ngày đối với hàng nhập khẩu; thực hiện các thủ tục khởi sự kinh doanh tối đa 6 ngày; tiếp cận điện năng đối với lưới điện trung áp tối đa 36 ngày; thực hiện thủ tục phá sản DN giảm từ 60 tháng hiện nay còn tối đa 30 tháng...”.

Chia sẻ thông tin với cộng đồng DN nước ngoài tham dự VBF, Thủ tướng cho biết: Chính phủ Việt Nam vừa ký kết Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với Hàn Quốc, FTA với Liên minh Kinh tế Á - Âu; ký kết FTA Việt Nam - EU vào cuối năm 2015; hoàn thành đàm phán và ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP…

“Với triển vọng hoàn tất 14 FTA trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có quan hệ thương mại tự do với 55 đối tác, trong đó có 15 thành viên G-20. Đây là nền tảng cơ bản để Việt Nam hội nhập quốc tế ở tầm cao mới, mở ra không gian hợp tác phát triển rộng lớn trong tương lai” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định. 

Minh Hoàng

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh