Rút ngắn khoảng cách chênh lệch giới trong các lĩnh vực
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 12:39 - 24/05/2016
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Phó Chủ tịch Uỷ ban quốc gia vì Sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam Nguyễn Trọng Đàm tại Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020, diễn ra vào sáng ngày 23/5. Tham dự Hội nghị có đại diện các bộ, ban, ngành, Sở LĐ-TB&XH 31 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Đào tạo nghề cho hơn 3,5 triệu lao động nữ nông thôn
Ngày 24/12/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2351/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 (gọi tắt là Chiến lược) với mục tiêu tổng quát là “Đến năm 2020, về cơ bản, bảo đảm thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá và xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước”. Chiến lược đề ra 7 mục tiêu và 22 chỉ tiêu cụ thể nhằm thực hiện bình đẳng giới trong các lĩnh vực chính trị; kinh tế, lao động, việc làm; giáo dục và đào tạo; chăm sóc sức khoẻ; văn hoá thông tin; trong đời sống gia đình và xoá bỏ bạo lực trên cơ sở giới, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bình đẳng giới.
Theo báo cáo Sơ kết 5 năm thực hiện Chiến lược của các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố cho thấy: Có 9/22 chỉ tiêu đạt kế hoạch đề ra (chiếm 41%); có 5/22 chỉ tiêu không đạt (chiếm 23%); có 8/22 chưa thống kê được đầy đủ (chiếm 36%).
Về tỷ lệ nữ tham gia các cấp uỷ đảng cho thấy tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, số uỷ viên nữ là 20 người chiếm tỷ lệ 10%. Lần đầu tiên đã có 3 đồng chí nữ trong tổng số 19 đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị (chiếm tỷ lệ 15,78%). Kết quả đại hội đảng bộ, chi bộ cơ sở nhiệm kỳ 2015 -2020 cho thấy số cấp uỷ viên là nữ có 58.646, chiếm 19,69%. Tỷ lệ nữ tham gia quốc hội khoá XIII đạt 24,2%. Có 2 tỉnh đạt trên 50% nữ đại biểu Quốc hội (Ninh Bình, Hà Giang).
Hiện, có 14/30 Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có nữ Thứ trưởng và tương đương đạt tỷ lệ 46,6%. Đây là nhiệm kỳ có số lượng nữ lãnh đạo chủ chốt ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan trực thuộc Chính phủ nhiều nhất. Trong ngành Công an, lần đầu tiên có 3 đồng chí nữ được phong quân hàm Thiếu tướng; Bộ quốc phòng đã phong quân hàm cho một nữ Trung tướng và hai nữ Thiếu tướng.
Trong giai đoạn 2011-2015 cả nước đã giải quyết việc làm cho khoảng 7, 815 triệu lao động, trong đó lao động nữ chiếm khoảng 48% tổng số việc làm được tạo ra của cả nước. Báo cáo của Tổng cục thống kê năm 2015 tỷ lệ nữ làm giám đốc/ chủ doanh nghiệp đạt 24.8% là tỷ lệ khá cao so với khu vực và thế giới.
Lao động nữ nông thôn là một trong những đối tượng được ưu tiên đào tạo nghề giai đoạn 2011 -2020. Với sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương, trong 5 năm (2011-2015), đã có trên 3,5 triệu lao động nữ nông thôn được học trình độ nghề sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng chiếm (43%), trong đó trên 2 triệu lao động nữ (chiếm 46%) được hỗ trợ học nghề theo các chính sách đề án.
Chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo đã và đang được nhà nước đặc biệt quan tâm. Theo Báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội năm 2015, tổng dư nợ các chương trình tín dụng ưu đãi cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách là 133,7 tỷ đồng với gần 7 triệu hộ vay vốn. Trong đó dư nợ cho vay các hộ gia đình do phụ nữ làm chủ hộ là gần 87 nghìn tỷ đồng, với 4,5 triệu hộ vay vốn là nữ. Trên 80% các hộ gia đình do phụ nữ tại các vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu đều được Ngân hàng Chính sách xã hội giải quyết cho vay vốn ưu đãi khác. Theo số liệu Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến tháng 5/2015, số lượng phụ nữ ở vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn vốn tín dụng chính thức là 95.625 khách hàng với dư nợ 6.116 tỷ đồng chiếm tỷ lệ 73%.
Giảm tử vong mẹ nhanh nhất trong khu vực
Trong 5 năm qua, nhiều chỉ tiêu cơ bản về chăm sóc sức khoẻ sinh sản đều đã đạt được. Tỷ lệ tử vong mẹ ở Việt Nam đã giảm từ 68/100.000 trẻ đẻ sống vào năm 2011 xuống còn 59/100.000 trẻ đẻ sống vào năm 2014 và năm 2015 là 58,3/100.000. Liên hợp quốc đánh giá Việt Nam có tốc độ giảm tử vong mẹ nhanh so với các nước trong khu vực
Số liệu thống kê của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, đến tháng 6/2015 trên toàn quốc phát hiện 13.268 vụ bạo lực gia đình với số nạn nhân bạo lực gia đình là 13.752 người. Tổng số lượt nạn nhân bạo lực gia đình được tư vấn, được hỗ trợ chăm sóc là 16.028 lượt. Số người gây bạo lực gia đình được tư vấn 6.749/12.536 người gây bạo lực gia đình (đạt tỷ lệ 53%). Theo báo cáo địa phương, đến năm 2015 đã hỗ trợ 2.213 nạn nhân bị mua bán trở về hoà nhập cộng đồng (trong đó 40 nạn nhân là nam giới, 2.173 nạn nhân là nam giới (98,2%).
Đánh giá về những kết quả thực hiện được của Chiến lược, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm nhấn mạnh, trong 5 năm qua trên cơ sở sự chỉ đạo của các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố đều đã ban hành Kế hoạch hành động về bình đẳng giới giai đoạn 2011 -2015. Công tác truyền thông về bình đẳng giới ngày càng đi vào chiều sâu, tác động trực tiếp đến từng nhóm đối tượng, đặc biệt là người dân ở cấp cộng đồng. Sự tham gia, vào cuộc của các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức quần chúng, các cơ quan, tổ chức tại mỗi địa đã dần xoá bỏ bất bình đẳng giới, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giới trong các lĩnh vực.
Theo ông Phạm Ngọc Tiến Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB&XH), kết quả 5 năm đầu thực hiện Chiến lược cho thấy, Việt Nam đã hoàn thành cơ bản một số chỉ tiêu trong lĩnh vực lao động việc làm, chăm sóc sức khoẻ. Tuy nhiên hầu hết các chỉ tiêu của mục tiêu 1 về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, mục tiêu 3 trong lĩnh vực giáo dục đào tạo và mục tiêu trong lĩnh vực gia đình chưa đạt được kết quả đề ra.
Để thực hiện có hiệu quả Chiến lược trong giai đoạn 2016 – 2020, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm kiến nghị, Chính phủ chỉ đạo việc rà soát, sửa đổi Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển giới quốc gia để đảm bảo tính khả thi. Bố trí ngân sách cho việc thực hiện các chính sách bình đẳng giới. Các bộ, ngành đầu tư nguồn lực cho công tác cán bộ nữ. tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách phát luật về bình đẳng giới thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành. Tăng cường hợp tác quốc tế để tranh thủ sự ủng hộ về kỹ thuật, thông tin tài chính của các tổ chức quốc tế…
Tại Hội nghị đã có 101 tập thể và 94 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 5 năm triển khai Chiến lược được trao tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH.
Ông Nguyễn Hồng Tuyến – Vụ trưởng Vụ Các Vấn đề chung về Xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp): “ Đảm bảo lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng văn bản pháp luật” Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII đến nay, Quốc hội đã thông qua 111 luật, pháp lệnh, trong đó có khoảng hơn 40 luật, pháp lệnh có liên quan vấn đề bình đẳng giới đã được cơ quan chủ trì soạn thảo tiến hành lồng ghép vấn đề bình đẳng giới theo quy định của Luật Bình đẳng giới. Đặc bi, để nâng cao hiệu quả việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản qui phạm pháp luật, Quốc hội đã thông qua Luật Ban hành văn bản qui phạm pháp luật 2015 đã có nhiều qui định mang tính đột phá nhằm bảo đảm việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới. Ông Dương Duy Hưng – PGĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Nguyên: “Cần lồng ghép vấn đề giới vào công tác hoạch định chính sách của đại phương” Để có thể triển khai hiệu quả Chiến lược giai đoạn tại địa phương điều quan trọng cần sự quan tâm chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền đối với vấn đề bình đẳng giới. Các, ban, ngành phải tăng cường phối hợp liên ngành trong việc triển khai, tổ chức thực hiện. Lồng ghép vấn đề giới vào công tác hoạc định chính sách và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, huy động tối đa các nguồn lực để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra. Nâng cao vai trò giám sát và phản biện xã hội về bình đẳng giới của các tổ chức đoàn thể. Ông Trương Công Khải – PGĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Nam: “Tạo mọi điều kiện để cán bộ nữ phấn đấu trưởng thành” Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị và đoàn thể quần chúng tạo mọi điều kiện cho phụ nữ phát triển. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bình đẳng giới với nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức cho cấp uỷ Đảng, thủ trưởng các đơn vị. Bố trí kinh phí cho các hoạt động về bình đẳng giới. Cần có cơ chế, chế tài theo dõi việc thực hiện lồng ghép giới vào các lĩnh vực và chế tài thực hiện. Giao chỉ tiêu các địa phương, đơn vị cần phải có số liệu tách biệt giới tính để có cơ sở xây dựng hệ thống dữ liệu về bình đẳng giới cũng như kết quả thực hiện.
|