CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:18

'Rượu tự nấu để dùng hộ gia đình thì không phải báo cáo Ủy ban nhân dân xã'

 

Đại biểu Giàng A Chu, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái. 

 

Rượu tự nấu để dùng hộ gia đình: Chỉ báo cáo trưởng thôn

Thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, đại biểu Giàng A Chu cho rằng, rượu thủ công là diện rất rộng, Ban soạn thảo đã quy định ở Điều 15 và Điều 17. "Tôi đề nghị nên đưa về một điều và quy định cả 2 nội dung. Rượu tự nấu để dùng hộ gia đình thì tôi đề nghị không phải báo cáo Ủy ban nhân dân xã. Bởi Ủy ban xã ở nhiều nơi rất xa hộ gia đình, có nơi đi đến cả ngày đường. Chúng ta quy định như vậy có hợp lý không?". Theo đó, ông đề nghị "chỉ báo cáo với trưởng thôn". 

Còn rượu tự nấu để kinh doanh, để bán, vị đại biểu tỉnh Yên Bái đồng tình như trong dự thảo là có giấy phép của Ủy ban nhân dân xã về khối lượng, chất lượng và cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm, không cần phải có hợp đồng mua bán. "Vì nếu quy định phải có hợp đồng mua bán thì thực tế chúng ta cũng không thực hiện được", ông Giàng A Chu nói.

Cũng liên quan đến sản xuất rượu thủ công, đại biểu Quàng Thị Vân (đoàn Điện Biên) nêu, về biện pháp quản lý đối với sản xuất rựợu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh tại khoản 1 Điều 17 quy định hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu không nhằm mục đích kinh doanh phải có bản tự kê khai gửi Ủy ban nhân dân cấp xã về sản lượng sản xuất rượu, phạm vi sử dụng, cam kết không được bán rượu ra thị trường.

"Nếu rượu được sản xuất thủ công đã qua kiểm nghiệm chất lượng men thì tại sao không được bán ra thị trường? Thực tế, nhiều nơi sản xuất rượu thủ công rất ngon và được coi là đặc sản của vùng miền đó", bà nói và nêu  ví dụ, "quê tôi có rượu Mông tê nấu bằng men lá tự làm và ủ lá chè tuyết san rất ngon. Nhiều khách đến đó rất muốn mua những đặc sản rượu này nhưng theo quy định của luật sẽ không được bán ra thị trường".

 

Đại biểu Ksor Phước Hà (Ksor H’Bơ Khăp) - đoàn Gia Lai.


Do đó, theo đại biểu Quàng Thị Vân, nếu rượu được sản xuất thủ công nhưng đạt các điều kiện về an toàn thực phẩm thì không nên siết chặt như vậy. Trường hợp, rượu không đạt tiêu chuẩn theo quy định về an toàn thực phẩm thì nhất định phải cấm sản xuất, tiêu thụ đối với cá nhân và hộ gia đình sản xuất rượu thủ công đó.

Đại biểu Ksor Phước Hà (Ksor H’Bơ Khăp) cho biết: "Ví dụ như bản thân tôi, ngay từ khi còn bé đã được uống rượu, vì ở làng người ta cúng là phải uống, uống vào tôi vẫn bình thường. Nhưng nhiều người lớn khi uống vào có thể quay cuồng, nằm bất tỉnh. Đấy là một ví dụ rất thực tiễn mà bản thân tôi là người trải nghiệm". Do đó, theo bà Phước Hà, cần điều chỉnh lại số lượng quy định vào tính nồng độ cồn. Các hành vi bị nghiêm cấm, quảng cáo rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên, vậy dưới 15 độ cồn thì sao?

Theo đại biểu Phước Hà, việc tác hại của rượu bia thuộc về thể trạng của mỗi người, kể cả khi ta đo nồng độ cồn, cũng một lượng bia, rượu đó vào mỗi người nhưng không phải khi đưa lên máy đo nồng độ cồn thì có kết quả như nhau. Cần điều chỉnh lại số lượng quy định vào tính nồng độ cồn. "Có người chỉ 1 ly là tắc thở, có người uống 1 lít vẫn bình thường", vị đại biểu tỉnh Gia Lai nêu.

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh