THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:19

Dự luật phòng chống tác hại của rượu bia: Cần chỉnh lý các quy định "mạnh tay" hơn

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia

 

Sáng 23/5, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Cũng trong sáng nay, các đại biểu thảo luận tại hội trường về một số vấn đề quan tâm liên quan đến dự thảo luật.

Báo cáo nêu dự thảo luật sau chỉnh lý có 36 điều, ít hơn 2 điều so với dự thảo luật do Chính phủ trình và có những điểm mới cơ bản so với pháp luật hiện hành.

 Cụ thể, các quy định của dự thảo luật đã luật hóa hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia; quản lý rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh để có thể quản lý được việc lưu hành của sản phẩm này trên thị trường và bảo đảm an toàn thực phẩm; quản lý kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5,5 độ thông qua việc giao Chính phủ quy định cụ thể; không cấm bán rượu, bia trên internet mà chỉ quy định điều kiện bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử; quy định cụ thể hơn về việc quản lý quảng cáo rượu, bia và tài trợ của các tổ chức, cá nhân kinh doanh rượu, bia.

 Dự thảo luật quy định độ tuổi được mua rượu, bia; địa điểm không uống rượu, bia; địa điểm không bán rượu, bia và trách nhiệm của người đứng đầu, người quản lý cơ sở có địa điểm không uống, không bán rượu, bia và người đứng đầu cơ quan, tổ chức và gia đình trong phòng, chống tác hại của rượu, bia. 

Về hành bi vi nghiêm cấm (Điều 5), một số ý kiến đề nghị rà soát các quy định có nội dung cấm tại các điều nằm rải rác trong dự thảo Luật và bổ sung quy định cấm ép buộc người khác sử dụng rượu, bia; cấm cho người dưới 18 tuổi sử dụng rượu, bia; cấm uống chất có cồn trước và trong khi điều khiển phương tiện giao thông; cấm uống rượu, bia khi tham gia giao thông; quảng cáo, khuyến mại rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên dưới mọi hình thức.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, đây là những giải pháp hết sức mạnh mẽ và sẽ rất hiệu quả trong phòng, chống tác hại của rượu, bia, tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, quy định này dự báo sẽ chưa có tính khả thi cao, do vậy, xin được giữ như dự thảo Luật.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý Khoản 8, Điều 5 về hành vi bị nghiêm cấm và Điều 21 về phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia quy định “người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia ngay trước và trong khi tham gia giao thông”, giao trách nhiệm cho người đứng đầu cơ sở kinh doanh vận tải, chủ phương tiện giao thông vận tải thực hiện các biện pháp để người điều khiển phương tiện không sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. Bộ Giao thông - Vận tải có trách nhiệm xây dựng nội dung và tổ chức việc đào tạo về phòng, chống tác hại của rượu, bia trong chương trình đào tạo cấp giấy phép lái xe.

 Về tên gọi của dự thảo luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cho giữ nguyên tên gọi “Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia”.

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên phát biểu.


Thảo luận tại hội trường về dự luật này, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) cho rằng, nếu xác định kiểm soát quảng cáo để có tác động bảo vệ nhóm thanh thiếu niên thì cần chú trọng 2 vấn đề: Hạn chế đến mức thấp nhất số lượng các em tiếp xúc với quảng cáo rượu bia và nước uống có cồn; và kiểm soát nội dung quảng cáo, nghĩa là làm sao cho các em không bị lầm tưởng rằng rượu bia là tốt, là được khuyến khích sử dụng.

Trên thực tế, các loại bia chiếm áp đảo thị trường trong nước hiện nay đa số có độ cồn từ 4,2 đến 5%. Tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới đã nêu rõ, bia đang là đồ uống phổ biến ở Việt Nam và trong tình hình các nhà sản xuất quảng cáo, tiếp thị bia rộng rãi như hiện nay, thì bia là lựa chọn chính khi giới trẻ bắt đầu làm quen với đồ uống có cồn.

Vì vậy, tôi đề nghị quy định độ cồn từ 4% trở lên thay cho mốc 5,5% và khung giờ quảng cáo cần phải điều chỉnh lại từ 18h-21h ở điều 12 thay cho những quy định theo chủ đích hiện tại của dự luật. Ai cũng biết 19-20h là thời gian chương trình thời sự và hầu như không có quảng cáo, đó chỉ là khung giờ vàng theo quan niệm người lớn nhưng nó không có ý nghĩa ưu tiên giảm lượng trẻ tiếp xúc với quảng cáo rượu bia và đồ uống có cồn”, bà Hiền cho hay.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cũng quan tâm các quy định hạn chế việc phổ biến rượu bia đối với trẻ em được nêu trong dự luật. Ông Nhân không đồng tình với việc loại bỏ một quy định đã từng được thể hiện là “cấm bán rượu bia có nồng độ cồn từ 15% trở lên trên mạng internet”.  

Đại biểu cũng băn khoăn với việc bia có nồng độ cồn dưới 5,5% không bị hạn chế quảng cáo trên các phương tiện truyền thông. Theo đó, loại đồ uống có khả năng nguy hại với trẻ em này trở thành sản phẩm được phủ trong “vùng trắng”, thả sức quảng bá, lan truyền tới mọi giới, mọi người, trong mọi khung giờ.

“Cần luôn cân nhắc những yếu tố tác động xấu đến trẻ em, một đối tượng yếu thế cần bảo vệ” – ông Nhân đồng tình với đại biểu Hiền ở quan điểm cần điều chỉnh quy định, “quét” cả với những sản phẩm bia rượu có độ cồn từ 4% trở lên chứ không chỉ từ mức 5,5% trở lên.  

 

 


Thanh Nhung - Mạnh Dũng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh