THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:55

TP. Huế: Hơn 250 cây gỗ thông đặc dụng trên 30 năm tuổi biến mất một cách “bí hiểm”

Hiện trường nơi diện tích rừng thông đặc dụng bị chặt hạ trái phép

Đầu năm 2017, UBND TP. Huế đã có quyết định thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành nhằm thực hiện Chỉ thị 65/2015/CT-UBND của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Vào thời điểm cuối tháng 8 vừa qua, khi Đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra việc quản lý rừng và sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn phường An Tây thì phát hiện 2.809 m2 diện tích rừng thông đặc dụng tại tổ 10, khu vực 5 (phường An Tây, TP Huế) bị chặt hạ trái phép. Số lượng cây thông bị chặt hạ là 254 cây qua nhiều giai đoạn khác nhau, trong đó có 170 gốc dấu vết còn khá mới.

Đây là khu rừng thông đặc dụng được trồng khoảng từ năm 1986-1989, có đườn kính từ 20-25 cm và do UBND phường An Tây quản lý.

Theo báo cáo gửi UBND TP Huế của phường An Tây do bà Phạm Thị Phương Mai, Chủ tịch UBND phường ký, tại thời điểm Đoàn kiểm tra phát hiện rừng bị chặt đã không thấy đối tượng cũng như số cây bị đốn hạ, tại hiện trường chỉ còn gốc và nhánh lá cây. Qua tìm hiểu của đoàn kiểm tra, rừng đã bị chặt trước đó từ 10-15 ngày.

Trong bản báo cáo của mình, UBND phương An Tây cho rằng nguyên nhân vụ việc phát hiện chậm là do diện tích đất tự nhiên rộng, lực lượng quản lý đô thị của phường chỉ có 2 người nhưng lại nhiều việc; vụ phá rừng diễn ra phức tạp, thực hiện vào ban đêm và các ngày nghỉ; xa khu dân cư, khuất tầm nhìn và ít người qua lại... “Người dân họ thấy nhưng cứ nghĩ do chính quyền khai thác nên không trình báo. Trong khi cán bộ của chúng tôi lại mỏng nên không thể nắm hết. Chúng tôi cho rằng đây là vụ phá rừng để lấn chiếm đất trồng cây” - bà Mai phân trần thêm.

Tuy nhiên trên thực tế, vị trí khu rừng thông bị chặt hạ chỉ cách đường Châu Chữ khoảng 100m và xung quanh cũng có nhiều nhà dân và chùa chiền. Người dân địa phương cho biết, việc chặt hạ khu rừng thông này kéo dài gần một tuần lễ, và nó diễn ra công giữa ban ngày. Số gỗ thông khi đã chặt hạ xuống cũng được vận chuyển đi công khai nhưng chẳng thấy ai ngăn chặn.

Số cây thông bị chặt hạ có tuổi đời trên 30 năm

Được biết, hiện nay, lực lượng chức năng TP. Huế đang khẩn trương điều tra để làm rõ vụ việc. Theo nguồn tin riêng của chúng tôi, trong thời gian qua, Công an TP. Huế cũng đã triệu tập một số người liên quan để làm rõ.

Trên thực tế trong nhiều năm qua, việc đất và rừng lâm nghiệp, rừng đặc dụng cảnh quan, rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn tại tỉnh Thừa Thiên Huế bị lấn chiếm, bị chặt phá xảy ra khá nhiều. Như chính bản Chỉ thị 65 của tỉnh này đã nêu rõ: “Trong những năm qua, mặc dù các cấp chính quyền địa phương, ban ngành và cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp để từng bước ngăn chặn các hành vi lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp, nhưng trên thực tế tình hình quản lý rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh vẫn có chiều hướng diễn biến phức tạp.”

Nguyên nhân được chỉ ra là do: “Nhiều chủ rừng không quản lý chặt chẽ diện tích rừng và đất lâm nghiệp do đơn vị quản lý nên để rừng và đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, trong khi đó chính quyền và các cơ quan chức năng tại các địa phương chưa chú trọng chỉ đạo và tìm ra các giải pháp quản lý phù hợp, nên không kịp thời ngăn chặn và xử lý triệt để các vụ vi phạm.”

CAO TIẾN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh