Rừng mùa thu Na-uy trong lòng xứ Thanh
- Văn hóa - Giải trí
- 16:58 - 13/08/2020
Rừng mùa thu Na-uy thu nhỏ trong lòng xứ Thanh
Cách trung tâm TP. Thanh Hóa chỉ chừng 40km, quần thể danh thắng Kim Sơn nằm ở xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc là một vùng danh thắng nguyên sơ mang vẻ đẹp của tạo hóa, được thiên nhiên ban tặng quần thể núi non kỳ vỹ trong đó có hệ thống động khô và động nước Kim Sơn, Tiên Sơn, cùng với đó là điểm tâm linh chùa Linh Ứng nằm ngay trên vách núi.
Bắt đầu vào tháng 8, Khu di tích danh thắng Quốc gia Kim Sơn là thời gian đón du khách trong và ngoài nước đến tham quan và khám phá vẻ đẹp như trời Âu, vừa mang vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, vừa mang nét cổ kính của Châu Âu, với những cánh rừng ngả lá vàng hai bên bờ suối Ấu, dưới chân du khách là những thảm lá vàng rực rỡ. Chảy dưới chân cánh rừng lá vàng là một màu tím hoa súng trải dài trên dòng suối Ấu, tạo nên khung cảnh đẹp như trong câu chuyện cổ tích. Cái se se lạnh của mùa thu như phủ lên không gian nơi đây một chút tĩnh lặng, lãng mạn đến kỳ lạ, như quyến rũ, níu chân du khách đã đến thì không muốn rời đi.
Kỳ vỹ nhưng không thiếu nét tinh tế, có đôi khi tưởng lộn xộn nhưng lại đầy chủ ý, dường như, tạo hóa đã cố tình sắp đặt nên một phương thắng tích, để cho con người khi đối mặt với sự kỳ bí của tự nhiên, đã phải vin vào trí tưởng tượng và những niềm tin tâm linh nào đó, mới có thể "cố tìm mà hiểu".
Đặc biệt, bức tranh sơn thủy hữu tình ở nơi đây thì còn có dòng suối Ấu thơ mộng, trong lành nép mình giữa thiên nhiên mà hiếm địa danh nào có được. Có lẽ vì thế mà người dân và du khách khi đến đây đều trầm trồ, ví vùng non nước kì thú này là "Tràng An thu nhỏ". Quần thể danh thắng Kim Sơn được đánh giá là có giá trị về mặt lịch sử, địa lý, kiến tạo địa chất và là nguồn tài nguyên tự nhiên vô giá để địa phương phát triển loại hình du lịch sinh thái và văn hoá tâm linh.
Chùa Linh Ứng, ngôi chùa cổ nằm ngay trên vách núi Hang, quanh năm hương khói vờn trên nóc và lẩn khuất vào trong cái nhịp chảy trôi chầm chậm, lắng đọng, tưởng chừng bất biến của thời gian quanh đây. Không gian, cảnh vật, màu sắc và cả cái nhịp điệu sống đặc biệt an nhiên, dường như đã tách biệt cả vùng thắng tích này ra khỏi cuộc sống náo nhiệt bên ngoài. Để rồi, khi bước vào, con người không khỏi có cảm giác như đang được soi vào mặt gương phẳng lặng vô hình, có thể khiến tâm hồn như cũng được gột rửa, vỗ về mà trở nên yên tĩnh đi mấy phần. Từ sân chùa, tầm mắt có thể bao quát cả một vùng nước biếc non xanh ẩn hiện dưới màn mưa, đẹp đến nao lòng.
Nghe nói xưa kia, đầm nước rộng tới vài mẫu trước mặt chùa, vào tiết mùa hè sen bung nở, sắc hồng mong manh và tinh khôi như nhuộm cả lên nền trời cái sắc màu thiền tịnh. Gió đưa làn hương nồng nàn và dịu mát tỏa ra không gian và vấn vít trong tay áo người, như muốn mang cả hương thơm từ núi trở về. Thắp nén hương lên ban thờ, lầm rầm vài lời khấn vái, cầu mọi sự an lành, trút bỏ bớt tham, sân, si dưới chân Phật và mở lòng đón nhận lấy vẻ đẹp cuộc sống. Đó là điều trước tiên mỗi người có thể ít nhiều lĩnh hội lấy, để bắt đầu chuyến khám phá Kim Sơn giữa ngày thu...
Lạc vào tiên cảnh
Dãy núi cao thấp hàng chục ngọn, có tên gọi Kim Sơn xuất hiện khoảng đầu thế kỷ XVI. Đến cuối thế kỷ XIX, địa danh này lại được sử sách biết đến khi sĩ phu yêu nước Tống Duy Tân dựa vào núi Hùng Lĩnh - mạch núi liền với Kim Sơn - để làm căn cứ Cần Vương chống Pháp. Sách "Đại Nam nhất thống chí" có đoạn ghi lại: "Núi Kim Sơn có một tên nữa là núi Biện, cũng gọi là núi Bông (...), mạch núi từ phía Đông núi Hùng Lĩnh men theo sông Mã mà đổ xuống, nổi vọt lên 29 ngọn".
Còn trong cuốn "Thanh Hóa tỉnh, Vĩnh Lộc chí", tác giả Lưu Công Đạo cũng có đoạn tả rất thú vị về địa danh này: "Núi từ Hùng Lĩnh, men theo sông Mã mà chảy xuống, quanh co hơn mười dặm. Núi ấy ban đầu lao xuống có 72 đỉnh nhọn, họ Trịnh lúc đầu lệnh cho Lệnh Doãn (quan huyện) cho dân xã 20 suất canh giữ trông coi núi, mỗi tháng dựa vào suất để cấp lương bổng, nhân đó gọi là Biện Lĩnh, là cấm địa gồm 29 ngọn. Núi ấy nham thạch lăng tằng, nhọn như răng chó, đỉnh núi nhọn như chiếc kích, xa mà nhìn lại có người cho là cái tán, có người cho là tòa lâu đài, có người cho là tinh, là kỳ, là phượng, là ngựa, là bức gấm thêu, là bức họa vẽ. Mỗi bước lại một hình trạng lạ, không hình nào giống hình nào, đầy đủ cả, hâm mộ cảnh sắc kỳ dị đều cho là đẹp đẽ. Cho dù có người vẽ giỏi thì cũng không thể vẽ được".
Chiếc thuyền nhỏ khua mái chèo chầm chậm, đưa chúng tôi vào động nước Kim Sơn (còn gọi là động Ngọc Hồ). Án ngữ ngay cửa động, trên vách núi, nổi bật bia chữ Hán "Thanh Hoa thắng tích", được Tổng đốc Thanh Hóa Hà Đình Nguyễn Thuật cho khắc năm Nhâm Thìn, niên hiệu Thành Thái (1892), như một lời "nhắc nhở" du khách về những điều thú vị đang chờ đợi. Động chạy xuyên ngang núi hay mạch nước như cái khoan mềm mại và kiên nhẫn, đã dùng không biết bao nhiêu thời gian, bỏ biết bấy nhiêu công sức, để khoan thủng cả chân núi mà khoan thai đi lại trong lòng.
Cửa động rộng chừng 30m, hình vòm cung tự nhiên như miệng cá mở rộng, đang nuốt trọn con thuyền nhỏ. Cửa này có cái tên gọi đầy tự nhiên và hoa mỹ: Phong Môn. Qua "cửa gió", thuyền trôi sâu vào lòng động, chen chúc trong giới hạn của bóng tối - ánh sáng đan xen. Cảm giác mát lạnh khoan khoái như ngấm vào tâm can.
Hai bên bờ động là những phiến đá lớn bằng phẳng, gắn với câu chuyện dân gian còn lưu truyền về các nàng tiên thường xuống vùng đất này dạo chơi và tắm mình trong dòng nước trong veo giữa lòng động. Cứ mỗi lần tắm rửa, các nàng lại thấy tóc mình càng dài mãi ra, óng mượt và tỏa hương thơm của muôn loài hoa. Ngọc Hoàng thấy vậy bèn cho thần núi đẽo gọt những tảng đá to, bằng phẳng bên trong động để các nàng tiên ngồi soi gương, chải tóc.
Ngước mắt trông lên, vòm động như được gắn vô số "cột đá trụ trời" và các khối thạch nhũ đa dạng hình dáng, khiến du khách không khỏi trầm trồ thán phục trước bàn tay khéo léo của tạo hóa. Điều khiến không ít người ngạc nhiên là dòng nước tưởng như hiền hòa này có thể "trở mặt" khi vào mùa mưa lũ, nước dâng nhấn chìm cả đá và sóng bật lên như muốn trút cơn giận dữ vào vách đá. Động chỉ dài chừng vài trăm mét, nhưng sự kỳ công sắp đặt của tự nhiên và không khí trong lành đến kinh ngạc, chắc chắn có thể làm hài lòng du khách.
Trong quần thể danh thắng Kim Sơn, ngoài động nước Kim Sơn còn có động Tiên Sơn (núi Thung Vịnh) vừa được khám phá gần đây. Từ động Kim Sơn, bằng đường thủy theo hướng Bắc, hoặc di chuyển bằng đường bộ chừng 1km sẽ đến động Tiên Sơn. Trước cửa động, Phật Bà Quan Thế Âm Bồ Tát tọa thiền trên đài sen như muốn giúp con người rũ bỏ bụi trần, để bước vào một thế giới khác.
Như tên gọi của nó, Tiên Sơn giấu trong lòng nó một thế giới tiên cảnh, với vô số khối thạch nhũ lung linh, khắc họa nên những hình ảnh kỳ lạ để du khách thỏa sức tưởng tượng. Đó là giếng tiên trong vắt, mát lạnh được ví như những giọt sữa tiên chảy mãi không ngừng; là cung vua Thủy Tề nguy nga với đàn đá, phát ra âm thanh leng keng theo điệu nhạc khi du khách chạm vào; rồi hình ảnh Tiên ông, cung Tiên ông, các hình muông thú kỳ khác lạ...
Ngoài ra, động Ngọc Kiều là một trong những động đẹp nằm trong quần thể danh thắng Kim Sơn. Đáng nói hơn, đây là động có không gian tương đối rộng (nền động dài 54m, rộng 17m) và hiểm trở. Nhờ vị thế và không gian của nó nên trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, động Ngọc Kiều từng là nơi trú quân và là nơi đặt xưởng quân giới sản xuất vũ khí cung cấp cho mặt trận. Đặc biệt, động có hình vòm trông như chiếc ô khổng lồ mở ánh sáng từ phía trên dọi xuống. Cũng bởi vẻ đẹp riêng mà động Ngọc Kiều đã được không ít tao nhân, thi sĩ ưu ái đề thơ ca ngợi.
Trên hành trình đến thăm Thành Nhà Hồ thì du khách hãy một lần ghé chân và dừng bước ở miền non nước hữu tình Kim Sơn để thấy một nét rất khác biệt ở vùng đất Tây Đô. Đây cũng là một gợi ý thú vị để cho du khách lựa chọn khám phá những điểm đến mới ở xứ Thanh trong sắc Thu về.
Để rồi, trên hành trình khám phá miền đất di sản Vĩnh Lộc, danh thắng Kim Sơn chắc chắn sẽ làm hài lòng những du khách ưa hòa mình vào thiên nhiên hay ham thích đôi chút mạo hiểm.