Rời Facebook để tìm năng lượng tích cực
- Chia sẻ
- 02:53 - 08/07/2021
GS Ngô Bảo Châu chia sẻ, mình đã có trên dưới 10 năm sử dụng Facebook. Ông cảm thấy biết ơn vì kênh truyền thông này không chỉ giúp bản thân biết thêm nhiều kiến thức mà còn kết nối được với những người bạn đã mất liên lạc từ lâu, có những người đã trở thành bạn thực sự, thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của ông. Tuy nhiên, do ông không còn hào hứng với mạng xã hội nói chung và trang Facebook này nói riêng nên đây là thời điểm thích hợp để nói lời chia tay.
Ở Việt Nam gần đây, khá nhiều người nổi tiếng cũng đã rời bỏ Facebook hay ít ra cũng hạn chế sử dụng mạng xã hội. Nhiều người cho biết, những năng lượng tiêu cực được "phát tán" như virus trên mạng xã hội này đã gây ra những cảm xúc không lành mạnh, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống riêng cũng như công việc của mỗi người.
Không chỉ những người nổi tiếng, nhiều người bình thường cũng đang có xu hướng từ bỏ mạng xã hội. Một cựu giám đốc doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh mới sang định cư tại Mỹ gần đây đăng thông báo "đóng cửa" trang Facebook cá nhân với lý do "cuộc sống còn có rất nhiều việc phải làm nên không có thời gian để chăm sóc trang cá nhân của mình". Còn một phụ nữ gốc Việt đã định cư tại Mỹ từ gần 40 năm trước, từng là một trong những người "tiên phong" sử dụng mạng xã hội để chia sẻ cảm xúc và trao đổi thông tin với người thân, bạn bè ở quê nhà, cũng đã nói lời tạm biệt với mạng xã hội bởi nó gây cho bà "quá nhiều rắc rối".
Nếu chỉ cần một công cụ để kết nối thông tin với bạn bè, người thân thì hiện có rất nhiều nền tảng công nghệ để lựa chọn. Facebook nói riêng, mạng xã hội nói chung, bên cạnh những tác dụng tích cực đang ngày càng bộc lộ rõ mặt trái với quá nhiều tác động tiêu cực. "Nguồn năng lượng tiêu cực" tỏa ra từ mạng xã hội nhiều khi đã gây ảnh hưởng xấu đến số lượng người rất lớn. Không chỉ vậy, nó còn khiến nhận thức, tư tưởng của nhiều người trở nên lệch lạc...
Rời bỏ "thế giới ảo" để trở về với đời thực - điều đó đang dần trở thành xu hướng trong cộng đồng xã hội. Rời xa không gian này, chúng ta sẽ không còn phải bận tâm đến những "chuyện bao đồng" với rất nhiều thứ hổ lốn được đưa lên không kiểm chứng nhưng lại được một "đám đông" xúm vào cổ xúy; cũng chẳng phải xem, phải đọc những câu chuyện nhuốm sắc màu tiêu cực, không phải tiếp cận với những bình luận đầy tính sát thương, phỉ báng... vốn nhan nhản hằng ngày.
Rời bỏ không gian ấy, mọi người sẽ có thời gian và nguồn cảm hứng để làm những công việc thực sự có ích cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Hay ít ra cũng để cho đầu óc có khoảng trống để nghỉ ngơi an lành... Nói như một nhà văn, "bớt lên phây (Facebook), bớt đọc tả pí lù cũng là một liệu pháp để tránh bị tinh thần bất ổn".