“Rơi điểm” phần kiến thức lớp 11: Học sinh đổ xô ôn luyện trước kỳ thi THPT quốc gia
- Giáo dục nghề nghiệp
- 23:14 - 09/04/2018
Năm 2018, nội dung thi THPT quốc gia sẽ nằm trong chương trình cả lớp 11 và lớp 12.
Cuộc đua không cân sức !
Năm 2018, mặc dù Bộ GD&ĐT đã có lộ trình về việc đưa kiến thức lớp 11 vào đề thi THPT quốc gia từ hơn 1 năm nay, nhưng qua kỳ thi khảo sát (thi thử) lớp 12 vừa qua ở Hà Nội vẫn khiến nhiều giáo viên, học sinh (HS) băn khoăn, lo lắng. Kết thúc thi, nhiều HS đều có chung tâm trạng lo cho kỳ thi thật THPT quốc gia vào cuối tháng 6 tới vì phải ôn lại cả kiến thức lớp 11 trong khi chương trình học của lớp 12 chưa thể kết thúc.
Em Doãn Hoàng Duy, HS lớp 12, trường THPT Việt Đức tỏ ra hoang mang khi đề thi Khoa học tự nhiên có quá nhiều câu hỏi khó: "Mặc dù đã biết trước sẽ có kiến thức lớp 11 trong đề thi để ôn tập, nhưng em vẫn thấy lúng túng vì chưa kịp nhớ hết và hệ thống lại kiến thức. Nếu so sánh với năm ngoái, em thấy số lượng các câu hỏi khó trong các môn thi thành phần năm nay cũng nhiều hơn. Đề thi thử môn Hóa hơi quá sức với HS, còn bài thi môn Sinh học và Vật lý ở mức tương đối, song kiến thức lại khá rộng".
Cũng cùng tâm trạng, Thanh Thủy, HS lớp 12 trường THPT Trần Phú cho biết, sau khi kết thúc bài thi thử này, em sẽ dành nhiều thời gian hơn để ôn luyện các dạng bài tập để thi tốt hơn trong đợt thi chính thức sắp tới. "Sau khi làm bài thi thử, em có chút lo lắng vì đề thi khá khó. Nếu đề thi chính thức ở mức độ tương đương, em nghĩ mình sẽ phải cố gắng rất nhiều trong thời gian tới. Riêng đối với môn Hóa, em thấy đề có nhiều bài tập khó, phải tính toán kỹ, mất nhiều thời gian. Môn Sinh đề cũng khá khó, em chỉ làm được khoảng 50% câu hỏi, còn lại là khoanh theo may rủi. Đề thi môn Vật lý có vẻ "dễ thở" nhất, song kiến thức lớp 11 cũng rất nhiều".
Dù đã ôn kỹ kiến thức lớp 11 và cả lớp 12, nhưng Nguyễn Phương Lan, HS trường THPT Phan Đình Phùng cũng chỉ làm được khoảng 70% các câu hỏi trong 3 môn thi thành phần của bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên. Lan cho rằng, đề thi thử lần này không mang tính đánh đố HS, nhưng cũng không hề đơn giản. Vì có cả kiến thức lớp 11, nên có những bài tập yêu cầu HS phải biết cách hệ thống, xâu chuỗi lại các kiến thức liên quan để xử lý bài tập đưa ra.
Em Phạm Thanh Mai, cùng một số HS Trường THPT Trần Nhân Tông cho biết, đề thi khảo sát môn Tiếng Anh năm nay có kiến thức trải rộng ở cả lớp 10, 11 và 12. Trong 40 câu hỏi trắc nghiệm chúng em đều hoàn thành trong 60 phút làm bài nhưng chỉ chắc chắn đúng được khoảng 50%. Chung tâm trạng khá lo lắng trên, em Hoàng Hải, HS trường THPT Đống Đa cho rằng: "Em thấy trong 40 câu hỏi trắc nghiệm đều là các kiến thức khá khó. Nếu bạn nào nắm chắc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa và chịu khó luyện về từ vựng, ngữ pháp thì mới đạt được điểm từ 7 trở lên. Các môn khác thì không nói, nhưng riêng Tiếng Anh thì rất khó có thể xác định xem câu hỏi đó thuộc kiến thức lớp 10, 11 hay 12. Em phải mất khá nhiều thời gian để làm các câu hỏi về cuối mã đề thi của mình. Kiến thức về từ vựng, ngữ âm ngữ pháp, đọc hiểu là những thứ mà chúng em cần phải ôn luyện thật nhiều trong những tháng cuối của năm học này thì mới có thể làm tốt được đề Tiếng Anh.
“Ở môn thi Ngữ văn, dù đề thi không quá khó, nhưng phần kiến thức lớp 11 khiến em và các bạn khác hết sức ngỡ ngàng”, Đức Tùng, HS lớp 12 trường Lê Quý Đôn (quận Đống Đa) kể. Một HS khác ở điểm thi tại quận Ba Đình cho biết, do chủ quan, nghĩ kiến thức lớp 11 đơn giản nên em tập trung ôn ở chương trình lớp 12. Không ngờ, phần kiến thức này khiến em bối rối, nhất là cách làm bài so sánh.
Học nhồi nhét: Chỉ phục vụ kỳ thi, không đạt hiệu quả giáo dục
Đề thi tham khảo năm nay được nhiều giáo viên đánh giá là tăng độ khó rõ rệt so với năm trước ở tất cả các môn. Do đó, việc “lên dây cót” tinh thần, vừa bảo đảm chuẩn kiến thức cho HS, vừa giúp HS có tâm lý, sức khỏe tốt nhất trước khi bước vào kỳ thi được nhiều trường đặc biệt chú trọng. Tuy nhiên, bên cạnh việc phân nhóm ôn tập theo năng lực HS, theo môn, không ít lãnh đạo, giáo viên và HS các nhà trường băn khoăn, đó là tỷ lệ kiến thức chương trình lớp 11 trong đề thi tham khảo chỉ chiếm từ 20% đến 25%, nhưng các câu hỏi không xác định rõ ở mức độ nào.
Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa) Hà Xuân Nhâm cho biết, sau kỳ thi khảo sát, thi thử THPT quốc gia, bên cạnh việc đảm bảo kế hoạch dạy và học theo chương trình chính khóa, nhà trường đã khẩn trương lên kế hoạch ôn tập cho HS. Cụ thể, từ nay đến giữa tháng 4/2018, trường vẫn giữ nguyên các hoạt động dạy học theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT. Sau khi kết thúc chương trình các môn học, HS sẽ bước vào giai đoạn ôn thi học kỳ 2. Sau đó, các tổ bộ môn sẽ điều chỉnh thời lượng giữa các môn học, bổ sung một số tiết ôn tập kiến thức lớp 11.
Thi khảo sát lớp 12 ở Hà Nội, học sinh bị "rơi điểm” phần kiến thức lớp 11.
Cô Nguyễn Thị Chuật, Tổ trưởng tổ văn Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) phân tích, trong đề khảo sát của Sở GD&ĐT (dựa trên đề minh họa của Bộ), riêng bài văn 5 điểm, gồm kiến thức lớp 11 là 50% và lớp 12 là 50%, không có phần liên hệ mở rộng, sáng tạo cho HS viết. Hơn nữa, thời gian chỉ có 120 phút với một lượng kiến thức khá rộng như thế, cô e ngại HS không đủ thời gian làm bài, trong khi đề thi rộng và dài. Và nếu thực sự tới đây, đề thi chính thức như đề minh họa thì không thể tránh khỏi việc HS phải luyện thi rất vất vả như trước kia. Do đó, cô Chuật đề nghị Bộ GD&ĐT cần cân nhắc khi ra đề chính thức, tránh tham kiến thức, đưa chương trình lớp 11 quá khó và dài vào đề thi.
Còn cô Trương Thị Ánh Nguyệt, giáo viên một trường THPT ở Phú Thọ cho rằng, vì thi trắc nghiệm cho nên bất cứ một chi tiết nhỏ nào cũng có thể vào đề thi, vì vậy HS được yêu cầu học chắc và kỹ kiến thức lớp 12, không bỏ sót bất cứ phần nào. Cộng thêm việc thi kiến thức lớp 11 nên HS rất căng thẳng. “Đặc biệt, trong đề minh họa vừa rồi xuất hiện những câu hỏi khó, khiến HS khá, giỏi cũng hoang mang dẫn đến phải đi học thêm, luyện thi. Điều này rất bất hợp lý so với một kỳ thi trong có cả chức năng xét tốt nghiệp THPT”, cô Nguyệt nói.
Thầy Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho hay, HS năm nay lo lắng, căng thẳng hơn năm trước khi vừa phải thi thêm kiến thức lớp 11 vừa có độ phân hóa cao. Tổ chức thi cử thế nào để đảm bảo ổn định, không nên làm khó và buộc HS phải nhồi nhét, mà học nhồi nhét chỉ để phục vụ kỳ thi sẽ không đạt hiệu quả giáo dục. Theo thầy Tùng Lâm, đề thi minh họa năm nay vẫn còn bộc lộ một số hạn chế. Ví dụ, đề thi Văn dù đã bao quát được kiến thức của lớp 11, lớp 12 nhưng nhiều câu hỏi trắc nghiệm khá vụn vặt, không đào sâu kiến thức và không giúp cho HS phát triển tư duy sáng tạo. Số lượng câu hỏi nhiều và lượng câu hỏi khó ít đi, hạn chế năng lực tư duy sáng tạo của người làm bài.
“Đề thi THPT quốc gia sắp tới phải sát đối tượng HS của các trường, vùng miền, phải đảm bảo đề thi không quá dễ, hoặc quá khó để đánh giá đúng năng lực HS. Tránh rơi vào tình trạng như kỳ thi năm 2017, tỷ lệ câu hỏi dễ cao, không có sự phân hóa hợp lý nên dẫn đến lạm phát điểm 10. Đề trắc nghiệm phải đảm bảo 2 tính chất là độ tin cậy và độ giá trị, rèn luyện kỹ năng tư duy, mức độ suy luận cho HS...”, thầy Tùng Lâm kiến nghị.
Ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội: Quan điểm của Sở GD&ĐT, kỳ thi khảo sát HS lớp 12 ở Hà Nội với mục tiêu chủ yếu cho HS tập dượt làm quen và cũng để bản thân HS biết được khả năng của mình đến đâu. Bên cạnh đó các thầy cô đang dạy HS cũng biết được khả năng HS của mình học như thế nào, sau đó dựa trên kết quả thi để mỗi một trường xây dựng kế hoạch ôn tập bổ sung kiến thức còn thiếu và yếu cho HS. Qua đợt thi thử để HS tập dượt về các kỹ năng chuẩn bị thi, đặc biệt là chuẩn bị cho các em tâm lý thi với các bài thi, cách tổ chức thi giống như cách thức tổ chức thi sắp tới mà Bộ GD&ĐT tạo quy định. Qua đó, cha mẹ HS cũng nắm được tình hình học tập của con em mình để có hướng giúp đỡ thêm, quản lý tốt hơn công việc học tập của HS. Với đợt “tổng duyệt” cho kỳ thi THPT quốc gia 2018 này, Sở GD&ĐT Hà Nội chịu trách nhiệm ra đề kiểm tra khảo sát theo nội dung chương trình quy định, bám sát cấu trúc, mức độ đề thi của kỳ thi THPT quốc gia. Phạm vi kiến thức kiểm tra khảo sát gồm nội dung chương trình giáo dục lớp 11 và lớp 12 THPT, trong đó tập trung chủ yếu ở chương trình lớp 12 theo Kế hoạch dạy học tính đến hết ngày 10/3/2018. |
Bộ GD&ĐT: Từ năm 2018, nội dung thi THPT Quốc gia sẽ nằm trong chương trình cả lớp 11 và lớp 12 THPT Từ năm 2019 trở đi, nội dung thi THPT nằm trong chương trình toàn cấp THPT. Từ năm 2021 trở đi, các bài thi, môn thi được thiết kế phù hợp với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; nếu điều kiện cho phép có thể tổ chức cho thí sinh làm bài thi trên máy tính. |