CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:32

Rau sạch ở vùng Đông Trường Sơn

Từ chuyện làm chơi

Phường An Bình có diện tích trồng rau lớn nhất thị xã An Khê, với 525 ha, chiếm tỷ lệ 67,8% diện tích đất nông nghiệp của địa phương, năng suất bình quân đạt 24 tấn/ha, sản lượng 12.600 tấn/năm. Những ngày áp Tết này, trên cánh đồng rau ở phường An Bình, niềm vui như được nhân đôi đối với nông dân bởi sản phẩm rau của họ vừa được định danh trên trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Trong tiết trời se lạnh, bà con đang hối hả lao động, người thì khẩn trương thu hoạch đậu cô-ve, người thì tích cực làm đất, xuống giống để chuẩn bị cho vụ mới. Tiếng máy cày đất xen lẫn tiếng nói cười của bà con như xua đi cái vất vả, nhọc nhằn, mang đến niềm tin, hy vọng về một vụ Tết ấm no.

Rau sạch ở vùng Đông Trường Sơn - Ảnh 1.

Ảnh rau thủy canh của Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp An Bình

Là người có thâm niên hơn 40 năm trồng rau, lão nông Trần Ngọc Hà (tổ dân phố 7) hiểu rất rõ những thăng trầm của nghề trồng rau trên vùng đất này. Theo ông, để có được những vườn rau xanh tốt như thế này, nông dân phải 1 nắng 2 sương tỉ mẩn chăm sóc, rồi học hỏi kỹ thuật mới, rút kinh nghiệm qua từng mùa, từng năm. "Trước đây, người dân trong vùng chỉ trồng vài ba luống rau trong vườn để ăn, sau đó thấy rau phát triển tốt nên trồng thêm để bán. Hộ ít thì vài ba chục luống, hộ nhiều cũng vài sào, rau được trồng chủ yếu là khổ qua, đậu cô-ve, cải ngọt, xà lách và đều được trồng bằng phương pháp thủ công. Ngày ấy, việc trồng rau còn vất vả lắm, nhất là khâu làm đất, nông dân phải cuốc bằng tay vì thời điểm chưa có máy móc. Nước tưới dù dồi dào, đào ở đâu cũng có nhưng lại không có máy bơm nên người dân phải còng lưng gánh từng đôi xô nước rồi đi rưới đều lên vườn rau. Nội việc tưới đâm cho rau đã hết ngày. Rồi khi thu hoạc rau xong cũng phải gánh từng gánh ra chợ bán chứ không phải như bây giờ, thương lái cho xe vào nhập hàng tận vườn. Thị trường rau ngày đó chỉ bó hẹp trong địa bàn thị xã An Khê, sau đó mở rộng thêm ở TP. Pleiku là hết. Nói vậy chứ, do ngày ấy chi phí đầu tư ít nên nông dân có thu nhập rất ổn định do đó mới duy trì nghề và không ngừng mở rộng tới tận bây giờ", ông Hà nhớ lại.

Rau sạch ở vùng Đông Trường Sơn - Ảnh 2.

Ảnh ông Trần Ngọc Hà đang chăm sóc vườn khổ qua của gia đình

Những năm gần đây, người dân An Bình không ngừng mở rộng diện tích đất trồng rau lên đến hàng trăm ha, các loại rau trồng cũng đa dạng và phong phú hơn. Trung bình, mỗi ngày làng rau An Bình cung cấp ra thị trường cả tấn sản phẩm. Tuy nhiên, vấn đề bây giờ là đầu ra cho sản phẩm mới là điều khiến nông dân nơi đây trăn trở. Theo nông dân ở đây, bây giờ, thị trường ưa chuộng rau ngoài phải sạch ra thì hình dáng phải bắt mắt, đa dạng mẫu mã. Chính vì vậy, ngoài kinh nghiệm ra, người dân nơi đây buộc phải áp dụng khoa học kỹ thuật và sử dụng những giống mới cho năng suất cao, hình thức đẹp, đảm bảo về an toàn thực phẩm thì mới có chỗ đứng trên thị trường. Và, vấn đề chất lượng rau sạch đồng bộ vẫn là điều tối quan trọng. Chính vì thế, năm 2016, một số hộ dân ở đây đã quyết định liên kết thành tổ sản xuất rau an toàn với diện tích 12 ha gồm 21 thành viên tham gia. Đến tháng 6/2017, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp An Bình được thành lập và chính thức đi vào hoạt động 2 tháng sau đó. Tôn chỉ mục đích của hợp tác xã là tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng, từng bước chiếm lĩnh thị trường, mang lại thu nhập ổn định và nâng cao đời sống cho nông dân. Theo Trần An Đình-thành viên Hội đồng quản trị Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp An Bình, từ ngày ra đời, mô hình liên kết sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGap đã hoạt động hiệu quả. Năm 2017, Hợp tác xã đã tiêu thụ được trên 22 tấn rau, tổng thu trên 262 triệu đồng. Trong đó, diện tích trồng rau VietGap của thành viên là trên 8 ha; 1.000m2 nhà lồng để ươm giống cây trồng phục vụ sản xuất và kinh doanh. Đặc biệt, tháng 6/2018, UBND thị xã An Khê đã triển khai dự án xây dựng nhãn hiệu chứng nhận "Rau An Khê", chọn Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp An Bình thực hiện dự án. Từ nguồn kinh phí 354 triệu đồng của dự án, Hợp tác xã tiếp tục xây dựng kế hoạch triển khai và mở rộng diện tích sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGap đạt trên 20ha với 45 thanh viên tham gia. Ngoài ra, Hợp tác xã đã mở cửa hàng rau sạch ở địa chỉ 143 Bùi Thị Xuân (phường An Phú) để cung ứng thực phẩm an toàn tới tay người tiêu dùng.

Rau sạch ở vùng Đông Trường Sơn - Ảnh 3.

Ảnh nông dân thu hoạch rau cải

Đến việc xây dựng thương hiệu quốc gia

Đến nay, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp An Bình đã có 110 thành viên với diện tích canh tác là hơn 22ha, sản lượng hàng năm đạt 2.221 tấn với trên 30 chủng loại rau. Mới đây, Hợp tác xã đã được Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu "Rau An Khê-Gia Lai". Đây là cơ hội để sản phẩm rau An Khê tạo lập chỗ đứng vững chắc trên thị trường, giúp nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Hiện, mỗi 1ha trồng rau, nông dân đã có thể thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. "Tôi thấy việc xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm là cần thiết, đây cũng là tiền đề quan trọng để Hợp tác xã không ngừng phát triển, từng bước mở rộng sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm rau quả", ông Trần An Đình cho hay.

Rau sạch ở vùng Đông Trường Sơn - Ảnh 4.

Ảnh người dân chăm sóc rau cho vụ Tết

Theo ông Phan Ngọc Thành-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã An Khê, từ khi bắt tay vào triển khai dự án xây dựng nhãn hiệu chứng nhận "Rau An Khê", địa phương đã đưa ra phương châm cung cấp ra thị trường những sản phẩm ngon và sạch, nông dân phải thực hiện đầy đủ các bước quy định theo tiêu chuẩn VietGAP ngay từ khâu chọn đất trồng, chọn nguồn nước tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Cũng chính vì tuân thủ các quy trình trên nên sản phẩm sau rạch nhanh chóng được tiêu thụ không chỉ ở trong tỉnh mà còn mở rộng ra các địa phương khác như như thành phố Đà Nẵng, Bình Định, Thừa Thiên-Huế, Nghệ An... góp phần làm tăng giá trị sản phẩm lên từ 5% đến 10% so với trước. "Hiện chúng tôi đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp, xây dựng hoàn chỉnh 2 dự thảo quy chế, quy trình cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận và gắn tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận. 

Rau sạch ở vùng Đông Trường Sơn - Ảnh 5.

Mô hình trồng măng tây của Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp An Bình

Thời gian đến, chúng tôi sẽ tiếp tục lấy ý kiến đóng góp và xây dựng hoàn chỉnh phương án thương mại hóa, kênh tiêu thụ cho rau An Khê, sổ tay hướng dẫn quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận để người dân nắm bắt và áp dụng", ông Thành thông tin. Còn ông Huỳnh Ngọc Mỹ-Trưởng phòng Kinh tế thị xã An Khê thì cho hay, là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nghề trồng rau, từ nhiều năm qua, thị xã An Khê đã hình thành các vùng trồng rau tập trung tại các phường An Bình, An Phú và xã Thành An. Hiện nay, thị xã có khoảng 2.127 ha đất trồng rau với sản lượng rau hàng năm đạt trên 46.650 tấn. Trong số này, có hơn 22 ha được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu "Rau An Khê-Gia Lai". Tuy nhiên, phần lớn diện tích trồng rau còn rải rác, không tập trung nên chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương. "Thời gian tới, thị xã sẽ mở rộng diện tích vùng sản xuất rau, đồng thời kết nối thị trường cung ứng rau trên toàn quốc. Bên cạnh đó, xây dựng các mô hình thí điểm khép kín từ sản xuất đến sơ chế, chế biến kinh doanh rau an toàn, tổ chức các chương trình xúc tiến nhằm quảng bá rộng rãi sản phẩm "Rau An Khê-Gia Lai" đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Tiếp tục tìm kiếm các đối tác tiêu thụ sản phẩm rau VietGap với mục tiêu tiến đến xây dựng thương hiệu vùng rau an toàn của thị xã An Khê nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung", ông Mỹ nói.

LÊ NHUẬN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh