CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:11

Rà soát, tăng cường các giải pháp phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em

 

Tham dự cuộc họp có đại diện Vụ Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng, Vụ Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội; Văn phòng Chính phủ; Tòa án nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân tối cao; đại diện các bộ: Công an, GD&ĐT, Tư pháp; Y tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam...

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, việc phòng, chống xâm hại trẻ em luôn là vấn đề được chú trọng.

Thứ trưởng Đào Hồng Lan phát biểu tại cuộc họp.


“Năm 2016 vừa qua, Bộ LĐ - TB&XH đã chọn chủ đề “Tập trung phòng, chống tại nạn thương tích, đuối nước trẻ em” đã huy động được sự tham gia tích cực của các cơ quan, địa phương, tổ chức, cộng đồng và gia đình trẻ em tham gia. Là cơ quan quản lý nhà nước vấn đề bảo vệ chăm sóc trẻ em, nhận thức được mối nguy hại của vấn nạn xâ hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em, ngay từ cuối năm 2016, Bộ chọn chủ đề của năm và Tháng hành động vì trẻ em năm 2017 là “Phòng, chống xâm hại trẻ em” và đã gửi tới các địa phương để có kế hoạch triển khai. Trên thực tế, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung, phòng, chống xâm hại  trẻ em nói riêng đã được các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố quan tâm triển khai thực hiện, nhưng trước tình hình xâm hại tình dục trẻ em thời gian qua, đặc biệt  một số vụ xâm hại tình dục trẻ em tại Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP. Hồ Chí Minh nóng trong dư luận đặt ra vấn đề cần sự vào cuộc rất quyết liệt của các các bộ, ngành, địa phương để rà soát lại những việc đã làm, những lỗ hổng, những hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân để có những giải pháp chủ động, hiệu quả hơn đối với việc phòng, ngừa, xét xử các vụ án xâm hại tình dục trẻ em…”- Thứ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.

Đại tá Trần Mười phát biểu.

 

“Điều lưu ý là cần tập trung công tác phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ và việc truyền thông cần lựa chọn phương thức để không gây hoang mang dư luận xã hội, qua đó bảo vệ nhân phẩm, hạnh phúc gia đình của chính các em. Bộ LĐ -TB&XH cần làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam,  để định hướng các cơ quan báo chí truyền thông về vấn đề này. ..”- bà Ninh Thị Hồng (Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam) đề xuất và cho rằng, Bộ LĐ - TB&XH cùng các Bộ, ngành có liên quan tiến hành khảo sát, nghiên cứu, để tìm ra nguyên nhân đưa ra những giải pháp phòng, chống xâm hại trẻ em mang tính khả thi cao.

Theo Đại tá Trần Mười, Trưởng phòng 6, Cục C45 (Bộ Công an), qua thống kê từ 2012 - 2016, số vụ xâm hại trẻ em có chiều hướng giảm về vụ việc, nhưng tăng về mức độ phức tạp, nghiêm trọng. Đối với những vụ xâm hại trẻ em, công tác điều tra gặp khó khăn trong quá trình thu thập chứng cứ.

 “Có những lúc có nơi cơ quan điều tra chưa đáp được theo yêu cầu. Nhưng quan điểm Bộ Công an là kiên quyết xử lý tội phạm, theo đúng quy định của pháp luật. Bộ đã có Công điện yêu cầu Công an các tỉnh, thành phố, công an xã phường, thị trấn chú trọng công tác phát hiện sớm, để ngăn chặn…”- Đại tá Trần Mười khẳng định.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Tùng, Vụ Pháp chế (Tòa án nhân dân tối cao) thẳng thắn cho rằng, số lượng vụ án xâm hại trẻ em đưa ra xét xử còn rất ít. Có nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan. Ví như, khi nắm được thông tin, cơ quan công an tiến hành điều tra xong, chuẩn bị chuyển cơ quan tố tụng, thì gia đình lại xin bãi nại. “ Quan điểm của tòa án, có xâm hại trẻ em là phải xử lý ngay, nhằm răn đe, ngăn ngừa và cảnh tỉnh đến toàn xã hội…”- ông Tùng nói.

Ông Nguyễn Xuân Tùng, Vụ Pháp chế (Tòa án nhân dân tối cao) phát biểu.

 

Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em (Sở LĐ - TB&XH Hà Nội) bà Đỗ Thị Hải Đường cho rằng, trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em chính là cơ chế chia sẻ thông tin. Khi xảy ra vụ xâm hại trẻ em, không chỉ có trách nhiệm của ngành LĐ-TB&XH mà còn có trách nhiệm của các Bộ, ngành, UBND các cấp, nói rộng ra là trách nhiệm của toàn xã hội.

Theo bà Hải Đường, để giải quyết được phần gốc công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, mỗi xã/ phường cần có 01 viên chức phụ trách công tác bảo vệ trẻ em. Hiện, việc bố trí thêm biên chế tại xã phường rất khó khăn, giải pháp hợp lý nhất là xây dựng mạng lưới nhân viên công tác xã hội, xây dựng đội ngũ cộng tác viên trẻ em tại tổ dân phố/ thôn/bản. Bên cạnh đó, các nhà trường nhất thiết phải đưa tiết giáo dục kỹ năng sống vào chính khóa để dạy các em thay vì đưa vào ngoại khóa.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Đào Hồng Lan ghi nhận và tiếp thu những ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, tổ chức Hội xã hội nghề nghiệp và đánh giá cao quyết tâm của các bộ, ngành nhằm phòng, chống xâm hại trẻ em.

“Cục Trẻ em tổng hợp các kiến nghị của các bộ, ngành, hội và rà soát các văn bản luật liên quan đến phòng, chống xâm hại trẻ em, nếu cần thiết đề xuất sửa đổi để phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, tích cực quảng bá đường dây tư vấn hỗ trợ trẻ em 18001567 để toàn xã hội biết, tạo cơ chế tiếp nhận, xử lý thông tin nhanh nhất…- Thứ trưởng chỉ đạo.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh