THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 03:34

Cần những giải pháp đồng bộ để phòng chống xâm hại trẻ em

 

Đây là chia sẻ của Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) Đặng Hoa Nam với Báo điện tử Dân  Sinh sau những vụ xâm hại tình dục trẻ em mới phát hiện và đang bị xã hội lên án. 

 

*Hiện nay, xâm hại tình dục trẻ em ngày càng gia tăng, theo ông đâu là nguyên nhân?

-Theo số liệu thống kê, mỗi năm có hơn 1.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Số liệu này được tổng hợp từ ngành công an và báo cáo của ngành LĐ-TB&XH. Tuy nhiên, những vụ xâm hại được phát hiện mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm vì đây chỉ là vụ cơ quan quản lý nhà nước thụ lý và xử lý. Có những vụ việc gia đình  không tố cáo, có sự dàn xếp giữa thủ phạm và gia đình. Đặc biệt, những vụ xâm hại tình dục diễn biến phức tạp. Số trẻ em bị xâm hại tình dục xảy ra ở nhiều độ tuổi, đặc biệt có cả những em bé tuổi mầm non.

Cục trưởng Đặng Hoa Nam.

 

Thủ phạm là đối tượng trẻ em quen biết, có giao tiếp với trẻ em như làng xóm, các thành viên trong họ hàng. Gần đây ghi nhận thực trạng cha đẻ xâm hại tình dục con gái thời gian kéo dài.

Số vụ xâm hại tình dục phát hiện tăng lên vì hệ thống tiếp nhận thông tin của cơ quan nhà nước đã hoạt động tích cực hơn. Trong số lượng gọi đến tổng đài điện thoại tư vấn hỗ trợ trẻ em của Cục Trẻ em tăng lên và người dân đã tin tưởng, mạnh dạn tố cáo những đối tượng xâm hại tình dục trẻ em.

Cục Trẻ em là cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em mở rộng các kênh phổ biến giáo dục pháp luật; truyền thông xử lý những vụ xâm hại tình dục trẻ em. Đặc biệt, mới đây Cục phối hợp với kênh VOV giao thông chiều chủ nhật hàng tuần có 1 giờ đồng hồ tương tác người nghe đài để thính giả phản ánh tới Cục những vụ việc liên quan đến trẻ em.

 

*Là đơn vị quản lý nhà nước về trẻ em, Cục đã có những biện pháp nào bảo vệ những nạn nhân là trẻ em bị xâm hại tình dục?

 

-Khi xảy ra vụ xâm hại tình dục trẻ em, trách nhiệm chính của Cục là bảo vệ nạn nhân, kết nối, cung cấp các dịch vụ bảo vệ trẻ em, đặc biệt về trị liệu tâm lý. Tiếp theo là phối hợp với cơ quan công an để hỗ trợ xác định chứng cứ.  Bảo vệ các em trong quá trình tố tụng như: tìm luật sư, tư vấn cho gia đình tố giác tội phạm và giảm thiểu tổn hại cho trẻ em.

Sau những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em xảy ra, Cục trẻ em đã có Công văn gửi đến địa phương; gọi điện chỉ đạo trực tiếp, chỉ đạo Trung tâm dịch vụ truyền thông, tư vấn, kết nối bảo vệ nạn nhân và lập hồ sơ theo đúng pháp luật; định hướng dư luận, trả lời báo chí.

Đối với những vụ việc cụ thể vừa xảy ra, Cục trẻ em cũng hướng dẫn các địa phương phải hỗ trợ cho các nạn nhân. Không những bảo vệ về mặt thể chất, tâm lý mà còn phải bảo vệ cả nhân phẩm, danh dự cho các em nữa. Bên cạnh đó, Cục cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tuyến cơ sở huy động tất cả dịch vụ có trên địa bàn, kể cả phải phối hợp với trung ương, hoặc các địa phương khác để giúp các em hồi phục tốt nhất.

Dạy trẻ em kỹ năng phòng chống xâm hại.

 

*Thế nhưng những vụ xâm hại tình dục vẫn gia tăng, vậy theo ông đâu là nguyên nhân?

 

-Trước hết phải nói đến đạo đức truyền thống dân tộc là kính già yêu trẻ. Ở nhiều quốc gia, hành vi xâm hại tình dục trẻ em cũng bị lên án để tạo áp lực đối với tội phạm, cũng như những kẻ có ý định phạm tội để không xảy ra những vụ xâm hại tình dục đối với trẻ em. Đặc biệt, tội phạm chính là những người thân quen của trẻ.

Nguyên nhân thứ 2 dẫn đến gia tăng tội phạm xâm hại tình dục trẻ em là ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Cần phải tăng cường giáo dục pháp luật nhiều hơn nữa trong cộng đồng. Tuy nhiên, có những vụ việc không thể nói thủ phạm không hiểu biết pháp luật, nhưng cần phải truyền thông vận động và giáo dục pháp luật mang tính răn đe. Cần truyền thông nhiều hơn những biện pháp cũng như hình thức xử lý của cơ quan chức năng đối với thủ phạm để răn đe.

Vấn đề nữa lên quan đến kỹ năng cha mẹ bảo vệ trẻ em. Cha mẹ thương yêu con về nuôi dưỡng học hành nhưng cần phải chú ý bảo vệ trẻ em. Phải có giả định trẻ có thể bị xâm hại bất kỳ nơi nào. Cha mẹ không nên quá tin tưởng gửi con cho hàng xóm hay để trẻ ở một mình, vì trẻ rất yếu đuối và rất dễ vị xâm hại, trẻ phải luôn nằm trong tầm kiểm soát của cha mẹ. Cha mẹ cũng cần học và cập nhật những kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em.

Theo tôi, trẻ cần được học giáo dục kỹ năng tự bảo vệ mình từ nhỏ bởi trang bị những kiến thức tự bảo vệ mình càng nhỏ càng tốt, vệ sinh thân thể, sức khỏe sinh sản, kiến thức tự bảo vệ bản thân, tự giải cứu khi bị xâm hại… Trách nhiệm này trước hết của ngành giáo dục cần đưa những kiến này vào nhà trường. Các tổ chức như: Đoàn thanh niên, đội thiếu niên tiền phong cùng vào cuộc để giáo dục các em.

Nguyên nhân cuối cùng là hệ thống pháp luật vẫn chưa đồng bộ. Luật Trẻ em có hiệu lực từ 1/6/2017 quy định quy trình bảo vệ, can thiệp và hỗ trợ trẻ em bị  xâm hại tình dục, nhưng chỉ Luật Trẻ em thôi chưa đủ mà cần cả hệ thống pháp luật vào cuộc như: Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật tố tụng hình sự để những vụ việc về xâm hại tình dục trẻ em thuận lợi trong quá trình tố tụng.

Thực tế, những vụ dâm ô trẻ em hiện cơ quan tố tụng gặp vướng mắc trong việc thu nhập chứng cứ. Luật Trẻ em quy định ưu tiên xử lý về tố tụng những vụ liên quan trẻ em. Theo tôi, Bộ Luật Tố tụng hình sự cần quy định những vụ liên quan đến trẻ em có quy trình riêng và đặc biệt. Hiện nay, đã có tòa án gia đình và người chưa thành niên rồi nhưng còn cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, những người tham gia quá trình tố tụng phải có những kiến thức, kỹ năng làm việc với trẻ em.

Cơ quan chức năng cũng cần kịp thời giải đáp cho gia đình nạn nhân tránh gây bức xúc. Cung cấp kết quả giám định cho gia đình khi có yêu cầu. Tuy nhiên, cũng phải ghi nhận những nỗ lực cơ quan điều tra tham gia phá án những vụ cướp trẻ em, mua bán trẻ em, giết trẻ em, xâm hại trẻ em trong thời gian qua. Khi làm việc cơ quan điều tra của Bộ Công an, những vụ án, nghi án liên quan trẻ em đều được ưu tiêu xử lý.

 

*Nếu như trước đây các gia đình thường giấu thông tin thì thời gian gần đây, một số gia đình dám lên án tố cáo tội phạm xâm hại trẻ em. Theo ông liệu có phải người dân đã được nâng cao nhận thức và dám lên án, đấu tranh cái xấu?

Trong khi có một số trường hợp vì muốn bảo toàn danh dự cho con không dám tố cáo những hành vi xâm hại trẻ em (dù chúng tôi khẳng định có những kênh tố cáo cha mẹ có thể tiếp cận để tố cáo nhưng vẫn có thể bảo toàn danh dự như Đường dây nóng 18001567) thì một một số bà mẹ dám tố cáo, dám xuất hiện trên phương tiện truyền thông để bảo vệ trẻ em. Các mẹ lên tiếng để xã hội cùng bảo vệ trẻ em, cảnh tỉnh xã hội, cảnh tỉnh các gia đình phòng ngừa tình cảnh tương tự.

Thời gian vừa qua, các phương tiện truyền thông cũng đã tích cực vào cuộc. Các cơ quan báo chí kịp thời phản ánh, cung cấp thông tin phạm tội và hướng dẫn cung cấp kiến thức để người dân phòng tránh. Tuy nhiên, khi đưa thông tin cần chú ý đạo đức báo chí, kỹ năng tác nghiệp để bảo vệ đời sống riêng tư, tránh làm tổn thương các em thêm một lần nữa. Các cơ quan báo chí cần phản ánh trung thực, khách quan nếu không sẽ có tác động không mong muốn. Đồng thời, tăng cường giáo dục pháp luật. Không chỉ đưa vụ việc khi xảy ra mà phản ánh cả những hoạt động từ phía cơ quan nhà nước, pháp luật cũng như kết quả xử lý tội phạm.

 

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan:

Sau khi trình Quốc hội thông qua Luật Trẻ em năm 2016 trong đó có những nội dung liên quan đến phòng ngừa, bảo vệ trẻ em bị xâm hại, Bộ LĐ-TB&XH đã rà soát các quy định về quy trình can thiệp trợ giúp cho trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục theo quy định tại Thông tư số 23/2010/TT-BLĐTBXH để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em. Hiện nay, Nghị định đang được trình lên Chính phủ.

 Để tăng cường sự tham gia của các cấp, các ngành và xã hội trong việc phòng,chống xâm hại trẻ em, ngay từ tháng 2/2017, Bộ đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố triển khai công tác trẻ em năm 2017, trong đó Bộ chọn chủ đề Tháng hành động vì trẻ em là “Phòng, chống xâm hại trẻ em”.  Đối với các vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em, Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Thanh tra Bộ đã kịp thời chỉ đạo các Sở LĐ-TB&XH, cơ quan LĐ-TB&XH ở địa phương thăm hỏi, tư vấn, có các biện pháp hỗ trợ trẻ em và gia đình để giảm thiểu các tổn hại về thể chất, tinh thần đối với các em; phối hợp với các cơ quan có liên quan trong quá trình xác minh, điều tra, kết luận vụ việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em.

Để nâng cao nhận thức, cung cấp kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em, Bộ đang duy trì Đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em 24/24h và kết hợp với VOV tổ chức sản xuất và phát sóng chương trình “Một giờ Đường dây nóng” vào chiều chủ nhật hàng tuần; và kết hợp với các phương tiện thông tiện thông tin đại chúng để tăng cường công tác truyền thông về bảo vệ trẻ em .

Trong thời gian vừa qua, số vụ và số trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục có chiều hướng tăng, diễn biến phức tạp và nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội. Mới đây, Chủ tịch nước đã yêu cầu Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo các cơ quan tư pháp làm rõ vụ án dâm ô trẻ em tại TP Vũng Tàu, sớm đưa ra kết luận. Đối với vụ việc này, sau khi nhận được đơn của gia đình cháu bé, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, ngay từ ngày 18/8/2016 Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) đã có văn bản gửi Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Ban Nội chính tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Công an thành phố Vũng Tàu xem xét, giải quyết; đồng thời gửi Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để có các biện pháp hỗ trợ, tư vấn cho cháu bé và gia đình. Tiếp theo đó, ngày 1/3/2017, Cục BVCSTE có công văn tiếp theo đề nghị Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu báo cáo tình hình, giải quyết vụ việc. 

Sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với các hành vi, vụ việc xâm hại tình dục trẻ em; sự vào cuộc của các bộ, ngành, chính quyền địa phương, chúng ta không làm ngơ trước các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh