THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:28

Cần sự chung tay của cộng đồng

 

Phát biểu tại buổi họp, Thứ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh: Thời gian qua, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã được đặc biệt quan tâm từ các cơ quan nhà nước, các tổ chức, gia đình và có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn có nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết. Tại một số địa phương, vấn đề nạn xâm hại tình dục trẻ em xảy ra đang rất đáng lo ngại. Trước tình trạng trên, ngay từ đầu năm, Bộ LĐ-TB&XH đã chọn chủ đề của năm 2017 và Tháng hành động vì trẻ em là “Phòng, chống xâm hại trẻ em” và đã có hướng dẫn địa phương tập trung chỉ đạo triển khai công tác này.

 

Thứ trưởng Đào Hồng Lan phát biểu tại cuộc họp.

 

Đánh giá cao vai trò của các tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội đã phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH (cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em) có nhiều hoạt động để cùng chung tay bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Thứ trưởng Đào Hồng Lan đã thông tin về một số vụ việc xâm hại trẻ em vừa xảy ra. Thứ trưởng Lan cho biết, Bộ LĐ-TB&XH đã có chỉ đạo, hướng dẫn hệ thống ngành dọc cùng tham gia xử lý vụ việc. Cụ thể, Cục Trẻ em đã gửi công văn đến cơ quan điều tra đề nghị bảo vệ tốt nhất quyền cho trẻ em. Cán bộ ngành LĐ-TB&XH đã đến nhà, trường học của các em để tư vấn, hỗ trợ, chia sẻ cùng gia đình.

Tuy nhiên để chăm sóc trẻ em cần sự chung tay cộng đồng, "Bộ mong muốn các tổ chức chia sẻ kinh nghiệm cũng như đóng góp để các cơ quan quản lý nhà nước bảo vệ, chăm sóc trẻ em ngày càng tốt hơn”, Thứ trưởng Lan mong muốn.

Chia sẻ tại buổi họp, đại diện Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng cho rằng, đối với những vụ việc xâm hại trẻ em vừa xảy ra, mọi người thường mải mê truy tìm thủ phạm, phán xét trừng trị thủ phạm mà quên mất phải lấy trẻ em - nạn nhân của vụ việc làm trung tâm. Theo đại diện Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng, cần có tổ nghiệp vụ kết nối đường dây nóng hỗ trợ trẻ em (18001567) với nạn nhân trong khoảng thời gian 4 giờ đồng hồ sau khi vụ việc phát hiện. Bởi đây là thời gian gia đình nạn nhân rơi vào khủng hoảng, rất cần chia sẻ cũng như hỗ trợ cần thiết. Nếu bỏ qua gia đoạn này, gia đình nạn nhân sẽ rơi vào hụt hẫng và mất niềm tin.

Theo đại diện tổ chức Plan, phòng ngừa là cách tốt nhất để bảo vệ trẻ em. Muốn làm được điều này cần có những thông điệp truyền thông rõ ràng và mạnh hơn nữa cho các em. Một vấn đề nữa là sau những vụ xâm hại trẻ em, nhiều gia đình lên tiếng tố cáo tội phạm nhưng nhiều cơ quan báo chí làm lộ bí mật đời tư của các em như: Chụp ảnh che mờ nhưng vẫn có thể nhận ra nạn nhân; nêu địa chỉ rõ ràng... Hay trong quá trình tố tụng, cán bộ điều tra gọi trẻ đến thẩm vấn nhiều lần, bắt trẻ tái hiện lại vụ việc khiến trẻ hoảng loạn và sang chấn tâm lý. Lẽ ra phần thẩm vấn là của cán bộ công tác xã hội, quá trình thẩm vấn ghi băng và trẻ không phải xuất hiện tại tòa để kể lại vụ việc.

Đại diện Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng, liên quan đến bảo vệ những vụ xâm hại tình dục trẻ em, luật có nhiều nhưng khi thực hiện có nhiều vấn đề. Cụ thể, khi gia đình tố cáo thì cơ quan điều tra yêu cầu phải có bằng chứng và chậm xử lý... Chỉ khi cơ quan truyền thông lên tiếng, lãnh đạo cấp trên yêu cầu xác minh làm rõ thì vụ việc mới được rốt ráo giải quyết, xử lý.

Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc CSAGA cho rằng: Bộ LĐ-TB&XH cần đẩy mạnh truyền thông về tổng đài tư vấn hỗ trợ trẻ em 18001567 để các gia đình, trẻ em coi đó như là số điện thoại cần thiết và hữu ích luôn phải nhớ. Ngoài báo chí truyền thống cần phải tận dụng sức mạnh của mạng xã hội để truyền thông, định hướng dư luận. Đặc biệt, Cục Trẻ em nên phát hành nhiều tài liệu về phòng và bạo vệ trẻ em để phổ biến kiến thức cho người dân.

Tiếp thu các ý kiến đóng góp của các tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội hoạt động về trẻ em, Thứ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định: “Xâm hại tình dục trẻ em luôn là vấn đề nóng, kể cả ở các nước phát triển. Chính vì vậy, công tác phòng ngừa phải luôn đề cao, cần tập trung cung cấp kiến thức cho cộng đồng và trẻ em. “Cục Trẻ em phải đẩy mạnh công tác truyền thông về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Ban hành những bộ tài liệu về phòng, chống xâm hại trẻ em, các kỹ năng của cơ quan nhà nước, cũng như gia đình trẻ em sau khi trẻ bị xâm hại để bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho trẻ em. Định kỳ, Cục Trẻ em cần có trao đổi với các tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội hoạt động về trẻ em về những vấn đề nóng cũng như cung cấp thông tin của cơ quan quản lý nhà nước để có tiếng nói chung và mạnh hơn về bảo vệ, chăm sóc trẻ em”, Thứ trưởng Lan chỉ đạo.

Thứ trưởng cũng mong muốn, các tổ chức quốc tế, các tổ chức xã hội luôn đồng hành với các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam để chung tay bảo vệ, chăm sóc trẻ em tốt hơn.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh