Ra mắt Dự án Thúc đẩy xây dựng khung khổ quan hệ lao động mới
- Bài thuốc hay
- 12:49 - 10/11/2018
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho rằng, là thành viên của ILO, Việt Nam đã và đang nhận được nhiều hỗ trợ kỹ thuật từ phía tổ chức này trong việc hoàn thiện thể chế và tăng cường năng lực quản lý trong lĩnh vực lao động và việc làm, đặc biệt trong lĩnh vực QHLĐ. Từ đầu những năm 2000, ILO đã tích cực hỗ trợ Chính phủ và các đối tác xã hội trong việc dần cải thiện hệ thống QHLĐ thông qua triển khai các dự án hợp tác kỹ thuật (dự án QHLĐ pha 1 giai đoạn 2002 - 2008; pha 2 giai đoạn 2009 - 2016). Các kết quả của dự án đã góp phần hỗ trợ Chính phủ và các đối tác xã hội dần định hình và phát triển QHLĐ tại Việt Nam và đã đạt một số kết quả nhất định.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp phát biểu tại lễ ra mắt dự án.
Xuất phát từ bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng và thực trạng về QHLĐ tại Việt Nam, đồng thời tiếp tục phát huy kết quả các dự án về QHLĐ đã triển khai trước đây cho thấy, việc tiếp nhận hỗ trợ của ILO và các nhà tài trợ thông qua Dự án “Thúc đẩy xây dựng Khung khổ QHLĐ mới” đảm bảo tôn trọng Tuyên bố của ILO về những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động hết sức cần thiết và có ý nghĩa to lớn trong giai đoạn hiện nay. Được sự phê duyệt về chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 588/QĐ-TTg ngày 22/5/2018, ngày 27/8/2018, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã phê duyệt các nội dung chủ yếu của Văn kiện dự án tại Quyết định số 1111/QĐ-LĐTBXH. Triển khai dự án sẽ đóng góp quan trọng trong việc giải quyết những tồn tại của hệ thống QHLĐ hiện nay, trên cơ sở đó góp phần xây dựng QHLĐ hài hòa tại doanh nghiệp theo chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 5/6/2018; đồng thời giúp Việt Nam sớm nội luật hóa các tiêu chuẩn lao động quốc tế phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.
Lễ ký kết văn kiện Dự án giữa Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp và Giám đốc Văn phòng ILO tại Hà Nội, Chang Hee Lee.
Theo ông Lại Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục QHLĐ và Tiền lương, Dự án đặt mục tiêu xây dựng nền tảng về pháp luật và thiết chế hiệu quả cho khung khổ QHLĐ mới ở Việt Nam dựa trên Tuyên bố về các Nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động của ILO, với điểm nhấn đặc biệt vào Công ước 87 (Tự do liên kết và bảo vệ quyền tổ chức) và Công ước 98 (Quyền tổ chức và thương lượng tập thể). Dự án NIRF tập trung vào 4 mục tiêu cụ thể: Đảm bảo pháp luật lao động quốc gia và các công cụ pháp lý phù hợp với Tuyên bố về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động của ILO. Quản trị QHLĐ xây dựng chính sách quốc gia về QHLĐ hiệu quả. Đẩy mạnh hiệu quả thực thi thanh tra lao động và thúc đẩy tuân thủ pháp luật lao động quốc gia. Chức năng đại diện người lao động và người sử dụng lao động được tăng cường trong khung khổ QHLĐ mới.