CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:48

Giáo sư Nguyễn Thiện Thành – Người chiến sỹ, người thầy thuốc anh hùng

 

Trong buổi lễ ra mắt giới thiệu cuốn sách “Giáo sư Nguyễn Thiện Thành – Người chiến sĩ, người thầy thuốc anh hùng” do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân và Bệnh viện Thống Nhất phối hợp tổ chức,  GS.TS.TTND Nguyễn Đức Công – Giám đốc Bênh viện cho biết: “Đảng ủy - Ban Giám đốc Bệnh viện quyết định tổ chức thực hiện cuốn sách về cuộc đời và sự nghiệp của cố Giáo sư, Tiến sĩ, Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân, Đại tá Nguyễn Thiện Thành nhân kỷ niệm 40 năm Ngày truyền thống Bệnh viện Thống Nhất, kỷ niệm 96 năm ngày sinh của ông là tâm nguyện, sự tri ân, trân trọng và lòng biết ơn của toàn thể cán bộ và nhân viên Bệnh viện đối với công lao to lớn mà Giáo sư đã dành cả cuộc đời phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, xây dựng ngành y tế và xây dựng Bệnh viện Thống Nhất”.

 

Giáo sư Nguyễn Đức Công phát biểu tại buổi lễ ra mắt cuốn sách

Cố Giáo sư Nguyễn Thiện Thành sinh ra trong một gia đình trí thức ở tỉnh Trà Vinh. Ngay từ khi còn nhỏ, Giáo sư đã được gia đình cho ăn học ở những ngôi trường có danh tiếng như Collège de Mỹ Tho, Petrus Ký Sài Gòn. Tốt nghiệp thành chung vào loại ưu, Giáo sư được Cơ quan điều hành giáo dục Đông Dương cho đi du học ở Paris với mức học bổng ưu đãi, nhưng giáo sư đã một mực từ chối, ra Hà Nội thi vào khoa Y, Trường Đại học Đông Dương, để quyết tâm theo nghề thầy thuốc. Năm 1945, cùng với tầng lớp thanh niên miền Bắc, miền Trung nô nức tham gia các đoàn quân Nam tiến vào giúp nhân dân Nam Bộ kháng chiến, Giáo sư đã tình nguyện gia nhập Quân đội và hành quân vào Nam Bộ phục vụ chiến đấu.

 

“Đời tôi còn một luận án lớn, đó là sức khỏe của thương bệnh binh, đồng bào, đồng chí ở miền Nam ruột thịt đang còn chìm trong khói lửa chiến tranh”. GS Nguyễn Thiện Thành phát biểu từ chối khi được đề nghị ở lại Nga làm luận án Tiến sĩ khoa học, năm 1960


Suốt 9 năm phục vụ cuộc kháng chiến trên nhiều cương vị công tác, Giáo sư Nguyễn Thiện Thành đã đóng góp nhiều công sức trong việc cứu chữa thương bệnh binh và huấn luyện đội ngũ y tá, cứu thương. Năm 1950, sau khi cứu chữa những người dân bị thương trong một trận càn của quân Pháp, Giáo sư bị địch phục kích bắt tại quê hương Trà Vinh, rồi bị giam cầm, tra tấn ở nhiều nhà tù của địch. Sau khi được trả tự do, Giáo sư đã ứng dụng thành công phương pháp Flatov – một phương pháp điều trị mới do nhà bác học người Anh gốc Nga là N. Philatov sáng chế, mà Giáo sư tình cờ được biết và nghiên cứu kỹ ngay trong thời gian bị địch giam cầm.

Năm 1954, Giáo sư và hàng trăm cán bộ nhân viên Quân y Nam Bộ được ra Bắc tập kết và được Quân đội cử đi nghiên cứu sinh tại Liên Xô. Năm 1960, khi bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sỹ y học, Giáo sư được giao cương vị là viện phó Viện Nghiên cứu y học quân sự.

Năm 1964, giáo sư vào chiến trường B2 trên con tàu không số, mang bí số 69.

 

GS Nguyễn Thiện Thành và vợ, Bác sỹ Dương Thị Minh chụp tại Hà Nội năm 1955

Trong hơn 10 năm phục vụ ở chiến trường B2, Giáo sư Nguyễn Thiện Thành được giao các trọng trách: Phó Chủ nhiệm Phòng Quân y Miền, Viện trưởng Viện quân y K71. Khi đất nước thống nhất, Giáo sư dẫn đầu đoàn cán bộ Viện quân y  K71 tiếp quản Bệnh viện Vì Dân, sau này là Bệnh viện Thống Nhất và là viện trưởng đầu tiên.

Suốt 10 năm lãnh đạo Bệnh viện Thống Nhất, Giáo sư đã đóng góp nhiều công sức để xây dựng bệnh viện ngày càng trưởng thành, trở thành một trong những trung tâm nghiên cứu khoa học y học lớn nhất ở phía Nam. Giáo sư không chỉ là viện trưởng, mà còn là người đề xuất, sáng lập ra bộ môn Lão khoa học và trực tiếp giảng dạy nhiều năm ở Trường đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1988, giáo sư được nghỉ hưu, nhưng vẫn tham gia Hội đồng Bảo vệ sức khỏe phía Nam.

 

GS. Nguyễn Thiện Thành đi nghiên cứu tại Nhật Bản năm 1974


Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thiện Nhân- con trai cố Giáo sư Nguyễn Thiện Thành xúc động ngắm nhìn những kỷ vật của cha còn lưu giữ tại phòng truyền thống Trường THPT chuyên Nguyễn Thiện Thành (Trà Vinh)

Trong suốt cuộc đời, Giáo sư Nguyễn Thiện Thành đã lựa chọn con đường đi cho mình, là lấy sự nghiệp khoa học để phục vụ sự nghiệp cách mạng; đã kết hợp hài hòa hai con đường sự nghiệp cách mạng và sự nghiệp khoa học. Trong mọi hoàn cảnh, ông luôn phấn đấu để vươn lên tầm cao của khoa học. Từ khi còn tuổi ấu thơ cho đến lúc được nghỉ hưu, ông luôn tận dụng mọi thời gian để tự học và nghiên cứu khoa học, dù trong lao tù khổ ải hay ở vùng chiến khu trong hai cuộc chiến tranh. Ông đã nắm bắt với sự nhạy cảm đặc biệt đối với những vấn đề lớn đang và sẽ đặt ra cho nền y học nước nhà, như nghiên cứu ứng dụng phương pháp Filatov trong điều trị bệnh sốt rét, nghiên cứu về lĩnh vực tích tuổi học. Ông tự đặt cho mình nhiệm vụ, dù trong hoàn cảnh nào, khó khăn, gian khổ như thế nào cũng phải vươn lên, để chiếm lĩnh đỉnh cao của khoa học, nhằm phục vụ bộ đội, phục vụ nhân dân.

Trong cuộc sống, ông luôn quan niệm kiến thức kinh điển và kinh nghiệm điều trị trên lâm sàng đều có giá trị như nhau. Là một nhà khoa học chân chính, ông rất coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho các thế hệ thầy thuốc lớp sau. Do vậy, dù trong hoàn cảnh gian khổ của chiến ông đều tìm mọi cách mở lớp đào tạo y tá, cứu thương, bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ y tế. Sau này, trong điều kiện hòa bình, việc giảng dạy, đào tạo là một phần quan trọng trong sự nghiệp của ông.

 

Ông Nguyễn Thiện Nhân- Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban TƯ mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tặng hoa cho các nhân vật giao lưu và nhóm tác giả

Giáo sư Nguyễn Thiện Thành đã được Đảng, Nhà nước, Quân đội tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, với 16 huân, huy chương và danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc. Năm 1980, ông được Nhà nước phong tặng học hàm Giáo sư, ngay trong đợt phong học hàm đầu tiên của Nhà nước. Năm 1985, Giáo sư được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Năm 1989, Giáo sư Nguyễn Thiện Thành tiếp tục được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân.

 

Bác sỹ Dương Thị Lệ, nguyên Trưởng khoa vi sinh, Bệnh viện Thống Nhất rưng rưng kể lại kỷ niệm không bao giờ quên với người thầy lớn của mình - GS Nguyễn Thiện Thành

Đại tá Kiều Bách Tuấn - Giám đốc Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân: “Từ nay trong hệ thống thư viện quân đội có một cuốn sách về người chiến sĩ, thầy thuốc anh hùng”

Trong lời giới thiệu cuốn sách, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã viết: “Vì những công lao to lớn của Giáo sư, Tiến sĩ, Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân, Đại tá Nguyễn Thiện Thành, nên việc xuất bản cuốn sách để các thế hệ sau được tìm hiểu và ghi nhớ công ơn của Giáo sư Nguyễn Thiện Thành là việc làm có ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục và kế thừa truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, “Uống nước nhớ nguồn” đối với một bậc thầy trong lĩnh vực y tế nước nhà”.

Đinh Hoa

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh