CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:12

Trốn đóng bảo hiểm xã hội cần bị xử lý hình sự!

Quỵt tiền đóng bảo hiểm xã hội cần bị xử lý hình sự !
Nộp hồ sơ làm thủ tục bảo hiểm xã hội - Ảnh: Diệp Đức Minh
Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) VN Đỗ Văn Sinh cho biết tình trạng nợ BHXH đang diễn ra phổ biến và có chiều hướng gia tăng mỗi năm. Nếu như năm 2007 nợ 1.734 tỉ đồng, thì năm 2014 con số này đã tăng lên gấp hơn 4 lần.
Bỏ rơi người lao động
Đáng chú ý, trong số các đơn vị nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), có đến trên 8.000 đơn vị (với số lao động lên đến hơn 30.000 người) đã ngừng hoạt động. Trong năm 2014 có 50 cơ quan BHXH địa phương tiến hành khởi kiện 5.832 doanh nghiệp (DN), đơn vị với số tiền nợ BHXH, BHYT là 2.445 tỉ đồng, thu hồi được 621 tỉ đồng.
Một số BHXH tỉnh, thành phố có tỷ lệ nợ cao gồm: Lai Châu (12,6%), Hà Nội (6,7%), Hòa Bình (6,4%), Bình Định (6,2%), Phú Yên (5,1%).

 "Quốc hội cần nghiên cứu bổ sung vào bộ luật Hình sự tội trốn đóng BHXH; tội chiếm dụng tiền BHXH của NLĐ trong trường hợp trích tiền đóng BHXH của NLĐ nhưng không nộp cho cơ quan BHXH trong thời gian dài, đã bị xử phạt hành chính nhưng tiếp tục vi phạm"

 Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội VN  Đỗ Văn Sinh

“Đây là tồn tại gây khó khăn rất lớn cho cơ quan BHXH nhiều năm nay, chủ sử dụng lao động gần như đã bỏ rơi người lao động (NLĐ) với số tiền nợ BHXH, không thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm đối với NLĐ, không hợp tác với cơ quan BHXH để giải quyết chế độ đối với NLĐ”, ông Đỗ Văn Sinh nói.
Còn theo Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), hiện cả nước có trên 300.000 DN hoạt động, nhưng cơ quan BHXH chỉ quản lý được khoảng 150.000 đơn vị đăng ký tham gia BHXH, nghĩa là có đến 50% số DN trốn đóng BHXH.
“Tình hình nợ đóng, trốn đóng BHXH, BHYT vẫn phổ biến, bao gồm nhiều loại hình DN, từ các DN nhà nước tập trung ở các ngành giao thông, xây dựng, các tập đoàn đang cơ cấu lại đến các đơn vị ngoài quốc doanh, DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Nợ BHXH, BHYT cũng rất đa dạng và phức tạp, đóng BHXH, BHYT chưa đầy đủ, kịp thời, nợ kéo dài, chây ì và nợ trong thời gian dài với số tiền lớn làm ảnh hưởng tới các chế độ của NLĐ”, ông Hoàng Văn Dũng, Phó chủ tịch thường trực VCCI, thừa nhận.
Phải xử lý hình sự
Một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ tăng nhanh được BHXH VN chỉ ra là do tình hình kinh tế còn khó khăn, sản xuất kinh doanh đình đốn, sức mua thị trường giảm, nhiều DN phá sản, giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động không có khả năng đóng BHXH.
Tuy nhiên, còn một lý do quan trọng hơn theo các chuyên gia đó là do quy định mức lãi suất chậm đóng BHXH thấp hơn mức lãi suất của ngân hàng, vô tình khuyến khích DN cố tình để nợ tiền BHXH nhằm chiếm dụng.
Trong khi đó, cơ quan BHXH chỉ có nhiệm vụ kiểm tra, phát hiện những vi phạm về BHXH, nhưng lại không được quyền thanh tra, xử phạt nên hiệu quả công tác kiểm tra của cơ quan BHXH không cao.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Minh Huân cho biết, luật BHXH mới (có hiệu lực từ 1.1.2016) đã quy định cơ quan BHXH được trao quyền thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành việc đóng BHXH, sẽ góp phần buộc các DN nâng cao tính tuân thủ trong thực hiện chính sách pháp luật về BHXH.
Ngoài ra, trong luật quy định cụ thể hơn về chế độ cung cấp thông tin thông qua việc trao quyền của NLĐ được cấp và quản lý sổ BHXH của mình, được yêu cầu người sử dụng lao động và cơ quan BHXH cung cấp thông tin về việc đóng, hưởng; định kỳ 6 tháng được người sử dụng lao động cung cấp thông tin về BHXH; định kỳ hằng năm được cơ quan BHXH xác nhận về việc đóng bảo hiểm.
“Các quy định này nhằm công khai và minh bạch hóa chế độ thông tin BHXH tới NLĐ và các cơ quan có liên quan sẽ giúp cho cơ chế tự giám sát và qua đó tăng cường công tác quản lý, tổ chức thực hiện tốt chính sách BHXH”, ông Huân cho biết thêm.
Đối với những trường hợp cố tình chây ì, nợ đọng lớn, ông Đỗ Văn Sinh đề nghị: “Quốc hội cần nghiên cứu bổ sung vào bộ luật Hình sự tội trốn đóng BHXH; tội chiếm dụng tiền BHXH của NLĐ trong trường hợp trích tiền đóng BHXH của NLĐ nhưng không nộp cho cơ quan BHXH trong thời gian dài, đã bị xử phạt hành chính nhưng tiếp tục vi phạm.
Với các DN giải thể, phá sản, ngừng hoạt động nợ tồn đọng kéo dài, đề nghị các bộ, ngành liên quan có đề xuất trình Chính phủ phương án xử lý tiền nợ để kịp thời giải quyết chế độ, chính sách đảm bảo quyền lợi cho NLĐ”.
Trả lời Thanh Niên, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định: “Sẽ bổ sung những quy định nhằm ngăn chặn sai phạm trong BHXH. Đặc biệt, hành vi trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng BHXH gây hậu quả nghiêm trọng đang được xem xét, đề nghị đưa vào dự thảo bộ luật Hình sự”.
Ông Lợi cho biết, hành vi vi phạm pháp luật về BHXH sẽ bị xử lý theo nhiều cấp độ khác nhau tùy theo tính chất, mức độ vi phạm. “Hiện nay, các cơ quan đang kiến nghị xem xét hình sự hóa việc trốn đóng, chiếm dụng Quỹ BHXH gây hậu quả nghiêm trọng.
Tuy nhiên, vấn đề không phải là hình sự hóa hay không mà là phải đảm bảo tính công bằng, khách quan trong quá trình xử lý các hành vi vi phạm và các cơ quan thực thi pháp luật phải nghiêm minh, kiên quyết xử lý, theo đuổi các vấn đề sau khi thanh tra, kiểm tra, giám sát để buộc DN phải điều chỉnh hành vi và tuân thủ pháp luật”, ông Lợi nói.
Khởi kiện vẫn “treo” nợ
Theo ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN: Với trách nhiệm của tổ chức công đoàn bảo vệ quyền lợi cho NLĐ, trong năm 2014, một số liên đoàn lao động (LĐLĐ) đã khởi kiện hoặc hướng dẫn NLĐ lập hồ sơ khởi kiện DN nợ BHXH, BHYT ra tòa như LĐLĐ H.Long Thành (Đồng Nai), LĐLĐ Q.Bình Tân (TP.HCM)...
Tuy nhiên, do không nắm được số DN, số người tham gia BHXH, số tiền DN nợ BHXH và cả số lãi chậm đóng... nên số lượng LĐLĐ khởi kiện DN chưa nhiều, chủ yếu là LĐLĐ phối hợp hoặc đề nghị BHXH.
Ngoài ra, việc khởi kiện vẫn còn gặp khó khăn về thủ tục và thời gian nộp hồ sơ, nhưng điều đáng lo ngại hơn là nhiều DN sau khi tòa đã xử cũng không có tài sản để thi hành án khiến khoản nợ BHXH cứ “treo” và quyền lợi của NLĐ vẫn không được giải quyết.
b
Công bố danh sách “con nợ”
Theo thống kê của BHXH TP.HCM, tính đến cuối năm 2014, các DN trên địa bàn TP còn nợ tiền BHXH hơn 1.146 tỉ đồng. Trong năm, BHXH TP đã khởi kiện 1.717 DN nợ BHXH, thu hồi được 129,9 tỉ đồng. Ông Cao Văn Sang - Giám đốc BHXH TP.HCM, cho rằng việc khởi kiện vẫn là một trong số các giải pháp thu nợ có hiệu quả, tuy nhiên thời gian từ khi tiến hành khởi kiện đến khi thu hồi được nợ là rất dài.
Mới đây BHXH TP.HCM cũng đã công bố danh sách 35 DN nợ đọng BHXH kéo dài (có DN nợ 39 tháng tiền BHXH của NLĐ) với tổng số tiền hơn 75 tỉ đồng, trong đó Công ty CP Vietstar (H.Củ Chi) nợ hơn 6,5 tỉ đồng, Công ty TNHH Marketeers VN (Q.3) nợ hơn 5,6 tỉ đồng, Công ty CP Chương Dương (Q.1) nợ hơn 3,1 tỉ đồng, Công ty TNHH Nam Phương (H.Củ Chi) nợ hơn 5,6 tỉ đồng, Công ty CP đầu tư PACIFIC (Q.1) nợ hơn 2,6 tỉ đồng, Công ty CP xây lắp đường ống bể chứa dầu khí (Q.7) nợ hơn 3,3 tỉ đồng, Công ty TNHH Việt Thắng Jean nợ gần 2 tỉ đồng, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng nợ gần 5 tỉ đồng...
Ngoài ra, trên địa bàn TP.HCM có những “đại gia” cũng nợ tiền BHXH, trong đó 5 DN thuộc Công ty CP Tập đoàn Mai Linh nợ hơn 33 tỉ đồng; Trung tâm điện thoại di động CDMA (còn gọi là SFONE) thuộc Công ty CP dịch vụ bưu chính viễn thông Sài Gòn (SPT) nợ hơn 12 tỉ đồng...
Đình Phú - T.Tùng

Theo thanhnien.com.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh