Sẽ có chính sách hưu trí xã hội cho người không lương hưu
- Tra cứu phẫu thuật
- 16:44 - 17/03/2015
Tỷ lệ người tham gia BHXH còn thấp
Tại hội thảo “Hướng tới đảm bảo an sinh xã hội cho người dân thông qua việc triển khai thi hành Luật BHXH”, Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho biết: Hiện cả nước mới có hơn 11 triệu người trên tổng số trên 50 triệu người lao động tham gia BHXH.
Tỷ lệ người tham gia BHXH còn quá thấp, mới chiếm hơn 20%. Điều này có nghĩa trong tương lai, đất nước sẽ phải đối mặt với hàng triệu lao động bước vào tuổi nghỉ hưu không có thu nhập từ lương hưu, gánh nặng này sẽ thuộc về Nhà nước, đó là phải trợ cấp xã hội cho hàng triệu người để lo cuộc sống cho họ.
Đảm bảo an sinh xã hội cho người dân thông qua việc bổ sung, điều chỉnh chính sách để mở rộng nhanh diện bao phủ BHXH đồng thời Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ lao động trong khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện để hướng tới năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH là mục tiêu cần hướng tới.
Để đạt được số người tham gia BHXH là 29 triệu người vào năm 2015 là điều không dễ. Một đất nước muốn phát triển bền vững phải lo cho công tác an sinh để khi người dân gặp rủi ro, thiên tai, không còn sức lao động thì Nhà nước có chính sách hỗ trợ kịp thời.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Văn Sinh Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cũng cho rằng: “Phải mở rộng đối tượng tham gia BHXH dưới mọi hình thức. Muốn thu hút người dân tham gia BHXH thì chất lượng dịch vụ phải tốt hơn. Ý thức được điều này, thời gian qua, BHXH đã quyết liệt cải cách thủ tục hành chính (TTHC), rà soát các thủ tục không hợp lý tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tham gia BHXH. Phải tiến quân vào công nghệ thông tin, quyết liệt đơn giản hóa TTHC thu hút cá nhân, tổ chức tham gia BHXH”.
Bớt thủ tục, tăng chất lượng dịch vụ
Phải tăng số người tham gia BHXH mới có nguồn để lo cho an sinh, tuy nhiên có tăng diện bao phủ của BHXH trong thời gian sắp tới hay không tùy thuộc rất lớn vào nỗ lực của ngành bảo hiểm. Tuy nhiên, trên thực tế, kết quả của việc đơn giản hóa TTHC không “hồng” như vị đại diện BHXH Việt Nam nói, bởi TTHC mới chỉ giảm ở mặt lý thuyết, trên thực tế vẫn còn gây khó khăn cho người tham gia.
Vẫn còn rất nhiều khó khăn trong việc đảm bảo tính công khai minh bạch trong cung cấp thông tin về các vấn đề có liên quan đến quản lý đối tượng, giải quyết chế độ thụ hưởng đối với người lao động; việc đơn giản về thủ tục hồ sơ và rút ngắn thời gian tạo thuận lợi cho người lao động vẫn còn không ít hạn chế bất cập, vì năng lực của cán bộ, sự gắn kết của hệ thống bộ máy BHXH từ TƯ đến địa phương.
Đây là những bất cập mà ngành BHXH phải tháo gỡ trong thời gian tới. Đặc biệt, phải tạo ra niềm tin cho người dân rằng, mình sẽ nhận được sự hỗ trợ từ phía Nhà nước để họ có cuộc sống đảm bảo sau khi không còn khả năng lao động mới khuyến khích người dân tham gia BHXH từ hôm nay.
Bên cạnh số lao động không được đóng BHXH chiếm số đông và tăng cao thì số lao động đang làm việc tại các công ty, doanh nghiệp bị nợ BHXH, bị “bùng” đóng BHXH có chiều hướng gia tăng. Bà Mai cũng cho rằng, sẽ có chính sách hưu trí xã hội cho người không có lương hưu: “Phải tăng lương hưu cho người hưởng lương tối thiểu bằng mức lương cơ sở và tiến tới đạt mức hơn 3 triệu đồng/tháng.
Đặc biệt sắp tới phải có chính sách cho người không có thu nhập từ lương hưu, đó là chính sách hưu trí xã hội dành cho người đến tuổi hưu mà không có thu nhập. Đây là vấn đề đạo lý, dù vậy, do chưa cân đối được nguồn chi, nên mới hỗ trợ 180.000 - 270.000 đồng/người/tháng cho các cụ trên 80 tuổi”.