Nhà báo cần có những kỹ năng khi phỏng vấn trẻ em
- Y học 360
- 17:56 - 04/06/2019
Phát biểu khai mạc tập huấn, Tổng Biên tập Tạp chí Gia đình và Trẻ em Phùng Quốc Việt cho biết: Tạp chí Gia đình và Trẻ em tổ chức lớp tập huấn “Những vấn đề nóng bỏng trong truyền thông trẻ em hiện nay” nhằm bồi dưỡng thêm các kiến thức, kỹ năng... giúp các cán bộ, phóng viên đang công tác tại các cơ quan báo chí, truyền thông làm tốt hơn nữa công tác truyên truyền về trẻ em, phê phán mạnh mẽ những thói hư tật xấu làm hại đến trẻ em. Đồng thời, biểu dương những tấm gương tiêu biểu, điển hình trong công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em và định hướng dư luận, cũng như kêu gọi toàn xã hội hãy chung tay cùng bảo vệ chăm sóc trẻ em – những mầm non tương lai của đất nước.
TS. Hồ Bất Khuất trình bày những vấn đề về truyền thông phòng, chống bóc lột, xâm hại tình dục trẻ em.
Theo TS. Hồ Bất Khuất, trong những năm vừa qua, báo chí, truyền thông của Việt Nam đã vào cuộc tích cực, chủ động trong việc tuyên truyền phòng chống bóc lột, xâm hại tình dục trẻ em, nhưng kết quả chưa được như mong muốn. Để nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông trong lĩnh vực này, các cơ quan thông tấn cần tập trung vào một số giải pháp quan trọng như: Xây dựng một số cơ quan báo chí có chức năng chuyên biệt về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; những nhà báo làm việc trong cơ quan báo chí trẻ em phải có những phẩm chất yêu nghề, yêu trẻ, chịu khó lăn lộn trong cuộc sống và sẵn sàng chịu thiệt thòi; cần nâng cao năng lực, chuyên môn cho các phóng viên, biên tập viên viết về trẻ em.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh, Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) lưu ý, khi viết về các vấn đề phòng chống bạo lực trẻ em, các phóng viên, biên tập viên trước hết cần hiểu về các thuật ngữ trong viết về trẻ em. Đặc biệt, TS Nguyễn Ngọc Oanh đưa ra những nguyên tắc cho nhà báo trong phỏng vấn trẻ em. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, phải luôn đặt quyền trẻ em lên làm hàng đầu.
Đồng thời cần truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về những khái niệm rất cơ bản như: Môi trường thân thiện, kỉ luật tích cực...
Muốn làm tốt phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em thì phòng ngừa phải được đặt lên hàng đầu. Những người chăm sóc trẻ, bố mẹ phải có những kiến thức bảo vệ trẻ em. Đồng thời, nhận thức của cộng đồng, xã hội cũng cần được nâng lên.
Tại Hội thảo, các phóng viên, biên tập viên cùng trao đổi về những giải pháp nâng cao nhận thức về quyền trẻ em; bàn về cách tuyên truyền về quyền trẻ em, phòng chống bạo lực trẻ em nói chung, và bạo lực tình dục trẻ em nói riêng một cách hiệu quả.