THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:18

Quốc hội sẽ giám sát về phòng chống xâm hại trẻ em

Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020.

 

Sáng nay 3/6, Quốc hội nghe Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020.

Theo tờ trình, việc lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề được dựa trên các tiêu chí cơ bản như: Là vấn đề bức xúc, nổi lên ở tầm vĩ mô hoặc ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm, gắn với việc xây dựng, thi hành pháp luật; Không trùng với các chuyên đề giám sát đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát trong thời gian 18 tháng tính đến thời điểm đề xuất…

Về số lượng chuyên đề giám sát, theo Tổng Thư Ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, năm 2020 là năm các địa phương sẽ tiến hành tổ chức Đại hội đại biểu Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; đồng thời, năm 2020 cũng là năm cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, tại kỳ họp cuối năm của năm cuối nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát lại việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề trong cả nhiệm kỳ.

Vì vậy, sau khi cân nhắc nhiều mặt, để tập trung cho các nội dung nêu trên và bảo đảm chất lượng, tính khả thi của chương trình giám sát năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội giám sát 01 chuyên đề tại kỳ họp thứ 9.

Đề xuất nội dung chuyên đề giám sát và dự kiến cơ quan chủ trì, Tổng Thư Ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chỉ rõ, tính đến ngày 23/3/2019, Tổng Thư ký Quốc hội đã nhận được văn bản trả lời của 77 cơ quan với 183 nội dung kiến nghị, đề xuất. Trên cơ sở dự kiến số lượng, tiêu chí lựa chọn và nghiên cứu kiến nghị, đề xuất của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 1 trong 2 chuyên đề nội dung cụ thể sau đây :

Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em (dự kiến giao Ủy ban Tư pháp chủ trì về nội dung).

Chuyên đề 2: Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt nam là thành viên (dự kiến giao Ủy ban Đối ngoại chủ trì về nội dung).

Tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu đồng tình với việc chọn chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em

 

Căn cứ điều kiện và tình hình thực tế, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội chủ động lựa chọn nội dung để xây dựng chương trình, phối hợp và tiến hành hoạt động giám sát, báo cáo kết quả theo quy định của pháp luật.

Tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu đồng tình với việc chọn chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Theo đại biểu Lê Xuân Thân (đoàn Khánh Hoà), điều quan trọng nhất cử tri, nhân dân quan tâm đó là trách nhiệm của các cơ quan ban ngành, từ trung ương tới cấp xã.

Ông Thân cũng nêu vấn đề và đề nghị Quốc hội mở rộng phạm vi giám sát, có những biện pháp để thực hiện tốt hơn việc kiểm tra, kiểm soát, giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo Luật Trẻ em 2016.

Cuối phiên thảo luận, Quốc hội tiến hành lấy ý kiến của các đại biểu về lựa chọn chuyên đề giám sát tại kỳ họp thứ 9 - năm 2020. Kết quả, có 386 đại biểu (chiếm 79,13% tổng số đại biểu) đồng tình chọn giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Quốc hội giao UBTVQH tổ chức thực hiện Nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020, nâng cao tính chuyên nghiệp trong tổ chức thực hiện và tăng cường các điều kiện bảo đảm để hoạt động giám sát được tiến hành một cách thuận lợi, đạt chất lượng, hiệu quả cao.

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh