CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:12

Quyết liệt thực hiện quyền trẻ em

 

87% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp

Theo thống kê, cả nước hiện có 26 triệu trẻ em, trong đó 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực trẻ em. Thời gian qua, Bộ đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác trẻ em. Trong đó tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm trong từng lĩnh vực. Thực hiện phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ về thực hiện quyền trẻ em thông qua các kế hoạch, chương trình; trao đổi ý kiến, cung cấp thông tin, làm việc trực tiếp về các vấn đề liên quan; tổ chức kiểm tra liên ngành, chuyên ngành và hỗ trợ kỹ thuật cho địa phương... công tác quản lý nhà nước tiếp tục được tăng cường, nhiệm vụ xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được chú trọng hoàn thành đúng hạn, có chất lượng.

 

Trẻ em được uống Vitamin miễn phí.

 

Hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em được bổ sung, sửa đổi để từng bước đáp ứng các yêu cầu trong tình hình mới. 87% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp. Tổng hợp số liệu từ các địa phương cho thấy, mỗi năm, tại Việt Nam có khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại. 5 tháng đầu năm 2018, toàn quốc phát hiện 682 vụ xâm hại 735 em. Trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân trong gia đình (bố đẻ, bố dượng, anh, em họ...) là 21,3%; bởi thầy giáo; nhân viên nhà trường là 6,2%; bởi người quen, hàng xóm là 59,9%; người lạ là 12,6%. Tuy nhiên, việc xử lý một số vụ việc liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em chưa kịp thời, chưa thỏa đáng, còn kéo dài dẫn đến bức xúc trong xã hội.

Các vụ việc xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em, bạo lực trẻ em có xu hướng ngày càng phức tạp. Các vụ  việc vi phạm quyền trẻ em, đặc biệt là bạo lực, xâm hại trẻ em thu hút sự quan tâm và gây bức xúc trong dư luận xã hội. Ý thức của người dân đang dần được nâng cao trong việc thông báo tố giác hành vi xâm hại trẻ em.

Trọng tâm thúc đẩy quyền của trẻ em

Thực hiện khoản 1, Điều 94 Luật Trẻ em 2016, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng và tham mưu thành lập Ủy ban quốc gia về trẻ em. Ngày 6/12/2017, Ủy ban quốc gia về trẻ em đã có phiên họp lần 1 thảo luận kế hoạch hoạt động năm 2018, trong đó xác định những vấn đề ưu tiên và nội dung trọng tâm trong công tác thúc đẩy thực hiện quyền của trẻ em.

 

Trẻ em được quyền tham gia và nói lên suy nghĩ của mình về những vấn đề liên quan trực tiếp đến trẻ em.

 

Đến nay, 33/63 UBND các tỉnh, thành phố đã ban hành công văn chỉ đạo các sở, ban, ngành của địa phương thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg và triển khai Công văn số 995/LĐTBXH-TE ngày 17/3/2017 của Bộ LĐ-TB&XH về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Bộ GD&ĐT có Công văn hướng dẫn triển khai và thực hiện Chỉ thị 18/CT-TTg.

Năm 2017, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các bộ, ban, ngành tổ chức Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ 5 với chủ đề “Trẻ em với vấn đề phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em” với sự tham gia của 200 trẻ em đại diện cho trẻ em của 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Làng trẻ em SOS và Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An. Tại Diễn đàn các em được chia 4 nhóm thảo luận: Trẻ em với vấn đề phòng, chống bạo lực trẻ em; Trẻ em với vấn đề phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em và tảo hôn; Trẻ em với vấn đề phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; Trẻ em với vấn đề phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Các em được trao đổi, giao lưu, đối thoại với lãnh đạo các bộ, ngành, tổ chức và kết thúc Diễn đàn, trẻ em đã trao 23 thông điệp, kiến nghị và 40 câu hỏi đến lãnh đạo và các cơ quan có liên quan.

Bộ LĐ-TB&XH cũng đã tổ chức hội thảo về định hướng truyền thông cho phóng viên, báo chí về triển khai Luật Trẻ em và những vấn đề về trẻ em, về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

5 tháng đầu năm 2018, Tổng đài  quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận tư vấn 11.338 ca (tăng 1.033 ca so với cùng kỳ năm 2017); hỗ trợ can thiệp 321 ca (tăng 75 ca so với cùng kỳ năm 2017). Trong đó, 143 ca bạo lực trẻ em (tăng 45 ca so với 5 tháng đầu năm 2017), 87 ca xâm hại tình dục trẻ em và 91 ca các vấn đề khác (trẻ em bị mua bán, trẻ em cần làm giấy khai sinh, tranh chấp quyền nuôi con, hỗ trợ cho trẻ em khuyết tật...). Văn phòng trị liệu tâm lý trẻ em đã trị liệu tâm lý miễn phí cho 2 trẻ em bị xâm hại tình dục, 3 trẻ em bị bạo lực.

Hỗ trợ 49 địa phương chưa tự đảm bảo thu chi ngân sách thực hiện dự án “Phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016 - 2020.

Đuối nước vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em. Mỗi năm hàng loạt vụ đuối nước thương tâm đã xảy ra khiến nhiều trẻ em bị tử vong, đa số các vụ đuối nước tập trung vào dịp chuẩn bị nghỉ hè và trong hè. Tử vong do đuối nước ở trẻ em có xu hướng giảm nhưng chậm và vẫn ở mức cao. Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp xây dựng Kế hoạch phối hợp liên ngành phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2017 - 2020 được 9 bộ, ngành: LĐ-TB&XH, Y tế, GD&ĐT, Công an, GTVT, VH-TT&DL, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ký kết.

Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt khoảng 98,6%. Tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi là 14,35%o; tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi là 21,55%o. Tuy nhiên, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ em Việt Nam còn ở mức cao chiếm 24,2%. Hiện tỷ lệ huy động trẻ đến nhà trẻ đạt 27,7%; trẻ đi mẫu giáo đạt 90,9%, trong đó trẻ 5 tuổi đi mẫu giáo đạt 99,7%; duy trì 100% trường đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, THCS. Tuy nhiên, tình trạng thiếu trường, lớp mầm non ở các tỉnh, thành phố có khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, khu đông dân cư vẫn chưa được khắc phục.

Tại các đô thị và thành phố lớn có rất nhiều thiết chế phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí cho trẻ em, phần nào đáp ứng được nhu cầu vui chơi, giải trí cho trẻ em.

Tăng cường nguồn lực cho công tác trẻ em

Việc tham gia của trẻ em vào các vấn đề liên quan đến trẻ em đã được quy định tại Hiến pháp và Luật Trẻ em, cùng đó nhiều mô hình, hoạt động để trẻ tham gia được triển khai. Tuy nhiên, tiếng nói của trẻ em vào quá trình xây dựng các văn bản liên quan đến trẻ em ở một số bộ, ngành, địa phương còn hạn chế.

 

Mọi trẻ em có quyền được sống và có cơ hội phát triển bình đẳng.

 

Theo thống kê năm 2017, tổng kinh phí phân bổ cho công tác trẻ em thông qua ngành LĐ-TB&XH của 62 tỉnh, thành phố gần 147 tỷ đồng (tỉnh Bình Phước không bố trí kinh phí cho công tác trẻ em). Nhằm tăng cường nguồn lực cho công tác trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH luôn tích cực vận động, tranh thủ nguồn lực, mở rộng hợp tác cả song phương và đa phương, cả về tài chính và kỹ thuật trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, công tác trẻ em vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội về công tác trẻ em chưa thực sự đầy đủ. Công tác chỉ đạo thực hiện ở một số địa phương còn chậm hoặc thực hiện chưa đầy đủ, chưa tương xứng với tiềm lực của địa phương; việc thực hiện chế độ báo cáo về tình hình thực hiện công tác trẻ em ở địa phương còn chậm, chưa phản ánh đầy đủ tình hình trẻ em tại địa phương làm ảnh hưởng đến việc nắm thông tin để kịp thời tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách cũng như những giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh trong thực hiện quyền trẻ em.

Điều 90 của Luật Trẻ em 2016 giao UBND các cấp “Chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyền trẻ em; bố trí và vận động nguồn lực đản bảo thực hiện quyền trẻ em...”, “UBND cấp xã giao nhiệm vụ cụ thể về thực hiện quyền trẻ em, bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em...”, nhưng nhiều tỉnh, thành phố chưa quan tâm, bố trí ngân sách cho bảo vệ trẻ em. Một số xã, phường, thị trấn chưa thật sự quan tâm bố trí cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em. Năng lực cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ở cơ sở còn hạn chế.

Để thực hiện tốt hơn công tác trẻ em trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị cần rà soát hệ thống pháp luật để hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến trẻ em. Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho trẻ em. Đẩy mạnh truyền thông, giáo dục, nâng cao năng lực thực thi pháp luật về thực hiện quyền trẻ em, trong đó tập trung vào việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra về trách nhiệm thực thi các quy định của pháp luật về công tác trẻ em ở các bộ, ngành, địa phương. Đề nghị Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức xã hội tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật, chính sách liên quan đến trẻ em, trong đó tập trung vào việc bố trí nhân lực, nguồn lực và giải quyết các vụ việc liên quan đến thực hiện quyền trẻ em.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh