THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:58

Quỹ Quốc gia GQVL: Là “đòn bẩy” cho người lao động Ninh Bình

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh Covid-19 nhưng các cấp, ngành ở Ninh Bình vẫn nỗ lực tập trung các biện pháp tháo gỡ khó khăn. Thông qua nguồn vốn Quỹ Quốc gia về việc làm cho vay hộ gia đình vay, cùng với lồng ghép được các chương trình tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn tới người dân cách thức làm ăn. Các hộ gia đình được nâng cao nhận thức, từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm, biết phát huy nội lực, tự vươn lên trong sản xuất kinh doanh để tạo thu nhập nhằm xóa đói giảm nghèo.

Bên cạnh đó, hiệu quả cho vay vốn từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm cũng đã khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh tạo mở việc làm, thu hút thêm lao động vào làm việc, phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt những cây con có giá trị kinh tế cao, phát triển ngành nghề mới, góp phần từng bước chuyển dịch cơ cấu sản xuất, dẫn đến chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn theo hướng tích cực.

Trang trại dứa ở Tam Điệp (Ninh Bình)

Trang trại dứa ở Tam Điệp (Ninh Bình)

Vốn vay góp phần phát triển sản xuất, tạo nhiều chỗ làm việc, tăng thu nhập cho người lao động. Có hàng nghìn hộ dân đã có điều kiện xây dựng các mô hình kinh tế. Nhiều hộ từ xuất phát điểm hộ nghèo, sản xuất nhỏ lẻ đã phát triển, mở rộng quy mô, xây dựng các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Có thể thấy, đồng vốn đã được Nhân dân sử dụng đúng mục đích có hiệu quả, nhờ đó tỷ lệ thu hồi vốn đến hạn trả đạt cao, tỷ lệ rủi ro thấp, vốn trả đúng hạn đạt tỷ lệ cao. 

Tiếp tục triển khai có hiệu quả dự án vay vốn tạo việc làm, với mục tiêu mở rộng đối tượng thụ hưởng, nguồn kinh phí Quỹ Quốc gia về việc làm đã góp phần giải quyết việc làm cho nhân dân, nhất là vùng nông thôn, tạo cơ hội cho nhóm lao động yếu thế (người nghèo, người tàn tật, người bị thu hồi đất…) có cơ hội vay vốn sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho bản thân và người lao động khác; thực hiện hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn phát triển sản xuất tạo việc làm cho người lao động; góp phần khôi phục các làng nghề truyền thống.

Nguồn quỹ cho vay đạt hiệu quả cao, không có vốn tồn đọng, vốn vay được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, qua đó đã góp phần giải quyết việc làm từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm trung bình mỗi năm cho trên 2.000 người. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, năm 2021, Ninh Bình đã cho gần 1.900 lao động vay từ nguồn quỹ này với trên 2.000 triệu đồng.

Gia đình ông Bùi Đức Thịnh (ở thôn Hoàng Quyển, xã Gia Hòa, Gia Viễn, Ninh Bình) là một trong những hộ dân được tiếp cận với nguồn vốn vay tạo việc làm. Thông qua chính sách dồn điền đổi thửa cũng như chủ trương khuyến khích chuyển đổi những vùng ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản của địa phương, đến nay gia đình ông sở hữu gần 2 ha ao nuôi cá và gần 1ha đất trồng cây ăn quả, mỗi năm cho thu nhập hơn 500 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động.

 Đưa chúng tôi đi xem 2 ao cá đang tu sửa để chuẩn bị vào vụ thả mới, ông Thịnh cho biết, ông vừa thu hoạch gần 40 tấn cá với khoản lãi 500 triệu đồng. Ông chia sẻ: “Muốn phát triển kinh tế phải có nguồn vốn vay ưu đãi, với thời hạn dài thì mới đủ quay vòng. Do vậy, nguồn vốn từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm thực sự hữu ích đối với những nông dân như ông. Hiện nay, nhờ nguồn vốn này nhiều người dân trong vùng đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có cuộc sống ổn định. 

Trang trại nuôi dê của gia đình ông Phạm Hồng Trình (Gia Viễn, Ninh Bình)

Trang trại nuôi dê của gia đình ông Phạm Hồng Trình (Gia Viễn, Ninh Bình)

Cách đó không xa là gia đình ông Phạm Hồng Trình (thôn Phú Nhuận, xã Gia Hòa, Gia Viễn, Ninh Bình) cũng đã vươn lên có cuộc sống khá giả từ nguồn vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH. Năm 2016, với số tiền vay 50 triệu đồng, ông đầu tư làm hệ thống ao nổi để nuôi cá, ngoài ra ông còn mở rộng chăn nuôi thêm dê, gà, lợn, chim bồ câu… Hiện tại, mỗi năm, từ nuôi thủy sản ông có thu nhập khoảng 300 triệu đồng.

Ông Trình chia sẻ về dự định trong tương lai của mình: Sau khi trả món nợ 50 triệu đồng, vừa qua tôi lại được ngân hàng tạo điều kiện cho vay tiếp, lần này mức vay tăng lên 90 triệu đồng, đủ để tôi đầu tư thêm hệ thống máy phát điện và các trang thiết bị cần thiết khác, tôi sẽ nâng quy mô sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm cho bà con xung quanh.

Ông Thịnh và ông Trình chỉ là hai trong số hàng nghìn hộ nông dân trên địa bàn huyện Gia Viễn (Ninh Bình) đã phát huy hiệu quả từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm. Tất nhiên với nguồn vốn vay 50 triệu đồng (hiện nay là 100 triệu đồng) họ khó có thể gây dựng nên mô hình kinh tế lớn, nhưng chính sách ưu đãi về lãi suất, thủ tục vay vốn… đã phần nào góp nên thành công cho họ. 

Anh Đỗ Văn Dũng, xã Khánh Thành là một trong hàng nghìn hộ được vay vốn ưu đãi, phấn khởi chia sẻ: "Kể từ khi được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH, đời sống kinh tế của gia đình khá lên rất nhiều. Tôi đã sử dụng 100 triệu đồng vốn vay Chương trình giải quyết việc làm để mua thêm nguyên liệu, máy móc phục vụ công tác sửa chữa đóng tàu. Từ nguồn vốn giúp gia đình tôi vượt qua khó khăn, tạo việc làm cho 2-3 lao động. Có thể thấy trong lúc dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay thì nguồn vốn chính sách vẫn được giải ngân kịp thời, đã trở thành "điểm tựa" vững chắc cho nhiều hộ nghèo, hộ chính sách như gia đình tôi".

Để giúp người dân tiếp cận thuận lợi và sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, Sở LĐ-TB&XH Ninh Bình phối hợp với Ngân hàng CSXH tỉnh, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách vay vốn từ Quỹ Quốc gia về GQVL thông qua nhiều hình thức, để người dân biết quy trình vay vốn và đăng ký tham gia khi có nhu cầu. Đến nay, nguồn vốn của chương trình mang lại hiệu quả rất tích cực, chất lượng tín dụng an toàn, vì tỷ lệ nợ xấu, nợ quá hạn thấp. 

 Ông Lâm Xuân Phương – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Ninh Bình cho biết : “Giải quyết việc làm là một trong những vấn đề xã hội, dân sinh nổi cộm không dễ tìm phương án giải quyết. Nhằm hỗ trợ người lao động vươn lên, tiếp cận với cơ hội việc làm, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã triển khai linh hoạt, đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, việc tạo điều kiện cho người lao động, doanh nghiệp vay vốn đã khắc phục khó khăn, tạo đòn bẩy, từng bước ổn định nguồn lao động và duy trì hoạt động sản xuất. Thời gian tới, nhu cầu về vốn vay của người dân trên địa bàn tỉnh dự báo tăng cao do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Vì thế, Sở cũng đã có đề xuất gửi các Bộ, ngành liên quan xem xét, phân bổ nguồn vốn ngân sách Nhà nước theo từng năm nhiều hơn nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh của hộ vay, người lao động, chủ cơ sở và doanh nghiệp. Có như vậy mới vực dậy thị trường lao động nhằm khôi phục nền kinh tế sụt giảm sau đại dịch”.    

THU HƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh