Quy định tréo ngoe, giáo viên "vắt chân lên cổ" học chứng chỉ tiếng Anh A2
- Giáo dục nghề nghiệp
- 02:34 - 21/07/2016
Văn bản quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với viên chức có quy định giáo viên muốn nâng bậc lương buộc phải có trình độ ngoại ngữ bậc 2.
Theo Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên có quy định, giáo viên muốn nâng lương theo bậc học thì cần phải có chứng chỉ ngoại ngữ A2 (tương đương bậc 2 (A1, A2, B1, B2, C1, C2) theo khung trình độ chung châu Âu (CEFR)).
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam liên hệ với cô K. - giáo viên đang trực tiếp giảng dạy tại tỉnh Hưng Yên, cô cho biết: “Hiện tại, tỉnh Hưng Yên đã triển khai văn bản quy định giáo viên phải có chứng chỉ ngoại ngữ A2.
Dù theo chỉ đạo từ Hiệu trưởng thì đây là quy định không ép buộc mà ai có nhu cầu thì đi học.
Nhưng đối với giáo viên tốt nghiệp hệ trung cấp, cao đẳng sư phạm, đã liên thông lên cao đẳng, đại học nhưng vẫn đang nhận mức lương theo hệ trung cấp, cao đẳng, khi muốn nâng lương lên, họ phải có chứng chỉ ngoại ngữ A2 để hoàn thiện hồ sơ”.
Cô cho biết thêm, tổng số giáo viên của trường là hơn 30 người thì hiện đã có 10 giáo viên đi học. Cô chia sẻ: “Nếu là kiểm tra chuyên môn thì không nói nhưng đằng này lại thi trình độ tiếng Anh nên nếu học thật và thi thực chất thì chỉ đỗ được 1%”.
Do đó, để được nâng bậc lương thì giáo viên tại trường của cô K. đã đăng ký thủ tục đi học trong thời gian 1 tuần.
Theo lịch, thời gian học các ngày trong tuần từ 18 giờ đến 20 giờ. Còn thứ 7, chủ nhật thì học cả ngày. Hiện tại chưa kết thúc đợt học nên các học viên mới chỉ đóng học phí nếu học ở huyện là 4 triệu đồng, còn học ở tỉnh là 2,8 triệu đồng.
Dù chưa đến ngày thi nhưng các giáo viên chưa đi học đã được “mớm” thông tin từ những giáo viên đang đi học rằng: “Có chỗ “mua” chứng chỉ với giá 2,3 triệu đồng mà không phải học cũng chẳng phải thi nên tội gì mà đăng ký đi học”.
Còn đối với những giáo viên nằm trong “vùng an toàn” cầm trong tay tấm bằng Đại học thì họ vẫn ung dung chưa sốt sắng đi học vì họ đang hưởng lương theo hệ Đại học.
Mặc dù vậy thì họ vẫn nghe ngóng khi các đồng nghiệp đi học, đi thi, có được chứng chỉ rồi thì cơ chế sẽ ra sao.
Đợi có kết quả, “vùng an toàn” sẽ tính đến việc có nên phải đi học hay "mua" cho nhanh vì e rằng cứ tuân theo sự thay đổi của Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ thì dù là bằng Đại học thì sẽ đến lúc cần tới chứng chỉ này.
Liên hệ với một giáo viên tại tỉnh Vĩnh Phúc, cô giáo L. than thở: "Hiện tại, cán bộ quản lý của trường đang đi tham dự buổi phổ biến việc thay đổi chức danh nghề nghiệp theo quy định mới.
Nhưng nếu giả sử bắt buộc chúng tôi phải có chứng chỉ thì tìm chỗ nào mà mua cho nhanh chứ giờ thì học làm sao được. Mà thi tiếng Anh là gồm 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết làm sao giáo viên chúng tôi thi nổi”.
Câu hỏi đặt ra rằng, việc Bộ GD&ĐT đòi hỏi một tờ chứng chỉ là cơ sở để tăng lương giáo viên. Điều này có nâng cao được trình độ chuyên môn nghiệp vụ sư phạm của các nhà giáo hay lại tạo điều kiện cho cơ chế mua – bán bằng cấp, chứng chỉ hoành hành?
Theo Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên Tiểu học công lập quy định: |
Chúng tôi sẽ tiếp tục trở lại với câu chuyện này để chia sẻ với giáo viên cả nước. Các thầy cô gặp khó khăn hoặc thắc mắc có thể liên lạc với Tòa soạn qua địa chỉ email [email protected] hoặc số điện thoại 0938766888. Mọi thông tin cá nhân của các thầy cô sẽ được giữ kín theo quy định của pháp luật hiện hành.