THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:26

Quy định tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án vì thiên tai, dịch bệnh là cần thiết

Viện trưởng Viện KSNDTC Lê Minh Trí giải trình làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu

Viện trưởng Viện KSNDTC Lê Minh Trí giải trình làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu

Ngày 25/10 Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS). Ngoài ra, đa số đại biểu nhất trí sửa đổi, bổ sung quy định căn cứ tạm đình chỉ khởi tố, điều tra, truy tố “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh," nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay.

Xuất phát từ thực tiễn dịch Covid-19

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Sang (TP. Hồ Chí Minh), trong thời gian qua, tình hình dịch Coivd-19 diễn biến phức tạp trên cả nước, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh, do phải thực hiện giãn cách, cách ly khiến việc tiếp nhận, xác minh tin báo về tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố và xử lý, điều tra, tiến hành các hoạt động tố tụng... bị trì hoãn, không thực hiện được những hoạt động cần thiết để chứng minh hành vi phạm tội, người phạm tội để tiến hành khởi tố, điều tra, truy tố.

Theo quy định của pháp luật, trong giai đoạn điều tra, nếu hết thời hạn điều tra mà không hoàn thiện được hồ sơ, thực hiện đầy đủ hoạt động tố tụng theo luật định để chứng minh bị can đã thực hiện tội phạm, sẽ phải đình chỉ điều tra. Điều này có nguy cơ bỏ lọt tội phạm, nguy cơ phải bồi thường nhà nước khi việc tạm đình chỉ do lỗi chủ quan của cơ quan, người có thẩm quyền tố tụng.

"Trong khi đó, khoản 1 Điều 148, khoản 1 Điều 229, khoản 1 Điều 247 của Bộ luật TTHS hiện hành không có quy định cho phép tạm đình chỉ vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh. Điều này dẫn đến vụ án, vụ việc không giải quyết được giai đoạn tiếp theo, đồng thời có thể phát sinh trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo, bồi thường thiệt hại...," đại biểu Sang phân tích.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Sang (TP. Hồ Chí Minh) tham gia thảo luận trực tuyến từ điểm cầu TP. Hồ Chí Minh

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Sang (TP. Hồ Chí Minh) tham gia thảo luận trực tuyến từ điểm cầu TP. Hồ Chí Minh

Đồng thuận, đại biểu Phạm Thị Xuân (đoàn Thanh Hóa) nhấn mạnh, trong một thời gian tương đối dài, dịch bệnh đã ảnh hưởng đến các hoạt động giải quyết vụ án hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Việc không thể tiến hành tố tụng để giải quyết nguồn tin về tội phạm dẫn đến các cơ quan có thẩm quyền không xác định được có hay không có dấu hiệu tội phạm để ra quyết định khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án khi thời giải quyết nguồn tin về tội phạm đã hết.

Khi đó, các cơ quan có thẩm quyền không thể quyết định tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố vì không có căn cứ theo quy định của luật. Vì thế, đại biểu nhất trí sửa đổi, bổ sung quy định căn cứ tạm đình chỉ khởi tố, điều tra, truy tố “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh".

Từ thực tiễn ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như hiện nay, việc triệu tập lấy lời khai các vấn đề liên quan đến nội dung tố giác không thực hiện được, dẫn đến lúng túng trong thực tiễn, đại biểu Tạ Minh Tâm (đoàn Tiền Giang) kiến nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm căn cứ tạm đình chỉ giải quyết tố giác tin báo tội phạm trong trường hợp không thể triệu tập lấy lời khai vấn đề có liên quan đến tố giác để cơ quan tiến hành tố tụng có căn cứ giải quyết đúng đắn, đầy đủ các tố giác và tin báo.

Toàn cảnh thảo luận trực tuyến tại Hội trường Diên Hồng

Toàn cảnh thảo luận trực tuyến tại Hội trường Diên Hồng

Bảo đảm đúng lộ trình thực hiện cam kết theo Hiệp định CPTPP

Phát biểu giải trình, tiếp thu về các vấn đề này, Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí cho biết, đối với việc sửa đổi, bổ sung các quy định về căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, tạm đình chỉ và đình chỉ vụ án vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh, biện pháp này được coi là biện pháp kỹ thuật cuối cùng, cần pháp luật cho phép để xử lý tình huống khi hết hạn điều tra, truy tố mà các cơ quan chức năng không thu thập được chứng cứ chứng minh tội phạm do thiên tai dịch bệnh.

“Nếu theo quy định của Luật hiện hành thì phải đình chỉ và dừng hết các biện pháp tố tụng. Như vậy có thể xảy ra tình trạng hàng loạt đối tượng phải thả, trong đó nhiều đối tượng thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng. Do đó, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các quy định trên nhằm phù hợp với tình hình thực tiễn. Các cơ quan tố tụng sẽ phải cân nhắc, xem xét thận trọng khi quyết định áp dụng căn cứ này đối với từng trường hợp cụ thể, hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến giải quyết vụ án, vụ việc khi được phục hồi”, ông Trí nhấn mạnh.

Về việc dự thảo Luật mở rộng so với yêu cầu tại Hiệp định CPTPP, Viện trưởng Lê Minh Trí nêu rõ, Hiệp định này có quy định các bên thừa nhận chỉ dẫn địa lý có thể bảo hộ thông qua hệ thống nhãn hiệu hoặc một hệ thống riêng hoặc các biện pháp quản lý khác. Như vậy có thể hiểu việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý cũng tương tự như việc bảo hộ nhãn hiệu.

“Ở Việt Nam, từ trước đến nay chính sách bảo hộ đối với hai đối tượng này đều có sự tương đồng. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 155 và Khoản 8 Điều 157 bãi bỏ nội dung dẫn chiếu đến khoản 1 Điều 226 của Bộ luật Hình sự là đảm bảo sự thống nhất về chính sách pháp luật, chính sách bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và chính sách xử lý hành vi xâm phạm quyền”, ông Trí nói. 

Về hiệu lực thi hành dự án Luật, Viện trưởng Viện KSNDTC thông tin, để bảo đảm đúng lộ trình thực hiện cam kết của Việt Nam theo Hiệp định CPTPP, cơ quan soạn thảo đã trình dự án Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Do đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật TTHS sẽ có hiệu lực thi hành từ kể từ ngày được Quốc hội thông qua. Quy định này cũng bảo đảm phù hợp với Khoản 2 Điều 151 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thành Công

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh