Quy định nhuận bút đối với các tác phẩm nghệ thuật
- Văn hóa - Giải trí
- 01:48 - 20/03/2015
Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế của quy định hiện hành, thay thế quy định tại Nghị định số 61/2002/NĐ-CP ngày 11/6/2002 về chế độ nhuận bút cho phù hợp với các quy định pháp luật khác đã được điều chỉnh trong thời gian qua. Góp phần khuyến khích hoạt động sáng tạo ra các giá trị văn học, nghệ thuật và khoa học, phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và nhu cầu hưởng thụ của công chúng.
Nghị định gồm 5 chương, 14 điều, quy định về nhuận bút, thù lao đối với việc sáng tạo, khai thác, sử dụng tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. Theo bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ VHTT&DL, Nghị định 21/2015 ra đời đáp ứng mong chờ của giới nghệ sĩ, tạo sự công bằng xứng đáng cho những người sáng tạo nghệ thuật.
Ảnh minh họa
So với Nghị định số 61/2002/NĐ-CP, Nghị định 21/2015/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung các quy địh về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, đối tượng hưởng và mức nhuận bút, thù lao cho phù hợp với quy định của Bộ Luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 và phù hợp với thực tiễn.
Nghị định cũng bổ sung một số chức danh sáng tạo, thay đổi tên gọi của một số chức danh sáng tạo cho phù hợp với thực tế; chỉnh sửa, bổ sung và cụ thể hóa một số thể loại, quy mô tác phẩm và khung nhuận bút, thù lao đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn cho phù hợp thực tiễn nhằm tạo sự linh hoạt để bên sử dụng tác phẩm và bên sáng tạo có thể thỏa thuận, căn cứ vào chất lượng tác phẩm, nguồn kinh phí được phép sử dụng để chi trả nhuận bút, thù lao và nhằm khuyến khích hơn nữa hoạt động sáng tạo. Ngoài ra, Nghị định 21 còn thêm các chức danh được hưởng chế độ nhuận bút, thù lao để phù hợp với quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. Như đối với điện ảnh, thêm chế độ cho đạo diễn hình ảnh, thiết kế âm thanh, người làm kỹ xảo, người làm hóa trang. Còn đối với tác phẩm mỹ thuật và nhiếp ảnh, quy định trước đây việc trả nhuận bút là theo thỏa thuận giữa đôi bên là người chủ sở hữu quyền tác giả và người sử dụng tính theo giá trị tác phẩm, thì quy định mới ghi rõ tỉ lệ phần trăm nhuận bút đối tượng được hưởng nhưng tính theo giá thành tác phẩm, dễ làm căn cứ tính toán hơn... Đáng kể nhất là tỉ lệ phần trăm hoặc hệ số để tính nhuận bút cho các chức danh sáng tạo tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác trong quy định mới đều tăng hơn trước.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/4/2015. Các chương I, III, IV, VII, VIII, IX và chương X của Nghị định số 61/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ về chế độ nhuận bút hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.