THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:07

Quy định mới chế độ làm việc của giáo viên dạy nghề

ảnh minh họa

 

Theo đó, Thông tư này quy định chế độ làm việc của nhà giáo giảng dạy trong các trường cao đẳng, trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục đại học, doanh nghiệp có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp công lập, tư thục, có vốn đầu tư nước ngoài (cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp); áp dụng đối với nhà giáo, công chức, viên chức quản lý tham gia giảng dạy trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp trong các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp; cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan.

Theo quy định, thời gian giảng dạy trong kế hoạch đào tạo được tính bằng giờ: Một giờ dạy lý thuyết là 45 phút được tính bằng 1 giờ chuẩn; Một giờ dạy tích hợp (kết hợp cả lý thuyết và thực hành) là 45 phút được tính bằng 1 giờ chuẩn; Một giờ dạy thực hành là 60 phút được tính bằng 1 giờ chuẩn.

Lớp học lý thuyết không quá 35 học sinh, sinh viên. Lớp học thực hành không quá 18 học sinh, sinh viên đối với nghề bình thường; không quá 10 học sinh, sinh viên đối với nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (theo Danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành).

 Thông tư cũng quy định, thời gian làm việc của giáo viên dạy cao đẳng nghề, trung cấp nghề là 44 tuần/năm học, trong đó, giảng dạy và giáo dục học sinh, sinh viên 32 tuần đối với giáo viên dạy cao đẳng nghề; 36 tuần đối với giáo viên dạy trung cấp nghề; Học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, nghiên cứu khoa học: 12 tuần đối với giáo viên dạy cao đẳng nghề; 8 tuần đối với giáo viên dạy trung cấp nghề.

 Thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên là 8 tuần, bao gồm: nghỉ hè, nghỉ Tết, nghỉ các ngày lễ. Giáo viên hoàn thành nhiệm vụ được giao được nghỉ 8 tuần. Giáo viên, cán bộ làm công tác quản lý học sinh, sinh viên được nghỉ như giáo viên. Cán bộ quản lý có tham gia giảng dạy, hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn và tiêu chuẩn giờ giảng được nghỉ 6 tuần.

Định mức giờ giảng của nhà giáo trong một năm học: Từ 380 đến 450 giờ chuẩn đối với nhà giáo dạy trình độ cao đẳng; Từ 430 đến 510 giờ chuẩn đối với nhà giáo dạy trình độ trung cấp; Từ 500 đến 580 giờ chuẩn đối với nhà giáo dạy trình độ sơ cấp.

Hiệu trưởng, giám đốc cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp căn cứ vào tình hình thực tế, đặc điểm của từng mô-đun, trình độ và kinh nghiệm giảng dạy của nhà giáo để quyết định định mức giờ giảng cho phù hợp trong năm học.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện quy định tại Thông tư này đối với các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện các quy định tại Thông tư này; Thanh tra, kiểm tra, đánh giá, tổng hợp, báo cáo định kỳ, đột xuất việc thực hiện chế độ làm việc đối với nhà giáo của các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp quy định chi tiết chế độ làm việc của nhà giáo tại cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định tại Thông tư này; Xây dựng kế hoạch giảng dạy, nghiên cứu khoa học, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, thực tập tại doanh nghiệp hoặc cơ quan chuyên môn để nâng cao chất lượng, hiệu quả lao động của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.

Thông tư này không áp dụng đối với các trường sư phạm và nhà giáo giảng dạy nhóm ngành đào tạo giáo viên thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

THIỀU VĂN LÝ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh