Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98
- Tây Y
- 18:12 - 14/06/2019
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, đa số các vị đại biểu Quốc hội nhất trí cao về sự cần thiết gia nhập Công ước số 98 và cho rằng việc tham gia Công ước là phù hợp đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước đặc biệt trong bối cảnh nước ta đang hội nhập kinh tế - quốc tế một cách sâu rộng.
Về sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật để thực thi Công ước
Đa số các vị đại biểu Quốc hội tán thành các nội dung cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật để thực thi Công ước như trong Tờ trình của Chủ tịch nước và Báo cáo thuyết minh của Chính phủ. Ngoài ra, một số ĐBQH có ý kiến như sau:
Đối với Bộ luật Lao động: Có ý kiến đề nghị Chính phủ chỉ đạo sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm đảm bảo tính tương thích giữa Bộ luật Lao động với Công ước số 98. UBTVQH cho rằng, đúng như các ý kiến của đại biểu QH, qua rà soát Bộ luật Lao động có một số quy định chưa tương thích với nội dung Công ước số 98 liên quan đến nguyên tắc tự nguyện trong thương lượng tập thể; về thương lượng tập thể định kỳ; trao quyền thương lượng tập thể đương nhiên cho Công đoàn cấp trên; nội dung thương lượng tập thể; cấp thương lượng tập thể và giải quyết tranh chấp tập thể vì lợi ích và thúc đẩy thương lượng tập thể. Các nội dung này đã được rà soát sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) để tương thích với Công ước số 98 trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7 này.
Chủ nhiệm UB đối ngoại Nguyễn Văn Giàu giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98
Đối với Luật Công đoàn: Có ý kiến đề nghị làm rõ sự tương thích giữa khoản 1 Điều 5 với Điều 2 của Công ước số 98. UBTVQH cho rằng, khoản 1 Điều 5 Luật Công đoàn năm 2012 không mâu thuẫn với quy định tại Điều 2 Công ước số 98. Công ước số 98 không hạn chế quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động. Công ước số 98 quy định chỉ cấm người sử dụng lao động can thiệp vào hoạt động của công đoàn, cụ thể là đưa người của mình vào chi phối, kiểm soát hoạt động của công đoàn.
Có ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn và khoản 2 Điều 26 Luật Công đoàn về tài chính công đoàn,trong đó có quy định kinh phí công đoàn do doanh nghiệp, tổ chức đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động cho phù hợp với Công ước số 98. UBTVQH cho rằng việc sửa đổi Luật Công đoàn 2012 là cần thiết nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với Bộ luật Lao động (sửa đổi) và để thực hiện các cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do.
Đối với Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Dân sự: Có ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 162 Bộ luật Hình sự theo đó yêu cầu xử lý hình sự đối với tổ chức, cá nhân, phân biệt đối xử chống công đoàn.Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, UBTVQH đề nghị Chính phủ và các cơ quan có liên quan tiếp tục rà soát các quy định của Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Dân sự để tiến hành sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa các đạo luật này với Bộ luật Lao động (sửa đổi) được Quốc hội thông qua.
“Ngoài ra, có ý kiến đề nghị ban hành các nghị định hướng dẫn cụ thể để thực hiện Công ước, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, UBTVQH đề nghị Chính phủ kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền để thực hiện Công ước số 98 sau khi gia nhập”, Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại nói.
Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98
Về tổ chức đại diện người lao động, về quyền tổ chức và thương lượng tập thể
Có ý kiến đề nghị quy định rõ trong luật điều kiện đảm bảo cho tổ chức đại diện người lao động hoạt động. Có ý kiến cho rằng tổ chức đại diện người lao động bên cạnh Công đoàn dễ gây mất ổn định chính trị, an ninh trật tự do các tổ chức này không nằm trong hệ thống chính trị của Việt Nam, ảnh hưởng đến sự lãnh đạo của Đảng và tổ chức Công đoàn Việt Nam, vì vậy cần cân nhắc việc thành lập tổ chức này.
UBTVQH cho rằng các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội rất xác đáng. Vấn đề này đã được BCH TW Đảng, Bộ Chính trị chỉ đạo nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng trong quá trình đàm phán Hiệp định CPTPP trước đây, Hiệp định EVFTA hiện nay cũng như trong quá trình xây dựng dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Những đề xuất sửa đổi, bổ sung vừa bảo đảm quản lý chặt chẽ, vừa tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm hoạt động lành mạnh trong phạm vi quan hệ lao động tại cơ sở của tổ chức đại diện người lao động đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, vừa bảo đảm thực thi các cam kết quốc tế về lao động, nội luật hóa các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội và đặc điểm của quan hệ lao động của Việt Nam.
Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98
Về việc triển khai thực hiện Công ước số 98, UBTVQH cho biết, Chính phủ đã có dự kiến Kế hoạch thực hiện Công ước, trong đó có công tác tuyên truyền, phổ biến Công ước số 98 đến người lao động, doanh nghiệp, đồng thời phân công rõ trách nhiệm và có lộ trình cho các Bộ, ngành trong triển khai thực hiện Công ước.
“UBTVQH đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung Công ước để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động khi triển khai thực hiện trong hệ thống chính trị, nhất là hệ thống Công đoàn lao động Việt Nam, doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, người lao động. Đồng thời, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời phát hiện những vấn đề bất cập để chủ động có phương án xử lý ngay không làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống và việc làm của người dân”, Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh.