THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 07:40

Quốc gia nào rót tiền vào Việt Nam nhiều nhất trong quý I/2016?

 

Ảnh minh họa.


Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư) cho biết, tính đến ngày 20/3/2016, cả nước có 473 dự án FDI mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, ổng vốn đăng ký là 2,74 tỷ USD, tăng 125,2% so với cùng kỳ năm 2015.

Đồng thời, cùng thời điểm có 203 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 1,29 tỷ USD, tăng 107% so với cùng kỳ năm 2015.

Như vậy, tính chung trong quý I/2016, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm là 4,026 tỷ USD, tăng 119,1% so với cùng kỳ năm 2015.

Thống kê cũng cho thấy, trong quý I/2016, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài nhất, với 216 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 2,9 tỷ USD, chiếm đến 72,2% tổng vốn đầu tư đăng ký trong quý I.

Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với 11 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 239,78 triệu USD, chiếm gần 6% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Với 1 dự án lớn tổng vốn đầu tư 210,58 triệu USD, lĩnh vực nghệ thuật, vui chơi, giải trí đứng thứ ba, chiếm 5,2% tổng vốn đầu tư.

Trong quý I/2016, Hàn Quốc là nhà đầu tư dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 888,6 triệu USD, chiếm 22% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Singapore đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 554 triệu USD, chiếm 13,7% tổng vốn đầu tư. Đài Loan đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 465,6 triệu USD, chiếm 11,5% tổng vốn đầu tư.

Xét theo địa bàn đầu tư, trong quý I/2016 nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 42 tỉnh, thành phố trưc thuộc Trung ương.

Trong đó, Đồng Nai là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất với 26 dự án cấp mới và 34 dự án điều chỉnh vốn với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 585 triệu USD, chiếm 14,5% tổng vốn đầu tư.

Bắc Ninh đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 398 triệu USD, chiếm 9,8%. Bình Dương đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 371 triệu USD chiếm 9,2% tổng vốn đầu tư.

 Một số dự án lớn được cấp phép trong quý I/2016

- Dự án Công ty TNHH nhà máy giấy Đại Dương do nhà đầu tư Đài Loan đầu tư có tổng vốn đầu tư 220 triệu USD với mục tiêu sản xuất các loại giấy Duplex, giấy Kcraf, giấy gia dụng (sản phẩm khác từ giấy và bìa chưa được phân vào đâu) tại Tiền Giang;

- Dự án đầu tư mua sắm và vận hành hệ thống kỹ thuật, thiết bị, công nghệ, phần mềm và kinh doanh xổ số tự chọn số điện toán trên lãnh thổ Việt Nam, tổng vốn đầu tư 210,58 triệu USD do Berjaya corporation Berhad (Malaysia) liên doanh với Công ty TNHH một thành viên xổ số điện toán Việt Nam đầu tư tại Hà Nội với mục tiêu kinh doanh các sản phẩm xổ số tự chọn số điện toán, bao gồm xổ số tự chọn số theo ma trận, xổ số tự chọn số theo dãy số, xổ số tự chọn số quay số nhanh và xổ số tự chọn số điện toán;

- Dự án đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng phát triển khu công nghiệp và nhà máy sản xuất bán thành phẩm giầy thể thao, tổng vốn đầu tư 171,4 triệu USD do nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư tại Cần Thơ;

- Dự án Công ty TNHH SamSung SDI Việt Nam, cấp phép ngày 12/10/2009 tại Bắc Ninh điều chỉnh tăng vốn đầu 117,6 triệu USD;

- Dự án Nhà máy xử lý và tái chế bụi lò thép tại Việt Nam (VPR) do Zincox Resources Public Limited Company (Vương quốc Anh) đầu tư với tổng vốn đầu tư 115 triệu USD tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh