Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam
- Huyệt vị
- 22:02 - 26/05/2015
Bất động sản “hút” 10% vốn FDI
Lĩnh vực kinh doanh bất động sản có 10 dự án đăng ký mới và 7 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 461,5 triệu USD, chiếm 10,7% tổng vốn đầu tư, tính đến ngày 20/5. Lĩnh vực bất động sản là kênh hấp dẫn vốn thứ hai đối với các doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào Việt Nam.
Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2015, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 14 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 269 dự án đầu tư đăng ký mới và 142 lượt dự án tăng vốn, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 3,15 tỷ USD, chiếm 73,4% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Bất động sản vẫn chứng tỏ sức hút mạnh mẽ với các nhà đầu tư ngoại
Tính đến ngày 20/5 cả nước có 592 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký là 2,95 tỷ USD, bằng 80,6% so với cùng kỳ năm 2014.
Theo số liệu thống kê, đã có 47 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hàn Quốc vẫn tiếp tục giữ ngôi vị dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,1 tỷ USD, chiếm 25,7% tổng vốn đầu tư tại Việt Nam.
TP. Hồ Chí Minh “hút” nhiều vốn FDI nhất
Trong 5 tháng đầu năm, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 40 tỉnh thành phố, trong đó TP. Hồ Chí Minh là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 983,5 triệu USD, chiếm 22,9% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Một số địa phương khác như Đồng Nai thu hút được 948,7 triệu USD tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm, chiếm 21,1%; Hải Phòng thu hút được 319,3 triệu USD, chiếm 7,4%.
TP. Hồ Chí Minh đang dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI
Xét theo vùng thì Đông Nam Bộ là vùng thu hút nhiều vốn FDI nhất với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt 2,29 tỷ USD, chiếm 53,3% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước. Đứng thứ 2 là vùng Đồng bằng Sông Hồng với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt 1,24 tỷ USD, chiếm 29,1% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Tây Nguyên là vùng thu hút đầu tư nước ngoài ít nhất cả nước trong 5 tháng cả vùng chỉ thu hút được 17,43 triệu USD chiếm 0,4% tổng vốn đầu tư đang ký của cả nước.
Khối doanh nghiệp FDI vẫn đóng vai trò quan trọng trong cán cân thương mại của Việt Nam đến thời điểm hiện tại. Xuất khẩu của khu vực này (kể cả dầu thô) trong 5 tháng năm 2015 đạt 44,37 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2014 và chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, nhập khẩu 39,67 tỷ USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm 2014 và chiếm 67% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Tính chung trong 5 tháng đầu năm 2015, khu vực FDI xuất siêu 4,69 tỷ USD.