THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:44

Quảng Trị: Nạn tảo hôn có chiều hướng giảm

Quảng Trị: Thực trạng kết hôn trẻ em có sự chuyển biến tích cực - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tổng kết dự án phòng ngừa kết hôn sớm ở trẻ em tại Quảng Trị, giai đoạn 2016 - 2019

Sáng nay 29/10/2019, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị phối hợp với Tổ chức Plan tại Quảng Trị tổ chức Hội nghị tổng kết dự án phòng ngừa kết hôn sớm ở trẻ em giai đoạn 2016 - 2019.

Được biết, Quảng Trị là tỉnh có số lượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt lớn với trên 20.000 em, chiếm 11% số trẻ em toàn tỉnh. Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, gia đình và xã hội quan tâm rất nhiều trong việc thực hiện các quyền trẻ em, tạo mọi điều kiện cho trẻ em được sống khỏe, phát triển toàn diện. Tuy vậy, vẫn còn nhiều vấn đề cần được quan tâm, trong đó đáng chú ý là trẻ em tảo hôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa của hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông.

Theo số liệu thống kê sơ bộ, tại hai huyện Hướng Hóa và Đakrông, tình trạng tảo hôn trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2010 - 2015 có khoảng trên 900 trường hợp.

Qua khảo sát thực tế của các cơ quan chức năng tại 24 thôn, bản ở 8 xã của 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông và 33 xã, thị trấn còn lại đã cho thấy thực trạng về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tồn tại và có xu hướng ngày càng tăng lên.

Từ thực trạng trên, tháng 11/2016, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị phối hợp với Tổ chức Plan Việt Nam tại Quảng Trị triển khai Dự án Phòng chống kết hôn trẻ em trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2016 – 2019, tại 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông.

Quảng Trị: Thực trạng kết hôn trẻ em có sự chuyển biến tích cực - Ảnh 3.

Hoạt động tuyên truyền về phòng tránh kết hôn trẻ em trong vùng dự án

Tính đến thời điểm hiện tại, dự án đã triển khai thực hiện tại 10 xã của hai huyện Hướng Hóa và Đakrông, gồm: Tà Rụt, Hướng Hiệp, Đakrông, Mò Ó, Tà Long (huyện Đakrông); xã Thanh, Hướng Lộc, Húc, Xy, A Túc (huyện Hướng Hóa) với các hoạt động: Hỗ trợ thiết lập, kiện toàn Ban bảo vệ trẻ em các cấp, kết nối với các tổ chức địa phương liên quan; tổ chức giao ban nắm bắt tình hình thực tế của từng địa phương để có những chỉ đạo kịp thời trong công tác phòng, chống kết hôn sớm ở trẻ em; tổ chức các lớp tập huấn về sức khỏe sinh sản vị thành niên, quyền trẻ em và pháp luật liên quan đến kết hôn sớm; tâm lý tuổi vị thành niên và kỹ năng làm việc với trẻ vị thành niên; truyền thông cho trẻ em về sức khỏe sinh sản vị thành niên và hậu quả kết hôn sớm; tăng cường sự cộng tác giữa nhà trường và cộng đồng... Tùy theo đặc điểm tình hình của từng địa phương đã thành lập mạng lưới cộng tác viên, nhóm trẻ em nòng cốt để hỗ trợ các hoạt động...

Công bố quy ước thôn không tảo hôn tại địa bàn huyện Hướng Hóa

Công bố quy ước thôn không có tảo hôn tại địa bàn huyện Hướng Hóa

Sau 3 năm triển khai thực hiện, dự án đã thu hút 1.210 thành viên tham gia các câu lạc bộ bạn gái; tổ chức truyền thông về hậu quả kết hôn sớm, sức khỏe sinh sản vị thành niên cho 4.400 trẻ em, thanh niên. Đã thành lập 30 câu lạc bộ cha mẹ với khoảng 600 thành viên tham gia sinh hoạt, 18 ban bảo vệ trẻ em với 180 cộng tác viên được duy trì hoạt động và tập huấn nâng cao năng lực, 2 thôn được UBND huyện phê duyệt quy ước thôn không có tảo hôn… Ngoài ra, dự án đã tổ chức nhiều hội thảo giới thiệu tư vấn việc làm cho thanh niên các địa phương, trong đó có 15 trường hợp nhận được việc làm, tham gia xuất khẩu lao động.

Tại huyện Đakrông, dự án đã mở rộng thêm các xã A Bung và A Ngo. Mặt khác, dự án đã góp phần xây dựng Quy ước thôn không tảo hôn; mô hình giải quyết việc làm cho trẻ em; vận động trẻ em có nguy cơ tảo hôn. Nhờ vậy, tỷ lệ kết hôn trẻ em giảm qua các năm (năm 2016 có 77 trường hợp, đến năm 2019 có 35 trường hợp, giảm 50%). Ở Hướng Hóa, năm 2018 có 120 cặp, giảm 10 cặp so với năm 2017.

Hỗ trợ sinh kế cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số

Hỗ trợ sinh kế cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số

Theo ông Bùi Văn Thảng, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị, bên cạnh việc đổi mới các hoạt động tuyên truyền, truyền thông, hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm; tăng cường sự cộng tác giữa nhà trường và cộng đồng... vấn đề quan trọng nhất đó là việc tạo ra được sự đồng thuận trong cộng đồng thôn, bản đối với công tác phòng chống kết hôn sớm. Mặt khác, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo của các cấp Ủy đảng, chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể, địa phương, đặc biệt là ở cấp cơ sở, sự giúp đỡ của các tổ chức phi Chính phủ.

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh