6 dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn từ 50 - 60%
- Dược liệu
- 16:24 - 30/06/2017
Bà Nguyễn Thị Tư, Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số (Ủy ban Dân tộc) cho biết, tình trạng tảo hôn xảy ra cả 54 dân tộc. Tuy nhiên, tỷ lệ tảo hôn đặc biệt cao trong các cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS) và ở các tỉnh có đông người đồng bào DTTS sinh sống như: các tỉnh miền núi phía Bắc; Tây Nguyên; một số tỉnh miền Trung và ở đồng bằng sông Cửu Long. Tỷ lệ tảo hôn chung trong các DTTS là 26,6%, cao gấp 18 lần so với dân tộc Kinh (1,4%) và gấp 10 lần so với tỷ lệ chung của cả nước (2,5%). Theo đó, có 40/53 DTTS có tỷ lệ tảo hôn trên 20%; trong đó, 10 DTTS có tỷ lệ tảo hôn từ 20 - 30%, 11 DTTS từ 30 - 40%, 13 DTTS ở mức 40 - 50% và 6 DTTS có tỷ lệ tảo hôn từ 50 - 60%.
Tuyên truyền phòng, chống tảo hôn ở miền núi đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Về nguyên dẫn đến tảo hôn, theo bà Tư do trình độ dân trí thấp, chịu ảnh hưởng và chi phối mạnh mẽ bởi các phong tục tập quán. Bên cạnh đó, nhiều DTTS cho con gái đi lấy chồng là biện pháp giảm áp lực về kinh tế đối với gia đình. Theo bà Tư, để giảm thiểu tình trạng tảo hôn cần đưa tảo hôn vào giáo dục từ cấp tiểu học, THCS cùng với các nội dung bình đẳng giới, phòng chống bạo lực... Về lâu dài cần có cơ quan chịu trách nhiệm chung về vấn đề tảo hôn trong cả nước.
Để phòng ngừa, chấm dứt tảo hôn và kết hôn trẻ em, năm 2015 Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số” giai đoạn 2015 - 2025. Trong quá trình thực hiện Đề án đá thu hút được sự quan tâm của các tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam và sự phối hợp của một số Bộ, ngành liên quan. Tại một số địa phương có tỷ lệ tảo hôn và nguy cơ tảo hôn cao đã có nhiều nỗ lực trong việc giảm thiểu tình trạng tảo hôn, một số tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí đề thực hiện.
Đói nghèo, thất học là những hệ lụy của tảo hôn, kết hôn trẻ em.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc của Chính phủ Hà Hùng cho biết: “Tảo hôn đã làm hạn chế cơ hội học tập của trẻ em gái, làm các em mất đi các cơ hội được đào tạo và tìm được công việc làm ổn định. Tảo hôn cũng khiến các trẻ em gái dễ mang thai sớm khi cơ thể chưa phát triển toàn diện, điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển tinh thần và thể chất của các em. Tảo hôn cũng làm tăng nguy cơ bạo lực gia đình và các dạng bạo lực trên cơ sở giới. Bên cạnh đó, tảo hôn là vi phạm quyền trẻ em, nếu xét trên bình diện tổng thể thì tảo hôn còn tác động trực tiếp đến các vấn đề kinh tế - xã hội khác tạo thành một vòng luẩn quẩn của sự đói nghèo trong đồng bào DTTS. Đây cũng là nguyên nhân sâu xa làm suy giảm chất lượng nguồn nhân lực và sự phát triển bền vững vùng DTTS”.
Theo bà Shoko Ishikawa, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam: “Chìa khoá để phá vỡ chu trình tảo hôn và kết hôn trẻ em là tăng quyền năng và đầu tư cho phụ nữ và trẻ em gái. Mọi phụ nữ và trẻ em gái có nguy cơ hoặc chịu ảnh hưởng bởi kết hôn trẻ em và tảo hôn cần được tiếp cận những dịch vụ có chất lượng về giáo dục và đào tạo, tư vấn về pháp luật và y tế, kể cả tư vấn sức khỏe sinh sản và tình dục, nhà tạm lánh và các dịch vụ xã hội khác. Điều này đòi hỏi mọi cơ quan Chính phủ cần đảm bảo rằng quá trình lập kế hoạch, ngân sách, hoạch định chính sách, và giám sát việc thực hiện phản ánh được nhu cầu của trẻ em gái và trai, và việc đầu tư vào tăng quyền năng cho trẻ em gái cần được ưu tiên ở mọi khía cạnh và mọi lĩnh vực”.
Các đại biểu tham dự hội thảo đều thống nhất quan điểm, muốn phòng, chống tảo hôn và kết hôn trẻ em thì những khuyến nghị về cải cách chính sách và nghiên cứu trong thời gian sẽ được tổng hợp và giới thiệu với các Bộ, ngành, địa phương và tổ chức liên quan trong nước để có hành động cụ thể cho ngành, lĩnh vực cũng như từng địa phương.