Quảng Trị: Hiệu quả từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm
- Tra cứu phẫu thuật
- 02:22 - 09/01/2015
Đến thăm mô hình trồng cây lâm nghiệp kết hợp làm vườn chăn nuôi gia súc, gia cầm của ông Nguyễn Các, ở thôn Tràng Sòi, thị trấn Ái Tử (huyện Triệu Phong) chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng cũng như khâm phục ý chí vượt khó, vươn lên làm giàu của ông.
Từng trải qua những tháng ngày gian khó, nên khi có được đồng vốn để đầu tư sản xuất, ông Các rất trân trọng và cân nhắc kỹ lưỡng để làm sao sử dụng hiệu quả nguồn tín dụng ưu đãi của ngân hàng.
Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, tích góp mở rộng dần, hiện gia đình ông đã có được môt trang trại nông – lâm kết hợp ở vùng gò đồi Tràng Sòi, với tổng diện tích trên 70 ha, trong đó có 5 ha cao su, 65 ha rừng, 0,5 ha cây ăn quả, kết hợp chăn nuôi gà thả vườn và nuôi lợn.
Nhờ thu nhập từ mô hình trang trại này mà ông đã nuôi con ăn học thành đạt. Hiện nay, tổng thu nhập hàng năm của gia đình ông Các trên 500 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi gần 300 triệu đồng, bình quân thu nhập đầu người 12 triệu đồng/tháng.
Vườn cao su hơn 3 năm tuổi của gia đình ông Nguyễn Các.
Bên cạnh đó, trang trại của gia đình ông đã giải quyết việc làm theo thời vụ cho 5 lao động, bình quân thu nhập 3 triệu đồng/ người/tháng.Cách đó không xa là gia trại của chị Cao Thị Cúc, ở thôn Liên Phong, xã Triệu Ái. Chị Cúc từ xã Triệu Giang lên đây lập nghiệp, ban đầu gặp muôn vàn khó khăn, thử thách. Chị đã mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng rừng kết hợp chăn nuôi bò, lợn.
Đất đã không phụ công người, đến nay tổng thu nhập của gia đình chị lên đến 350 triệu đồng/năm. Với tiềm năng đất đai sẵn có và điều kiện môi trường thuận lợi đang thôi thúc chị mở rộng quy mô sản xuất để tăng nguồn thu nhập hơn nữa.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết hiện nay ở Triệu Phong đang phát động phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh, dịch vụ giỏi (SXKDDV) và toàn huyện đã có 9000 hộ đạt tiêu chí SXKDDV giỏi các cấp.
Trong đó có 92 hộ thu nhập bình quân đạt 6 triệu đồng/ người/tháng trở lên; 404 hộ bình quân thu nhập bình quân từ 3 - 6 triệu đồng/ người/tháng; 1481 hộ bình quân thu nhập 2 đến dưới 3 triệu đồng/ người/tháng; 7023 hộ bình quân thu nhập từ 1 đến dưới 2 triệu đồng/ người/tháng.
Nhiều địa phương có nhiều hộ đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh, dịch vụ giỏi” cao như xã Triệu Phước, Triệu Đông, Triệu Độ, Triệu Trung, Triệu An,...
Để có được sự thay đổi mang tính đột phá đó, ngoài sự cố gắng vượt khó vươn lên của người nông dân, người lao động thì phải nhắc đến vai trò của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, các hội và đặc biệt là nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước.
Trồng cây lâm nghiệp kết hợp nuôi gà mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Triệu Phong, tính đến hết tháng 1/2014, dư nợ cho vay giải quyết việc làm tại huyện là: 10.284 triệu đồng, với 580 khách hàng đang vay vốn.Là địa phương còn nhiều khó khăn, đời sống người dân còn thấp hơn nhiều so với các địa phương khác.
Vì vậy ngay từ khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, Quảng Trị đã chỉ đạo tất cả các địa phương triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả chương trình này. Nhờ đó các huyện như : Hải Lăng, Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa,... cũng đã đạt được những kết quả hết sức khả quan. Nhiều mô hình sản xuất – kinh doanh đã ra đời từ nguồn vốn vay này và đã tạo được công ăn việc làm cho người lao động, có nguồn thu nhập ổn định, nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo.
Qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh.Nhằm góp phần ổn định kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Trị đã tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, với tổng dư nợ vốn vay đạt 1.661,7 tỷ đồng cho 70.620 hộ gia đình.
Trong giai đoạn 2011 – 2015, ước thực hiện 86,646 triệu đồng vốn vay giải quyết việc làm, với hơn 7,321 lao động được tạo việc làm và tự tạo việc làm. Huyện Gio Linh là một trong những địa phương có dư nợ các chương trình tín dụng ưu đãi lớn trên địa bàn tỉnh.
Hiện tổng dư nợ tín dụng chính sách toàn huyện Gio Linh trên 223 tỷ đồng, với 13.558 hộ vay vốn, trong đó dư nợ hộ nghèo chiếm 25,8%.Theo số liệu của Cục Thống kê Quảng Trị, số người trong độ tuổi lao động của tỉnh năm 2015 là 359.000 người, đến năm 2020 là 372.472 người.
Trong khi đó tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của Quảng Trị vẫn còn cao. Điều này dẫn đến công tác giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo ở địa phương sẽ còn rất nhiều khó khăn. Do đó, chính sách cho vay giải quyết việc làm vẫn đóng vai trò quan trọng trong hành trình phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo của Quảng Trị.
Vì vậy, để nguồn vốn vay ưu đãi phát huy hiệu quả cao, đòi hỏi công tác điều tra, đánh giá đối tượng hộ nghèo, đối tượng có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất – kinh doanh thiết thực cần phải chính xác, đúng với thực tế.