THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:45

Quảng Ninh tích cực hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do Covid-19

Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch có ý nghĩa nhân văn và giá trị to lớn. Các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh Quảng Ninh đang linh hoạt, chủ động phối hợp triển khai để kịp thời đưa chính sách hỗ trợ đến đối tượng thụ hưởng.

Quảng Ninh tích cực hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do Covid-19 - Ảnh 1.

Người lao động Công ty CP Bến xe Quảng Ninh nhận hỗ trợ do tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do đại dịch Covid-19.

Theo ông Vũ Sỹ Hùng, Trưởng phòng Lao động, việc làm, tiền lương, Bảo hiểm xã hội (Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh), để cụ thể Nghị quyết 68/NQ-CP, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 42/QĐ-UBND ngày 16/8/2021 về việc hỗ trợ NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng đặc thù khác gặp khó khăn do Covid-19. Theo Quyết định, mức hỗ trợ được chia theo 2 nhóm đối tượng. Với nhóm đối tượng nằm trong danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo theo kết quả rà soát của tỉnh đến cuối năm 2020 và phát sinh trong đầu năm 2021 mà không được hưởng chế độ trợ cấp đặc biệt khác (trợ cấp người có công, trợ cấp BHXH, trợ cấp xã hội hằng tháng...) được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người.

Đối với nhóm đối tượng là lao động tự do, cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh đang làm những công việc: Thu gom rác, phế liệu; bốc vác; vận chuyển hàng hoá; lái xe mô tô 2 bánh, 3 bánh chở khách, xe xích lô chở khách; bán lẻ xổ số lưu động; người làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe, cắt tóc trên vỉa hè hoặc trong chợ; bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không cố định, làm việc tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; thợ thuyền tại công trình xây dựng... phải nghỉ việc, mất việc do phải cách ly y tế hoặc phải dừng, tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo phòng chống dịch trong thời gian từ 1/5 đến 31/12/2021, được hỗ trợ 50.000 đồng/người/ngày và số tiền hỗ trợ không quá 3,7 triệu đồng/người...

Nhằm kịp thời triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ của Chính phủ, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) tỉnh, Cục Thuế tỉnh cùng các địa phương rà soát các đối tượng cần hỗ trợ. Tính đến ngày 26/8, đã liên hệ và rà soát được 1.599 doanh nghiệp, người sử dụng lao động; trong đó 24 doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn với số tiền trên 7 tỷ đồng để trả lương cho 2.388 lượt NLĐ.

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh còn triển khai những chính sách riêng đặc thù, không để ai bị bỏ lại phía sau. Hiện tỉnh đã hỗ trợ 215.511 đối tượng, với trên 30,6 tỷ đồng. Trong đó, Ngân hàng CSXH tỉnh rà soát, tiếp cận hướng dẫn người sử dụng lao động hoàn thiện hồ sơ vay vốn, giải ngân cho vay trả lương ngừng việc cho 14 doanh nghiệp với 225 lao động, trên 2,364 tỷ đồng. Đây là sự hỗ trợ kịp thời, đúng và trúng đối tượng, giúp NLĐ, doanh nghiệp vượt qua khó khăn bởi đại dịch.

Bà Vũ Thị Lan (74 tuổi) ở tổ 1 khu 6, phường Đại Yên, TP. Hạ Long, một mình nuôi 3 cháu mồ côi, trong đó, có 1 cháu mồ côi cha mẹ được hưởng chế độ bảo trợ xã hội hàng tháng. Bản thân bà Lan được hưởng chính sách hộ nghèo cho người ngoài 70 tuổi. Còn lại hai cháu đang học cấp hai, một cháu mồ côi bố và một mồ côi mẹ không có chế độ bảo trợ. Trong đợt hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch, hai cháu của bà Lan thuộc diện hộ nghèo được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/cháu. Số tiền này đã giúp bà Lan có tiền để mua sách vở, đồng phục cho các cháu vào năm học mới. Bà Lan xúc động chia sẻ, với bà và các cháu, số tiền hỗ trợ này rất ý nghĩa, kịp thời, nếu không có thì bà cũng chưa biết phải xoay xở ra sao.

Anh Nguyễn Minh Tuân, nhân viên Khách sạn Hải Yến (TP Cẩm Phả), cho biết: Từ tháng 5 tôi phải nghỉ việc, gia đình rất chật vật do không có thu nhập. Ngày 25/8, tôi được nhận 3 tháng lương cơ bản tương đương với 11,760 triệu đồng từ nguồn vay trả lương ngừng việc do đơn vị sử dụng lao động chi trả. Hỗ trợ này giúp gia đình tôi bớt khó khăn, các con được chăm lo tốt để vào năm học mới.

Trong khi đó, HTX Dịch vụ vận tải Thanh Sơn (TP Uông Bí) được nhận hỗ trợ vay vốn gần 83 triệu đồng để trả lương ngừng việc cho 11 NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch. Ông Đoàn Văn Dũng, Giám đốc HTX Dịch vụ vận tải Thanh Sơn, chia sẻ: Nghị quyết số 68/NQ-CP thực sự là điểm tựa để người dân, doanh nghiệp có thêm nguồn lực ứng phó với dịch bệnh.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, NLĐ và người sử dụng lao động phải đối mặt với khó khăn. Do đó, sự hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời của Nhà nước lúc này có ý nghĩa quan trọng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Việt Cường

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh