Tuyên Quang khẩn trương hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết 68
- Dược liệu
- 14:07 - 20/08/2021
Vợ chồng chị Chu Thị Lê và Lâm Văn Điệp, dân tộc Cao Lan ở thôn 18, xã Kim Phú (TP. Tuyên Quang) từng làm việc tại Công ty Hosiden Việt Nam và bị nhiễm Covid-19. Sau khi điều trị, sức khỏe của hai vợ chồng đã ổn định nhưng cuộc sống rất khó khăn vì phải nuôi con nhỏ, thu nhập không có. Khi Nghị quyết 68 và Quyết định số 23 chính thức có hiệu lực, vợ chồng chị Lê là một trong những trường hợp được nhận tiền hỗ trợ đợt đầu. Chị Lê nói: "Gia đình tôi rất xúc động trước sự quan tâm hỗ trợ kịp thời của các cấp, các ngành của tỉnh. Chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch là hết sức ý nghĩa, giúp đỡ gia đình chị vượt qua khó khăn trước mắt, ổn định cuộc sống".
Cũng như gia đình chị Lê, chị Hoàng Thị Sứ ở tổ 13, thị trấn Na Hang (Huyện Na Hang) làm nghề làm đậu phụ. Dịch dã căng thẳng, vợ chồng chị tiếp xúc với F0 và phải thực hiện cách ly tập trung, cuộc sống càng thêm khó khăn. Hết thời gian cách ly trở về nhà, vợ chồng chị được nhận hỗ trợ kịp thời với số tiền 3,36 triệu đồng. Đây là sự động viên lớn giúp gia đình chị vượt qua khó khăn để ổn định cuộc sống.
Hay như vợ chồng chị Bàn Thị Phương, dân tộc Dao ở thôn Bản Bon, xã Phúc Yên (Lâm Bình) trước đây làm công nhân tại tỉnh Bắc Giang bị nhiễm Covid-19. Sau thời gian điều trị, anh chị trở về địa phương. Do thuộc diện hộ nghèo, vợ chồng chị đã được hỗ trợ ngay trong đợt đầu.
Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23 quy định, đối với chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, có đăng ký thuế và phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 được ngân sách Nhà nước hỗ trợ một lần 3.000.000 đồng/hộ. Cùng với đó, người sử dụng lao động được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương ngừng việc đối với NLĐ đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên theo quy định khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động, trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022...
Tỉnh Tuyên Quang có hơn 4.400 hồ sơ đề nghị được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ NLĐ, doanh nghiệp khó khăn vì Covid-19. Trong đó có 1.150 đối tượng hộ kinh doanh; đối với chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất không có đối tượng nộp hồ sơ.
Bà Lý Thị Hải Hiền, Trưởng Phòng Lao động (Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tuyên Quang) cho biết, qua rà soát, tổng hợp, các cơ quan, đơn vị đã trình UBND tỉnh thẩm định, phê duyệt, đảm bảo việc triển khai thực hiện NQ số 68 và QĐ số 23/2021/QĐ-TTg của Chính phủ nhanh chóng, kịp thời và đúng quy định. Tổng số tiền dự kiến chi trả cho các đối tượng là hơn 9,6 tỷ đồng.
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tuyên Quang, hiện toàn tỉnh có gần 29.000 đối tượng gồm các F0, F1, NLĐ, viên chức hoạt động nghệ thuật, hộ kinh doanh đã được chi trả hỗ trợ.
Ông Hoàng Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh cho biết, thời gian tới Sở tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các quyết định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng lao động đặc thù khó khăn do đại dịch; phối hợp với các sở ngành, UBND các huyện thành phố thực hiện chi trả kịp thời, đúng đối tượng, đảm bảo công khai, minh bạch… Nghị quyết 68 không chỉ bám sát thực tiễn để đưa ra gói hỗ trợ đồng bộ của Chính phủ mà còn thể hiện tính nhân văn của chính sách, với phương châm "Không để ai bị bỏ lại phía sau".
Việt Cường
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ