THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:25

Quảng Ninh tích cực đổi mới công tác cai nghiện ma túy

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh, năm 2021, các cơ sở cai nghiện ma túy của tỉnh đã tổ chức tiếp nhận 674 lượt người (đạt 96,3% chỉ tiêu) vào cai nghiện tự nguyện và bắt buộc; số người cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng là 209 lượt người. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh có tổng cộng 515 người đang cai nghiện, trong đó tiếp nhận mới là 278 người (178 người cai tự nguyện, 50 người cai bắt buộc, 50 người nghiện không nơi cư trú).

Để nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân về công tác cai nghiện, thời gian qua Quảng Ninh đã tập trung tuyên truyền về quan điểm, thay đổi nhận thức công tác cai nghiện: xem người nghiện ma túy là người mắc bệnh mãn tính do rối loạn của não bộ; điều trị cai nghiện ma túy là một quá trình lâu dài; thực hiện đa dạng hóa các biện pháp và mô hình điều trị cai nghiện ma túy, trong đó tăng dần điều trị cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng; giảm dần điều trị cai nghiện bắt buộc tại trung tâm cai nghiện nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự thống nhất thực hiện quan điểm đổi mới công tác cai nghiện trong tình hình hiện nay. Từ đó có thể thấy công tác tuyên truyền đã được các cấp, các ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố đổi mới, tập trung thực hiện với nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng như: mở hội nghị tuyên truyền trực tiếp; tuyên truyền lưu động, tổ chức xuống đường; tuyên truyền thông qua hệ thống phát thanh, truyền hình; xây dựng cụm pa nô, áp phích nâng cao nhận thức, ý thức của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, chống kỳ thị phân biệt đối xử, thân thiện, tạo điều kiện và giúp đỡ người nghiện và gia đình người nghiện tham gia cai nghiện ma túy…

Bên cạnh đó, nhằm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho người nghiện ma túy được tiếp cận, kết nối với các dịch vụ y tế, xã hội ngay tại cộng đồng, hỗ trợ điều trị cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, hoặc cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện ma túy, toàn tỉnh đã duy trì hoạt động của 25 đội công tác xã hội tình nguyện, 6 mô hình điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng và 9 CLB hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy ở các phường, xã, thị trấn tại TP Hạ Long, TP Cẩm Phả, TP Uông Bí, thị xã Quảng Yên, huyện Vân Đồn và thị xã Đông Triều. Hằng năm, các CLB đều rà soát, kiện toàn ban chủ nhiệm và bổ sung danh sách thành viên là người hoàn thành cai nghiện trở về địa phương tham gia sinh hoạt. Từ đó, hỗ trợ, kết nối dịch vụ về y tế, vay vốn, phát triển kinh tế, giới thiệu việc làm, học nghề, phòng ngừa tái nghiện cho các thành viên CLB...  Tỉnh cũng xây dựng mới thí điểm Mô hình “Dự phòng nghiện ma túy, tệ nạn xã hội”; gắn kết xây dựng mô hình phòng, chống tệ nạn xã hội với xây dựng Mô hình An ninh cơ sở.

Các học viên Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Ninh trong giờ lao động trị liệu

Các học viên Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Ninh trong giờ lao động trị liệu

Các địa phương trong tỉnh cũng rất quan tâm đến công tác quản lý người sau cai nghiện khi trở về. Nhiều địa phương còn huy động các tổ chức, cá nhân tham gia giúp đỡ, tạo điều kiện cho người sau cai nghiện được học nghề, tạo việc làm và tham gia các mô hình, câu lạc bộ sau cai nghiện cùng các hoạt động khác, nhằm giúp người sau cai nghiện tự tin hơn trong tái hòa nhập cộng đồng.

Phát huy những kết quả đã đạt được, Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch Số: 146/KH-UBND ngày 20/5/2022 thực hiện công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh năm 2022 với mục tiêu quan trọng là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, người dân trong công tác phòng, chống ma túy; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện; hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm và các vấn đề xã hội sau cai; phòng, chống tái nghiện, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự và an toàn xã hội trên địa bàn.

Kế hoạch đặt ra chỉ tiêu cai nghiện ma túy cho 900 lượt người trong năm 2022, trong đó cai nghiện tập trung cho 750 lượt người, cai nghiện tại gia đình, cộng đồng cho 150 lượt người; 100% người sau cai nghiện ma túy có nhu cầu đều được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; đào tạo nghề cho 360 người nghiện ma túy; giải quyết việc làm cho 420 người sau cai nghiện. Phấn đấu 100% người hoàn thành cai nghiện ma túy hoặc người đã hoàn thành điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế được quản lý sau cai tại nơi cư trú.

Để thực hiện được các mục tiêu này, tỉnh sẽ tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ trực tiếp làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh, trong đó ưu tiên đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy, nhóm cộng tác viên, người có uy tín trong cộng đồng, cán bộ làm công tác tuyên truyền tại cơ sở, thành viên Đội tình nguyện, các nhóm, câu lạc bộ thuộc mô hình cai nghiện ma túy và hỗ trợ người sau cai. Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở trong quản lý, thực hiện công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện, trong đó UBND cấp huyện sẽ quyết liệt chỉ đạo, thực hiện các nội dung hỗ trợ, ưu tiên dạy nghề, vay vốn, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện tại nơi cư trú. Hỗ trợ, kết nối, cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tư vấn, trị liệu tâm lý; trợ giúp pháp lý; tư vấn, định hướng, hỗ trợ giáo dục, giáo dục nghề nghiệp; thông tin, tư vấn, giới thiệu việc làm; vay vốn, giải quyết việc làm và các dịch vụ khác cho người sau cai nghiện ma túy để họ có điều kiện tái hòa nhập cộng đồng bền vững. Khuyến khích, vận động các doanh nghiệp tham gia dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện tại cộng đồng; chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã phân công cho các đoàn thể, tình nguyện viên, thanh niên tình nguyện tư vấn quản lý, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy, nhằm giảm tỷ lệ tái nghiện.

Minh Anh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh