CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:51

Quảng Ninh quan tâm, đầu tư cho trẻ em

 

Theo số liệu thống kê, Quảng Ninh hiện có 328.928 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 24% dân số toàn tỉnh. Trong đó có 3.175 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, 10.716 trẻ có nguy cơ cao rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Với mong muốn sẻ chia, bù đắp phần nào những thiếu thốn, bất hạnh của trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện các chính sách trợ cấp xã hội; hỗ trợ chỉnh hình, phục hồi chức năng, đào tạo nghề… Các cấp, ngành, địa phương, cộng đồng xã hội trong tỉnh đã chung tay bảo vệ, chăm sóc, giáo dục giúp các em phát triển toàn diện cả thể chất và tinh thần.

Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn học nghề tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

 

Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều mô hình bảo vệ chăm sóc trẻ em tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả thiết thực cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nguy cơ cao rơi vào hoàn cảnh đặc biệt tại cộng đồng, như: Phòng ngừa, hỗ trợ trẻ em bị nhiễm, ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn dựa vào cộng đồng; cá nhân và gia đình nhận nuôi có thời hạn đối với trẻ có hoàn cảnh đặc biệt… Đơn cử, mô hình tâm lý trị liệu cho trẻ tự kỷ, rối nhiễu tâm trí được triển khai từ năm 2013 đã khám, sàng lọc, tư vấn cho 209 trẻ, đánh giá sâu cho 47 trẻ có biểu hiện chậm phát triển, trị liệu và can thiệp cho 10 trẻ; hay như mô hình dạy nghề gắn với việc làm cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn triển khai từ 2016 đã khảo sát nhu cầu học nghề của 700 trẻ, qua đó hỗ trợ dạy nghề cho 60 trẻ.

Cùng với đó, tỉnh duy trì tổ chức các hoạt động đỡ đầu thường xuyên, thăm tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Từ năm 2013 đến nay, đã vận động đỡ đầu thường xuyên 1.726 trẻ với mức trung bình từ 150.000 - 200.000 đồng/trẻ/tháng. Riêng trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2018, có trên 200.000 lượt trẻ có hoàn cảnh đặc biệt được hỗ trợ, tặng quà với số kinh phí gần 3 tỷ đồng; 4.748 trẻ được trợ giúp với số tiền 4,74 tỷ đồng. Tiêu biểu như: TP Móng Cái phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp trao tặng 228 suất quà cho trẻ trị giá 167,5 triệu đồng, trao học bổng cho 27 trẻ vượt khó trị giá 75 triệu đồng; Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh tặng 90 xe đạp, 56 góc học tập,113 suất học bổng cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn tại các địa phương...

Nhờ sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, ngành, địa phương, nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn tỉnh đã ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, đồng thời thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa các em và trẻ khác tại nơi cư trú. Hiện tỷ lệ trẻ có hoàn cảnh đặc biệt giảm xuống còn 0,98%; 95% trẻ có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, tái hòa nhập và có cơ hội phát triển, ước đạt 100% đến năm 2020.

Không chỉ quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần trẻ em mà quyền của trẻ cũng được tỉnh Quảng Ninh quan tâm thực hiện. Hằng năm, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức nhiều hoạt động vì trẻ em và thúc đẩy quyền tham gia của trẻ: Hội thi đội tuyên truyền măng non cấp tỉnh, huyện 2 năm/lần, diễn đàn trẻ em các cấp theo định kỳ, Đại hội cháu ngoan Bác Hồ, hội thi họa my vàng, hội thi tin học trẻ... Cùng với đó, Hội đồng Trẻ em tỉnh được thành lập và ra mắt tháng 1/2018 gồm 30 thành viên từ 9-15 tuổi là trẻ em tiêu biểu trong các lĩnh vực: Học tập, hoạt động đội, công tác xã hội, văn hóa, nghệ thuật được lựa chọn từ 14 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Các thành viên của Hội đồng đã tổ chức tiếp xúc, lấy ý kiến của đại biểu trẻ em tại địa phương để tổng hợp gửi đến Diễn đàn trẻ em năm 2018 và gửi báo cáo kiến nghị của trẻ em đến kỳ họp HĐND tỉnh.

Lớp học võ Teakwondo dành cho trẻ em tại thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn.

 

Quảng Ninh được đánh giá là tỉnh đi đầu trong toàn quốc có những giải pháp thiết thực, cụ thể tăng cường công tác BVCSTE: Bố trí bộ máy tổ chức để thực hiện công tác này đến tận thôn, bản, khu phố; ban hành chính sách riêng cho trẻ theo đặc thù của tỉnh; bố trí ngân sách thực hiện các mục tiêu vì trẻ em; phát triển các dịch vụ trợ giúp trẻ em đáp ứng nhu cầu của trẻ.

Đến nay, các mục tiêu vì trẻ em của tỉnh Quảng Ninh đều đạt những kết quả khả quan: Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ dưới 5 tuổi giảm từ 15,1% năm 2013 xuống còn 12,9% năm 2017; tỷ lệ trẻ ở độ tuổi mẫu giáo được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở mầm non đạt 92,09% (vượt 2,29% so với mục tiêu đến năm 2020); tỷ lệ trẻ bị tai nạn thương tích giảm.

Tính đến năm 2017 số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em là 175 xã, phường, thị trấn (đạt 94,1%). Có 92,8% trung tâm văn hóa, vui chơi cấp huyện và 98% nhà văn hóa thôn tổ chức sinh hoạt văn hóa, vui chơi cho trẻ em.

Để đạt được những kết quả trên, phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã tham mưu cho lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH kiểm tra chuyên ngành tại cấp huyện, xã về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em: Việc thực hiện Chương trình hành động vì trẻ em, chính sách, pháp luật và quy trình cung cấp dịch vụ; việc thực hiện chế độ ghi chép, lưu trữ thông tin, dữ liệu; kiểm tra quy trình xét duyệt, công nhận các tiêu chí xã, phường phù hợp với trẻ em năm 2018; chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở tổ chức Tết Trung thu cho trẻ em và các hoạt động hưởng ứng Ngày toàn dân đưa trẻ em đến trường; phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức Hội nghị tuyên dương học sinh giỏi vượt khó là con công nhân viên chức lao động trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2018.

KHÁNH VÂN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh