THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 08:05

Khởi động Dự án “thúc đẩy và bảo vệ quyền trẻ em tại Việt Nam”

 

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà thông tin, việc thực hiện quyền trẻ em ở Việt Nam bên cạnh những kết quả đạt được hiện vẫn còn nhhững thách thức cần giải quyết.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà phát biểu tại hội thảo khởi động Dự án

 

Đó là, khuôn khổ pháp luật quốc gia trên cơ sở các chuẩn mực quốc tế về quyền trẻ em còn những khoảng trống. Thiếu các tiêu chuẩn, quy định và quy trình liên ngành cho một hệ thống chăm sóc toàn diện, từ khâu ngăn ngừa, phát hiện sớm, báo cáo, can thiệp, chuyển tuyến cho đến các dịch vụ phục hồi chức năng, dịch vụ chuyên biệt và theo dõi, hỗ trợ lâu dài cho trẻ em. Hạn chế về tính đồng bộ, thống nhất các thông tin, số liệu về quyền trẻ em giữa các bộ, ngành cũng là một trở ngại lớn cho công tác theo dõi đánh giá việc thực hiện quyền trẻ em. Việc phân bổ và sử dụng nguồn lực cho việc thực hiện quyền trẻ em còn hạn chế.

Đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH chỉ ra rằng, theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, hiện Việt Nam vẫn có hàng triệu trẻ em thiếu hụt hoặc chưa được tiếp cận các dịch vụ về giáo dục, y tế, dinh dưỡng, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường, hay hòa nhập xã hội. Hệ thống an sinh xã hội nói chung chưa toàn diện, diện bao phủ của trợ giúp xã hội chưa mở rộng. Mức hỗ trợ còn thấp, chưa bảo đảm được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu.

Hệ thống bảo vệ trẻ em và trợ giúp xã hội với các dịch vụ còn hạn chế dẫn đến việc triển khai các giải pháp phòng tránh, hỗ trợ và bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chưa thực sự hiệu quả.

Nhận thức, kiến thức và năng lực cộng đồng nói chung về thực hiện quyền trẻ em và tham gia giải quyết các vấn đề của trẻ em vẫn còn hạn chế.

Quang cảnh hội thảo khởi động Dự án

 

“Để hiện thực hóa quyền trẻ em tại Việt Nam, việc giải quyết những vấn đề nêu trên là vô cùng cần thiết trong giai đoạn tới khi mà Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Việc thúc đẩy thực hiện quyền trẻ em cũng chính là góp phần giải quyết tình trạng bất bình đẳng và thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững. Bên cạnh đó, giải quyết các vấn đề trẻ em nêu trên cũng sẽ góp phần thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 từ khía cạnh công bằng xã hội và quan trọng hơn là góp phần thực hiện Luật trẻ em có hiệu lực từ ngày 1/6/2017”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.

Dự án “Thúc đẩy và bảo vệ quyền trẻ em tại Việt Nam” hợp tác giữa Bộ LĐ-TB&XH và Quỹ Nhi đồng của Liên hợp quốc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 320/QĐ-TTg năm 2018. Bộ LĐTB&XH đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức UNICEF và các cơ quan đồng thực hiện để xây dựng hoàn thiện Văn kiện Dự án này. Dự án đặt mục tiêu góp phần xây dựng môi trường pháp luật, chính sách toàn diện có khả năng bảo vệ cho mọi trẻ em, cùng với cải thiện năng lực và trách nhiệm giải trình của Nhà nước đối với việc thực hiện quyền trẻ em Việt Nam.

Theo đó, các kết quả chính mà Dự án sẽ mang lại là: Xây dựng và thực thi các chính sách pháp luật, chương trình nhằm đảm bảo thực hiện quyền trẻ em tại Việt Nam và tăng cương công tác điều phối, theo dõi, giám sát việc thực hiện các chính sách pháp luật, chương trình này.

Đổi mới các biện pháp an sinh xã hội góp phần giải quyết vấn đề nghèo đa chiều và dễ bị tổn thương ở trẻ em Việt Nam. Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống bảo vệ trẻ em. Phát triển và cung cấp các dịch vụ bảo vệ trẻ em và các dịch vụ tư pháp thân thiện với trẻ em. Tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức nhằm thay đổi các tập quán văn hóa xã hội là rào cản cho sự phát triển của trẻ em. Cùng với việc thực hiện các chương trình, dự án khác nhau về trẻ em, Dự án “Thúc đẩy và bảo vệ quyền trẻ em tại Việt Nam” giai đoạn 2018-2021 do UNICEF tài trợ sẽ góp phần thúc đẩy và bảo vệ tốt hơn nữa quyền của trẻ em Việt Nam và các mục tiêu Phát triển bền vững có liên quan đến trẻ em.

Phó trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam Lesley Miller cam kết, UNICEF sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ Việt Nam thực hiện tốt hơn quyền trẻ em. Dự án “Thúc đẩy và bảo vệ quyền trẻ em tại Việt Nam” được triển khai từ năm 2018 – 2021 tại cấp Trung ương và 6 địa phương: Kon Tum, Gia Lai, Điện Biên, Lào Cai, Đồng Tháp và Đà Nẵng. Nguồn vốn ODA không hoàn lại là hơn 16,3 triệu USD; vốn đối ứng là 21,8 tỷ đồng.

“Triển khai Dự án sẽ giúp nâng cao nhận thức cộng đồng và người dân về quyền trẻ em. Các bộ, ban, ngành và địa phương sẽ cùng vào cuộc, phối hợp cùng nhau giải quyết các vấn đề liên quan đến trẻ em. Dự án “Thúc đẩy và bảo vệ quyền trẻ em tại Việt Nam” khá phức tạp với sự tham gia của nhiều đơn vị có liên quan. Vì thế, các đơn vị cần nỗ lực để tránh những điểm nghẽ trong quá trình thực hiện dự án”, bà Lesley Miller nhấn mạnh.

VÂN KHÁNH - MẠNH DŨNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh