THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:42

Quảng Ninh: Nâng cao tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý trong tình hình mới

Quảng Ninh nâng cao tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý .

Quảng Ninh nâng cao tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý .

Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, cụ thể hóa các chỉ đạo của Trung ương về công tác phụ nữ. Đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến công tác phụ nữ và công tác cán bộ nữ; quy định rõ trách nhiệm của cấp ủy các cấp, nhất là người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác rà soát, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn, thực hiện luân chuyển, bố trí cán bộ nữ vào các vị trí để rèn luyện, đào tạo từ thực tiễn; bố trí cán bộ nữ tham gia cơ cấu cấp ủy, HĐND khóa mới để đảm bảo tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và HĐND nhiệm kỳ 2021-2026.

Hiện nay, số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý là 71/363 đồng chí, chiếm 19,56%. Trong 2 nhiệm kỳ qua, tỉnh Quảng Ninh đều có tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy, đại biểu HĐND nữ cao hơn quy định. Trong đó, nữ cấp ủy nhiệm kỳ 2015-2020 ở cấp cơ sở chiếm 25,2%, cấp huyện chiếm 19,08% và cấp tỉnh chiếm 17%. Còn ở nhiệm kỳ 2020-2025, nữ cấp ủy cấp cơ sở chiếm 29,3%, cấp huyện chiếm 22% và cấp tỉnh là 17%. Nữ đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 ở cấp cơ sở chiếm 33,43%, cấp huyện chiếm 31,33%, cấp tỉnh chiếm 36%. Nhiệm kỳ 2021-2026, cấp cơ sở là 36%, cấp huyện là 34% và cấp tỉnh là 40,9%.

Hiện nay, cả 4 cơ quan lãnh đạo cấp tỉnh là Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Đoàn ĐBQH tỉnh, đều có nữ lãnh đạo chủ chốt. Nữ lãnh đạo chủ chốt các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh hiện có 42/193 người, chiếm 21,76%. Trong đó có 9 đồng chí nữ giữ chức danh cấp giám đốc sở và tương đương; nữ lãnh đạo chủ chốt cấp huyện là 13/98 người (13,3%); nữ lãnh đạo chủ chốt cấp xã là 190/981 người (19,37%). 82,22% cán bộ chủ chốt các sở, ngành, đoàn thể tỉnh đều có trình độ đào tạo sau đại học.  Đặc biệt, thời gian qua, Quảng Ninh chú trọng thực hiện chủ trương đổi mới quy trình, nâng cao chất lượng đề bạt, lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ thông qua thi tuyển (Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong toàn quốc thực hiện) nhằm tạo bước đột phá trong quy trình cán bộ để lựa chọn những cán bộ có phẩm chất, đạo đức, năng lực nổi trội bổ sung cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Đến nay đã bổ nhiệm 12 đồng chí cán bộ nữ vào chức danh lãnh đạo sở, ngành, thông qua thi tuyển, chiếm 36,36%.

Để đạt được những kết quả nêu trên, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế đặc thù hỗ trợ phụ nữ tham gia học tập và các hoạt động kinh tế, chính trị xã hội. Tỉnh ủy Quảng Ninh đã Chỉ đạo Ban tổ chức Tỉnh ủy và Sở Nội vụ tiến hành rà soát hằng năm và giai đoạn về nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng, công tác quy hoạch, dự nguồn cán bộ. Ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn lồng ghép chính sách ưu tiên đối với cán bộ nữ, thực hiện bình đẳng giữa nam và nữ về độ tuổi trong quy hoạch, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm: đối với các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có lãnh đạo chủ chốt là nữ, quy định về cơ cấu Ban Thường vụ cấp ủy nhất thiết phải có nữ, tỉ lệ nữ trong quy hoạch cấp ủy, Ban Thường vụ cấp ủy và tập thể lãnh đạo chính quyền các cấp không dưới 15%.

Từ năm 2018 đến nay, tỉnh đã cử 381 cán bộ, công chức nữ đi đào tạo cao cấp lý luận chính trị (chiếm 32.93%); cử 190 cán bộ nữ đương nhiệm và trong quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý của tỉnh tham gia các lớp bồi dưỡng cán bộ nguồn của tỉnh (chiếm 35,32%); cử 489 cán bộ nữ đi học tập, bồi dưỡng ở nước ngoài theo chương trình Đề án 293 của tỉnh và Đề án 165 Trung ương (chiếm 36%) ; cử 68 cán bộ nữ đi bồi dưỡng quốc phòng an ninh đối tượng 1,2 (chiếm 20,48%). Ngoài ra, mỗi năm còn cử hàng trăm lượt cán bộ nữ đi bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước chương trình chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp, bồi dưỡng ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức hội nhập quốc tế... Năm 2022, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh chủ trì, phối hợp với trường Đại học Hạ Long tham mưu cho tỉnh tổ chức 02 lớp bồi dưỡng cho trên 200 cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp tỉnh, huyện, cơ sở về kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý và ứng dụng công nghệ số.

Bên cạnh đó, tỉnh luôn quan tâm tới công tác xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số. 100% cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số được đào tạo, phát triển tại chỗ và đảm bảo về phẩm chất chính trị cũng như năng lực chuyên môn, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay. Việc thực hiện các chính sách, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ và luân chuyển, bổ nhiệm đối với người DTTS được quan tâm, chú trọng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cán bộ, công chức làm việc tại địa phương phát huy vai trò thế mạnh là người bản địa.

Để đạt mục tiêu đến năm 2025, đạt ít nhất 60%, đến năm 2030 đạt ít nhất 75% cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ; tỷ lệ cán bộ nữ trong diện quy hoạch các chức danh quản lý, lãnh đạo các cấp đạt ít nhất 40% vào năm 2025 và đạt ít nhất 50% vào năm 2030... tỉnh đang tập trung xây dựng Đề án "Phát triển đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ, cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ dân tộc thiểu số"; nghiên cứu, triển khai thí điểm các mô hình rèn luyện, đào tạo lãnh đạo nữ trẻ đối với cán bộ công chức và sinh viên; rà soát, xây dựng quy hoạch cấp ủy, cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2025-2030 (2026-2031) đảm bảo tỷ lệ nữ trong quy hoạch...

Cùng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự nỗ lực vươn lên của chị em phụ nữ, đến nay, tỷ lệ cán bộ nữ của tỉnh được bố trí vào các chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo, quản lý trong cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng. Với sự tham gia của phụ nữ vào thống chính trị cũng như mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Ninh.

PHƯƠNG ANH

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh