TP. HCM: Hội thảo nữ lãnh đạo và quản lý trong tình hình mới
- Dược liệu
- 21:53 - 13/09/2018
Ngày 13/9, tại Nhà khách người có công (quận 1, TP.HCM) diễn ra “Hội thảo nữ lãnh đạo và quản lý trong tình hình mới”, với nhiều chuyên đề liên quan đến bình đẳng giới trong công cuộc quản lý, lãnh đạo.
Tại buổi hội thảo có sự tham dự của ông Trịnh Minh Chí (phó trưởng Ban vì sự tiến bộ phụ nữ Bộ LĐ – TB &XH, bà Vũ Phương Ly (cán bộ cấp cao của UN Women tại Việt Nam), bà Tôn Nữ Thị Ninh (Chủ tịch quỹ Hòa Bình – phát triển TP.HCM), gần 100 phụ nữ đang là cán bộ lãnh đạo trên địa bàn TP.HCM.
Hội thảo tập trung bàn luận đến các chuyên đề như: Phụ nữ tham gia lãnh đạo quản lý ở Việt Nam – Thực trạng và các vấn đề đặt ra. Ảnh hưởng của truyền thông đối với hình ảnh tham chính lãnh đạo…
Hội thảo có sự tham dự của ông Trịnh Minh Chí (phó trưởng Ban vì sự tiến bộ phụ nữ Bộ LĐ – TB &XH, bà Vũ Phương Ly (cán bộ cấp cao của UN Women tại Việt Nam), bà Tôn Nữ Thị Ninh (chủ tịch quỹ Hòa Bình – phát triển TP.HCM).
Tại hội thảo, bà Vũ Phương Ly nêu quan điểm về bình đẳng giới ở Việt nam là rất cần thiết: “Bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới, cơ hội để phụ nữ có tiếng nói và tham gia lãnh đạo trong các lĩnh vực, Với sự tham gia và đại diện của phụ nữ ngày càng tăng trong xã hội và đời sống, phụ nữ càng có thể nêu tốt hơn những vấn đề về quyền sinh sản, chăm sóc con cái, trả lương công bằng, và chế độ nghỉ hưu”.
Phụ nữ không chỉ sinh ra để làm công việc gia đình, không nên rập khuôn quan điểm “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” mà phụ nữ cũng có thể tham gia tốt công việc xã hội. Phụ nữ ngày nay phải “giỏi việc nước, đảm việc nhà” những việc đàn ông làm được thì phụ nữ cũng sẽ làm được, không nên đối xử bất bình đẳng nam, nữ trong công cuộc lãnh đạo, công việc xã hội cũng như các vấn đề trong đời sống.
Cũng tại hội thảo, bà Tôn Nữ Thị Ninh nêu ra nội dung: Trong quá trình phát triển của đất nước, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, tạo điều kiện để thực hiện tốt hơn mục tiêu bình đẳng giới.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Việt Nam đã và đang từng bước nỗ lực thúc đẩy thực hiện cam kết quốc tế thông qua việc xây dựng, hoàn thiện và thực thi hệ thống chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ nói chung, về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị nói riêng.
Ông Trịnh Minh Chí tặng quà cảm ơn bà Tôn Nữ Thị Ninh.
Trong thời kỳ đổi mới, chủ trương về công tác phụ nữ và bình đẳng giới được thể hiện xuyên suốt trong các văn kiện, chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Đặc biệt Đảng luôn chú trọng đến vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ nữ tương xứng với lực lượng phụ nữ trong xã hội, có phẩm chất, trình độ và năng lực tham gia mọi lĩnh vực trong đời sống.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về bình đẳng giới, hỗ trợ việc nâng cao năng lực ch nữ lãnh đạo trẻ thông qua việc thực hiện các chương trình, dự án nâng cao năng lực.
Hiến pháp 2013, Luật Bình đẳng giới, Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X "Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" đã đưa ra chỉ tiêu: phấn đấu đến năm 2020, nữ đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp từ 35% đến 40%. Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2011- 2020 cũng xác định phấn đấu tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 là trên 35%.
Theo số liệu thống kê, về sự tham gia của phụ nữ trong Quốc hội, Việt Nam đã có sự tiến bộ đáng kể trong việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử, từ con số 3% nữ đại biểu Quốc hội tham gia khóa I đến tỷ lệ 26,72% đại biểu Quốc hội khoá là nữ của Quốc hội khóa XIV. Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử, chúng ta có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân là nữ.
Hội thảo lần này, tham luận của các đại biểu cũng nêu ra những người phụ nữ thành công, và những chia sẽ của họ, giúp cho nhiều chị em phụ nữ tham gia hội thảo thấy tự tin với bản thân mình, sẵn sàng tham gia lãnh đạo các cấp, ban ngành trong đời sống xã hội. Thấy được vị thế quan trọng của phụ nữ trong đời sống.