THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 09:23

Quảng Ninh: Nâng cao chất lượng đào tạo nghề nhằm tăng cơ hội việc làm cho người lao động

Quảng Ninh không phải tỉnh trọng điểm phát triển nông nghiệp, tuy nhiên cư dân sinh sống ở các vùng nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn khá lớn. Trước năm 2010, tỷ lệ lao động nông thôn của tỉnh được đào tạo nghề rất thấp, khả năng đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, với các ngành nghề khu vực nông nghiệp, nông thôn hạn chế.

Quảng Ninh: Nâng cao chất lượng đào tạo nghề nhằm tăng cơ hội việc làm cho NLĐ - Ảnh 1.

Nâng cao chất lượng đào tạo nghề nhằm tăng cơ hội việc làm cho NLĐ

Xác định rõ những khó khăn, bất cập này, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 6/1/2011, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 24/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 (ngày 21/12/2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4069/QĐ-UBND về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 24/QĐ-UBND).

Trọng tâm của đề án nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, tạo điều kiện cho lao động nông thôn được tham gia học nghề với sự hỗ trợ của Nhà nước. Để đề án được thực hiện hiệu quả, tỉnh đã thực hiện phân cấp triệt để cho các địa phương trong công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm, tiến hành điều tra khảo sát nhu cầu học nghề và tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Với những cách làm cụ thể, bài bản từ tỉnh tới cơ sở, trong giai đoạn 2010-2020, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của tỉnh Quảng Ninh đã có những bước tiến lớn.

Thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh, sau 10 năm thực hiện đã có 30.865 lao động nông thôn của tỉnh được tuyển sinh và tổ chức đào tạo; 27.029 lao động được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp. Có 22.638 lao động phát huy được hiệu quả sau đào tạo, chiếm 86,87% số lao động được hỗ trợ đào tạo (vượt 6,87% so với chỉ tiêu đề án đặt ra đến năm 2020).

Trong đó: 5.183 lao động được doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc theo hợp đồng lao động; 4.469 lao động được doanh nghiệp nhận ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm; 833 lao động thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác hoặc tổ, nhóm sản xuất; 12.153 lao động tiếp tục làm nghề cũ nhưng năng suất lao động, thu nhập tăng lên. Đặc biệt, có 1.055 hộ có người tham gia học nghề thoát nghèo; 4.090 hộ có người tham gia học nghề trở thành hộ khá.

Theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh, qua triển khai đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, người lao động sau học nghề đã biết tiếp cận và vận dụng kiến thức KHKT vào sản xuất kinh doanh, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, tạo việc làm tại chỗ. Nhiều lao động có tay nghề đã được nhận vào làm tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Bên cạnh đó, nhiều gia đình đã xây dựng được những mô hình sản xuất hiệu quả, có năng suất và thu nhập cao. Đến nay chất lượng lao động ở các vùng nông thôn ngày càng đa dạng, thúc đẩy phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Quảng Ninh: Nâng cao chất lượng đào tạo nghề nhằm tăng cơ hội việc làm cho NLĐ - Ảnh 3.

Sau 10 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức đào tạo nghề cho 27.029 lao động

Tuy nhiên, thực tế công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn, nhất là trước đòi hỏi phát triển trong tình hình mới. Trong đó, việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư, tham gia vào lĩnh vực dạy nghề còn hạn chế, một số cơ sở đào tạo quan tâm tuyển sinh đầu vào nhưng chưa quan tâm đến nhu cầu của thị trường lao động cần tuyển dụng, dẫn đến chất lượng đào tạo hạn chế, một bộ phận lao động nông thôn chưa thực sự cố gắng vươn lên, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số, vùng kinh tế khó khăn...

Dự báo trong 10 năm tiếp theo, việc đầu tư phát triển các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn sẽ tiếp tục tăng, dẫn đến yêu cầu lao động trong nông nghiệp cần phải được đào tạo cũng tăng cao. Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng cần phát triển nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động theo định hướng, quy hoạch phát triển KT-XH của tỉnh. Bởi vậy, để tiếp tục đảm bảo nhu cầu nhân lực cho phát triển nhanh ở những ngành, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh, trong đó có lực lượng lao động nông thôn đang là một trong những nhiệm vụ cần được quan tâm.

Để thực hiện mục tiêu đó, trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh đang tập trung xây dựng chỉ tiêu, kế hoạch về đào tạo trình độ sơ cấp cho lao động nông thôn giai đoạn 2021-2025, theo Quyết định 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, và đào tạo dưới 3 tháng, gắn với kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương, của vùng.

Trong đó, chú trọng đến công tác đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao cho người lao động, xây dựng NTM và thích ứng với thay đổi công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất. Ưu tiên đào tạo người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, các đối tượng chính sách. Trong đó, tỉnh dự kiến sẽ đào tạo trình độ sơ cấp cho 9.000 lao động nông thôn (4.000 người học nghề nông nghiệp, 5.000 người học nghề phi nông nghiệp).

Bên cạnh đó, tỉnh cũng hỗ trợ đào tạo lao động theo nhu cầu của người sử dụng, gắn với địa chỉ sử dụng lao động cụ thể, và định hướng phát triển dịch vụ, công nghiệp của địa phương, tiếp tục quan tâm nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ kỹ thuật trong hệ thống khuyến nông, trung tâm dạy nghề... Đồng thời, triển khai các chương trình khởi nghiệp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp, nhằm tăng cơ hội việc làm cho người lao động.

CHU LƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh