Quảng Ninh: Hỗ trợ kịp thời nạn nhân bị mua bán trở về ổn định cuộc sống
- Dược liệu
- 06:58 - 10/08/2023
Ban hành nhiều quyết định, kế hoạch triển khai công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về
Báo cáo sơ kết, đánh giá giữa kỳ công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán giai đoạn 2021 – 2025 của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh cho biết, từ 2021 - 2023 Sở LĐ-TB&XH và các cơ quan chức năng của tỉnh đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành 10 Quyết định, Kế hoạch triển khai công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, cùng công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm, cai nghiện ma túy của tỉnh. Đề ra định hướng đảm bảo mục tiêu 100% nạn nhân bị mua bán trở về có hộ khẩu thường trú và tiếp nhận qua địa bàn tỉnh Quảng Ninh đều được hỗ trợ kịp thời theo quy định của Nhà nước. Riêng Sở LĐ-TB&XH đã ban hành 12 quyết định, kế hoạch, hướng dẫn triển khai, thực hiện; thường xuyên rà soát, cập nhật, tổng hợp số liệu nạn nhân bị mua bán trở về để kịp thời chỉ đạo và phối hợp thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân ổn định tâm lý, hòa nhập cộng đồng.
Giai đoạn 2021 đến 6/2023, các sở, ngành, địa phương đã phối hợp tiếp nhận, hỗ trợ 26 nạn nhân bị mua bán trở về. Cụ thể, năm 2021, Cơ quan chức năng phát hiện, tiếp nhận 08 nạn nhân bị mua bán sang Trung Quốc, trong đó có 03 nạn nhân là trẻ em nam sơ sinh (01 cháu 10 ngày tuổi; 01 cháu 20 ngày tuổi; 01 cháu 9 tháng tuổi mang quốc tịch Thái Lan).
Năm 2022, tiếp nhận 11 nạn nhân bị mua bán trở về từ Trung Quốc và Campuchia. Trong đó, Phòng LĐ-TB&XH TP. Móng Cái tiếp nhận 04 nạn nhân trở về từ Trung Quốc; Trung tâm Công tác xã hội (CTXH) tỉnh tiếp nhận 04 nạn nhân trở về từ Trung Quốc; UBND xã Hải Đông, TP. Móng Cái tiếp nhận 02 nạn nhân trở về từ Campuchia; UBND phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều tiếp nhận 01 nạn nhân trở về từ Campuchia.
6 tháng đầu năm 2023, tiếp nhận 07 nạn nhân, trong đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp nhận 04 nạn nhân; Trung tâm CTXH tỉnh tiếp nhận 02 nạn nhân; Phòng LĐ-TB&XH TP. Móng Cái tiếp nhận 01 nạn nhân.
Từ năm 2021 đến tháng 6/2023, Bộ đội biên phòng tỉnh tiếp nhận, xác minh, xác định người Việt Nam nhập cảnh trái phép do Trung Quốc trao trả qua cửa khẩu là 117 lượt tiếp nhận với 2.532 người, trong đó 78 lượt với 1.988 người được phân loại, xác minh và đã sàng lọc xác định 06 vụ, lượt với 7 nạn nhân bị mua bán (nạn nhân tự khai).
Bên cạnh đó, Trung tâm CTXH tỉnh hỗ trợ 06 nạn nhân và phối hợp với các đơn vị thuộc Công an tỉnh, Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh, chính quyền địa phương nơi cư trú của nạn nhân để xác minh, bàn giao 05 nạn nhân trở về gia đình an toàn, hoà nhập cộng đồng. Duy trì Tổng đài tư vấn miễn phí 18001769, trực 24/24 để tiếp nhận tất cả các trường hợp cần tư vấn, đặc biệt là các trường hợp cần sự hỗ trợ khẩn cấp như: Nạn nhân bị bạo lực, xâm hại, nạn nhân bị mua bán. Bố trí 10 phòng tạm lánh của Trung tâm và hệ thống cơ sở vật chất của Ngôi nhà Ánh Dương luôn sẵn sàng tiếp nhận và hỗ trợ các trường hợp cần hỗ trợ khẩn cấp và các nạn nhân bị mua bán. Kiện toàn Hội đồng tư vấn, trợ giúp, kết nối nguồn lực, tìm kiếm địa chỉ, quê quán… cho nạn nhân bị mua bán khi có nhu cầu.
Về hỗ trợ nạn nhân khi tiếp nhận tại các địa phương, Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh cho biết: Phòng LĐ-TB&XH TP. Móng Cái đã hỗ trợ cho 05 nạn nhân là người tỉnh ngoài, khi tiếp nhận đều được khám kiểm tra sức khoẻ, tư vấn tâm lý, liên hệ với gia đình, hỗ trợ tiền tàu xe, tiền ăn đường để trở về địa phương theo quy định.
Đối với 03 nạn nhân trở về từ Campuchia, đã được Ủy ban nhân dân phường Mạo Khê (thị xã Đông Triều), Ủy ban nhân dân xã Hải Đông (TP. Móng Cái) và các ban, ngành, đoàn thể, khu phố phối hợp gặp gỡ, tư vấn, hướng dẫn và xem xét tạo điều kiện để hỗ trợ cho nạn nhân theo quy định. Hiện tại 03 nạn nhân sức khỏe ổn định, đang ở và tự tạo việc làm cùng gia đình, chưa có nhu cầu hỗ trợ học nghề.
Đối với 01 nạn nhân trở về từ Trung Quốc tự trình báo tại Trung tâm công tác xã hội đã được Trung tâm hỗ trợ và phối hợp với Ủy ban nhân dân phường Cao Xanh (TP. Hạ Long) để tiếp tục chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ làm lại giấy tờ tùy thân, ổn định cuộc sống.
Về Công tác tuyên truyền, Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh đã in và cấp phát 80.000 tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống MBN; biên soạn nội dung để in 10.000 cuốn tài liệu hỏi đáp luật pháp, chính sách về phòng chống MBN và hỗ trợ nạn nhân; làm 177 chiếc pano đặt tại UBND của 177 xã, phường, thị trấn để giới thiệu các dịch vụ của Ngôi nhà Ánh Dương tại UBND của 177/177 xã, phường, thị trấn. Thực hiện đăng tải 19 tin bài về các hoạt động Dự án đấu tranh chống MBN và nô lệ thời hiện đại và các hoạt động về phòng, chống MBN đăng tải trên các báo, đài, tạp chí, fanpage của Trung ương và tỉnh Quảng Ninh...
Giai đoạn 2021 đến 30/6/2023, Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh chủ trì, tổ chức tập huấn về kỹ năng tiếp cận, tư vấn, tuyên truyền cho người nghiện ma tuý, người bán dâm và nạn nhân MBN ở cộng đồng, đối tượng đại biểu là các trưởng thôn, bản, khu phố, các tổ chức đoàn thể, người có uy tín ở cộng đồng, các cộng tác viên CTXH, cán bộ chiến sĩ một số Đồn Biên phòng tại 93/177 xã, phường, thị trấn. Đồng thời, Sở LĐ-TB&XH đã ban hành Quyết định, Kế hoạch về việc thành lập thí điểm 05 Câu lạc bộ phòng, chống MBN và hỗ trợ nạn nhân trên địa bàn TP. Hạ Long.
Quan tâm đến cộng đồng dân cư vùng biên giới, dân tộc thiểu số
Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh cho biết, nhiệm vụ trọng tâm từ 2023 đến 2025, Sở chủ động phối hợp cùng các cơ quan liên quan kịp thời nắm tình hình nạn nhân bị mua bán trở về để hỗ trợ. Tiếp tục lồng ghép tuyên truyền, tập huấn về phòng, chống MBN, các chính sách hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về trong các hoạt động tuyên truyền, tập huấn của Sở đặc biệt quan tâm đến cộng đồng dân cư vùng biên giới, dân tộc thiểu số và các nhóm có nguy cơ cao. Duy trì hiệu quả hoạt động của 05 Câu lạc bộ phòng, chống MBN và hỗ trợ nạn nhân thuộc Mô hình “Đấu tranh chống MBN và nô lệ thời hiện đại” tại 05 phường của TP. Hạ Long bằng nguồn ngân sách của tỉnh.
Đồng thời, đề nghị Bộ LĐ-TB&XH rà soát, đánh giá thực trạng chính sách, pháp luật về công tác hỗ trợ nạn nhân, đặc điểm, nhu cầu của nạn nhân bị mua bán trở về làm cơ sở tham mưu, đề xuất chính sách hỗ trợ nạn nhân đảm bảo sự bình đẳng giới trong tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, hướng nghiệp dạy nghề và vay vốn hòa nhập cộng đồng.
Ban hành khung định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Nghiên cứu đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo phục vụ công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân tại các cơ sở tiếp nhận nạn nhân ban đầu khu vực tuyến biên giới, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đề ra…