Quảng Ninh duy trì hiệu quả công tác phối hợp liên ngành trong phòng, chống mua bán người
- Pháp luật
- 10:31 - 20/12/2022
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh, trong năm 2022, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho cá nhân, gia đình và cộng đồng về công tác phòng, chống mua bán người, ưu tiên các nhóm nguy cơ cao, đặc biệt vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các cơ quan truyền thông từ tỉnh đến địa phương đã xây dựng, duy trì hoạt động các chuyên trang, chuyên mục, chương trình phát thanh, truyền hình tuyên truyền về phòng, chống mua bán người phù hợp các nhóm đối tượng khác nhau và đặc điểm của từng địa phương, trong đó tập trung tuyên truyền về các phương thức, thủ đoạn mới, địa bàn trọng điểm của tội phạm mua bán người, những đối tượng có nguy cơ cao trở thành nạn nhân, quyền lợi mà nạn nhân được hỗ trợ và đường dây nóng tiếp nhận thông tin về nạn nhân và vụ việc.
Sở LĐ-TB&XH cũng nghiên cứu, xây dựng tài liệu, tổ chức tuyên truyền, tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm các công tác liên quan đến phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Đồng thời lồng ghép nội dung phòng, chống mua bán người vào các chương trình phòng chống tội phạm, phòng, chống tệ nạn xã hội, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em và các chương trình phát triển kinh tế xã hội khác trên địa bàn tỉnh; củng cố, phát triển, cải thiện chất lượng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán thuộc trách nhiệm quản lý; thí điểm mô hình hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên ngành, hợp tác quốc tế trong tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân và trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử vụ án mua bán người. Chủ động triển khai quy trình chuẩn về hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng; thực hiện thí điểm quy trình chuyển tuyến, hỗ trợ nạn nhân và người nghi là nạn nhân bị mua bán; xây dựng quy chế phối hợp liên ngành, liên cấp về tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân và cung cấp kết nối dịch vụ tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân và người nghi là nạn nhân bị mua bán. Thực hiện nghiêm túc các điều ước quốc tế, hiệp định song phương, đa phương, các thỏa thuận hợp tác về phòng, chống mua bán người mà Việt Nam là thành viên. Thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp, duy trì cơ chế báo cáo, chia sẻ thông tin định kỳ giữa các cơ quan liên quan ở cấp trung ương và địa phương trong tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân; điều tra, truy tố, xét xử vụ án mua bán người. Đồng thời tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ chế phối hợp thực thi pháp luật giữa Công an tỉnh Quảng Ninh với Công an Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc trong công tác phòng, chống mua bán người; giữa Công an thành phố Móng Cái với Công an thành phố Đông Hưng (Quảng Tây, Trung Quốc) để kịp thời liên hệ, hỗ trợ xác minh, xác định, giải cứu nạn nhân và phối hợp điều tra, xử lý tội phạm mua bán người. Chủ động trao đổi thông tin về chủ trương, chính sách và nỗ lực, chia sẻ kinh nghiệm của tỉnh Quảng Ninh trong phòng, chống mua bán người.
Trong thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng có liên quan nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, pháp luật và phối hợp liên ngành trong phòng, chống mua bán người, góp phần quan trọng vào bảo đảm an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.