THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:18

Quảng Ninh: Đào tạo lao động gắn với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp

 

Lao động tại nhà máy gốm huyện Đông Triều (Quảng Ninh).

 

Gần 35 nghìn lao động được đào tạo nghề

Ông Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong năm 2017 tỉnh đã phối hợp với Sở NN&PTNT, Sở Tài chính xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) trên địa bàn tỉnh, đồng thời hướng dẫn các địa phương triển khai kế hoạch đào tạo nghề cho LĐNT.

Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đăng ký nghề và giáo viên đào tạo nghề cho LĐNT. Trên cơ sở đó, thẩm định và thông báo danh sách các cơ sở GDNN đủ điều kiện tham gia đào tạo nghề cho LĐNT năm 2017 và xây dựng kế hoạch dạy nghề cho LĐNT năm 2018. Ngoài ra, tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở GDNN và các đơn vị có tham gia hoạt động GDNN đăng ký hoạt động GDNN theo Luật GDNN; thẩm định, cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động GDNN và giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động GDNN trình độ sơ cấp cho 7 đơn vị.

Trong năm qua Quảng Ninh cũng đã tổ chức Hội nghị 3 nhà (nhà nước - nhà trường và doanh nghiệp) về tuyển sinh đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Đồng thời phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh và các trường CĐ trên địa bàn tỉnh ký chương trình phối hợp trong công tác đào tạo và tuyển dụng lao động với nhu cầu tuyển dụng trong quý III là 421 vị trí làm việc và đề ra phương hướng thực hiện trong quý IV.

Về kết quả tuyển sinh đào tạo nghề, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh cho hay, tính đến 31/12/2017 ước đạt 34.400 người (ước đạt 104,24% kế hoạch năm). Trong đó, tuyển sinh cao đẳng 1.900 người, ước đạt 380% kế hoạch; trung cấp 3.500 người, đạt 70% kế hoạch; sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng 29.000 người, đạt 105,45% kế hoạch, trong đó dạy nghề cho LĐNT 2.550 người (ước đạt 98,07% kế hoạch năm).

Ngoài ra, tuyển sinh đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn cho khoảng 9.000 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề ước đạt 52,5%. Trong 2 tháng cuối năm 2017, tỉnh chỉ đạo các địa phương triển khai hoàn thành kế hoạch về dạy nghề LĐNT, phối hợp với Sở NN& PTNT tổng hợp nhu cầu học nghề và xây dựng kế hoạch dạy nghề cho LĐNT năm 2018.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tào nghề cho LĐNT trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh vẫn còn những hạn chế. Đó là chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp với cơ sở GDNN trong đào tạo và tuyển dụng học sinh sau tốt nghiệp. Chưa có cơ chế, chính sách để khuyến khích doanh nghiệp nhận LĐNT sau học nghề vào làm việc.

 Cần phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp với cơ sở GDNN

Trong năm 2018, Quảng Ninh có kế hoạch tuyển sinh đào tạo nghề cho 35.000 người, trong đó hệ cao đẳng 1.500 người, trung cấp 5.000 người, sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng 28.500 người; dạy nghề cho LĐNT 2.800 người. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố, các cơ sở GDNN triển khai thực hiện “Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.

 

Lớp học đan lưới là một trong nhiều lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Quảng Ninh.

 

Theo ông Nguyễn Hoài Sơn, trong năm tới để công tác tuyển sinh đạt kế hoạch đề ra, Quảng Ninh tăng cường công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của xã hội về học nghề, lập nghiệp để triển khai đào tạo nghề có trình độ đáp ứng nhu cầu nhân lực của tỉnh. Cùng với đó, hướng dẫn các địa phương thực hiện chính sách khuyến khích hỗ trợ học nghề của tỉnh.

Đặc biệt, tỉnh triển khai quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN theo định hướng đổi mới, cơ cấu lại hệ thống cơ sở đào tạo, đảm bảo hợp lý về quy mô ngành nghề và cấp trình độ đào tạo gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo. Đề xuất các giải pháp để thu hút, tăng số lượng và chất lượng đào tạo nghề đặc biệt trình độ trung cấp, cao đẳng đáp ứng nhu cầu lao động kỹ thuật chất lượng cao cho thị trường lao động trong tỉnh và khu vực, xuất khẩu lao động và yêu cầu của chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, xây dựng nông thôn mới và nâng cao năng lực của các cơ sở GDNN.

Ngoài ra, Quảng Ninh tiếp tục triển khai tốt Đề án Đào tạo nghề cho LĐNT. Xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa dạy nghề với thị trường lao động (xã, huyện, tỉnh, vùng) để đảm bảo các hoạt động của hệ thống dạy nghề hướng vào việc đáp ứng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của tỉnh, đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng lao động và giải quyết việc làm.

“Chỉ tổ chức dạy nghề cho LĐNT khi xác định được nơi làm việc và mức thu nhập với việc làm có được sau khi học nghề, bảo đảm các nghề nông nghiệp phải phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch sản xuất nông nghiệp; các nghề phi nông nghiệp phải xuất phát từ quy hoạch sản xuất công nghiệp, dịch vụ, quy hoạch phát triển tiểu thủ công nghiệp”, ông Nguyễn Hoài Sơn nhấn mạnh.

CÙ HÒA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh