THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:46

Quảng Ninh: Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động trên tất cả các lĩnh vực

 

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh, năm 2017 (các doanh nghiệp có trụ sở chính đóng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh) xảy ra 552 vụ TNLĐ làm 579 người bị nạn, trong đó: số vụ TNLĐ chết người là 25 vụ, số người chết là 26 người; số người bị thương nặng: 338 người, số người bị thương nhẹ là 215 người.

Tình hình TNLĐ năm 2017 đã giảm trên tất cả các tiêu chí so với năm 2016, các đơn vị thuộc ngành Than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trong năm 2017 đã xảy ra 15 vụ TNLĐ chết người, làm chết 16 người; so với năm 2016, số vụ TNLĐ chết người giảm 5 vụ (-25%), số người chết giảm 07 người (-30,4%).

 

Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2018 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh với chủ đề “Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế TNLĐ và bệnh nghề nghiệp” từ 1-31/5 trên phạm vi toàn tỉnh Quảng Ninh

 

Số vụ TNLĐ chết người chỉ điều tra, không phải thống kê, báo cáo (của các doanh nghiệp có trụ sở chính tại tỉnh ngoài) xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trong năm 2017 là 10 vụ, làm chết 12 người; so với năm 2016 số vụ bằng nhau, số người chết tăng 02 người.

Tổng số vụ TNLĐ chết người xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trong năm 2017 (cả doanh nghiệp trong tỉnh và doanh nghiệp ngoài tỉnh) là: 35 vụ, làm chết 38 người; so với năm 2016 tổng số vụ TNLĐ chết người giảm 05 vụ (-12,5%); số người chết giảm 06 người (-13,6%). Chi phí thiệt hại do TNLĐ: theo số liệu báo cáo của các doanh nghiệp trong năm 2017 chi phí thiệt hại do TNLĐ là 28,026 tỷ đồng, trong đó thiệt hại về tài sản là 7,138 tỷ; chi phí y tế, mai táng, trả lương, tiền bồi thường, trợ cấp cho gia đình người bị nạn và những người bị thương là 20,888 tỷ đồng; tổng số ngày nghỉ do TNLĐ 37.852 ngày.

Từ tháng 1/2018 đến ngày 14/5/2018, tổng số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) chết người trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là 10 vụ, làm chết 10 người; so với cùng kỳ năm 2017 giảm 7 vụ, số người chết giảm 7 người; trong đó các doanh nghiệp có trụ sở trong tỉnh xảy ra 7 vụ, số người chết là 7 người; so với cùng kỳ năm 2017 giảm 5 vụ, số người chết giảm 5 người.

Các doanh nghiệp tỉnh ngoài để xảy ra 3 vụ TNLĐ chết người, làm chết 3 người, so với cùng kỳ 2017 giảm 2 vụ, số người chết giảm 2 người.

Ông Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh cho biết, nguyên nhân trực tiếp của phần lớn các vụ TNLĐ là do người lao động còn chủ quan, lơ là, thiếu ý thức phòng ngừa TNLĐ dẫn đến tai nạn cho bản thân và đồng nghiệp; tuy nhiên, trong các vụ TNLĐ đó cũng có một phần lỗi gián tiếp và trách nhiệm của người quản lý, sử dụng lao động như công tác tổ chức sản xuất, kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện, huấn luyện ATVSLĐ, tuyên truyền ý thức, nhận thức về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đối với người lao động chưa hiệu quả.

Cũng theo ông Sơn, Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2018 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh với chủ đề: “Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế TNLĐ và bệnh nghề nghiệp” đang được tổ chức từ 1-31/5 trên phạm vi toàn tỉnh. Theo đó, các Sở, ngành, địa phương trong tỉnh đồng loạt đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về ATVSLĐ. Tùy theo điều kiện thực tế, các Sở, ngành, địa phương thực hiện tổ chức một số hoạt động chuyên đề về ATVSLĐ hướng vào chủ đề của Tháng hành động.

Bên cạnh đó, tổ chức các cuộc tọa đàm, đối thoại chính sách, hội nghị, hội thảo chuyên đề nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác đào tạo, huấn luyện về ATVSLĐ; về thực thi hiệu quả Luật ATVSLĐ trong các cơ sở sản xuất kinh doanh. Các Sở, ngành, địa phương cũng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, doanh nghiệp tổ chức khám sức khỏe, khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Đồng thời, tổ chức một số hoạt động xã hội, cộng đồng lồng ghép về ATVSLĐ như: thăm hỏi, động viên các nạn nhân và gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ có nội dung tuyên truyền về ATVSLĐ. Trước, trong và sau Tháng hành động, các hoạt động thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng vẫn sẽ được đẩy mạnh, tập trung vào việc tuyên truyền theo chủ đề của Tháng hành động.

Trong tháng ATVSLĐ, công tác huấn luyện ATVSLD, phòng ngừa kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại, trong đó nâng cao chất lượng hiệu quả công tác huấn luyện ATVSLĐ gồm: huấn luyện kỹ năng nhận diện, đánh giá rủi ro và biện pháp phòng ngừa cho cán bộ quản lý và người lao động. Tập trung giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và ý thức tự chủ an toàn, kỹ năng xử lý tình huống cho người lao động khi gặp sự cố, chú trọng huấn luyện kỹ năng thực hành cho người lao động. Bên cạnh đó đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, trong đó Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh xây dựng kế hoạch và tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra việc triển khai Tháng hành động về ATVSLĐ và tình hình thực hiện công tác ATVSLĐ tại các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã… Tập trung vào một số ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro cao về ATVSLĐ, bệnh nghề nghiệp như khai thác khoáng sản, cơ khí, xây dựng…

 

Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động trên tất cả các lĩnh vực

 

Để hạn chế thấp nhất các vụ TNLĐ trong lao động, sản xuất, Quảng Ninh đã chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, nhất là đơn vị có nguy cơ cao về mất ATVSLĐ; Tăng cường công tác quản lý ATVSLĐ đối với các doanh nghiệp trên địa bàn; kiên quyết đình chỉ, dừng sản xuất, thi công khi phát hiện có nguy cơ xảy ra sự cố, TNLĐ; đặc biệt lưu ý đến lĩnh vực thi công xây dựng công trình trong khu dân cư: yêu cầu thực hiện đầy đủ biện pháp thi công, biện pháp an toàn; công tác quản lý, sử dụng lao động; an toàn làm việc trên cao, an toàn kết cấu giàn giáo, an toàn điện; quản lý, sử dụng các loại máy, thiết bị thi công công trình; Lĩnh vực khai thác chế biến đá: yêu cầu các đơn vị tổ chức thi công, cắt tầng khai thác theo đúng thiết kế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thực hiện đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn, biện pháp kỹ thuật an toàn trong khai thác, chế biến đá.

Bên cạnh đó, tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về ATVSLĐ phù hợp với từng lĩnh vực, ngành nghề; ưu tiên việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATVSLĐ cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Tiếp tục tuyên truyền, tổ chức hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã, phường trong việc thống kê, báo cáo TNLĐ đối với người làm việc không theo hợp đồng lao động; lập biên bản ghi nhận TNLĐ đối với người làm việc không theo hợp đồng lao động theo quy định.

Đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, tổ chức rà soát lại công tác ATVSLĐ và thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về ATVSLĐ, đặc biệt là Luật ATVSLĐ và các văn bản hướng dẫn, các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATVSLĐ. Tăng cường công tác tự kiểm tra tại doanh nghiệp và có biện pháp kịp thời để chấn chỉnh những thiếu sót, tồn tại. Tổ chức đánh giá, kiểm soát các nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ để có các giải pháp phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ tại nơi làm việc. Tăng cường công tác quản lý, sử dụng các loại máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ; thực hiện việc kiểm tra, kiểm định định kỳ và khai báo theo quy định.

PV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh