Quảng Ngãi: Nỗ lực thu hồi nợ và gia tăng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội
- Bài thuốc hay
- 00:18 - 27/09/2019
Theo báo cáo, tổng số doanh nghiệp, tổ chức nợ đọng bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi hiện nay là 2.579 đơn vị, với số tiền nợ là 156 tỷ đồng. Trong đó, cơ quan Nhà nước (gồm cơ quan Đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội, hành chính, sự nghiệp) là 769 đơn vị, với số tiền nợ là 11,54 tỷ đồng. Doanh nghiệp là 1.760 đơn vị với số tiền nợ 143,41 tỷ đồng. Hợp tác xã là 50 đơn vị với số tiền nợ 1,05 tỷ đồng.
Trong đó, phân loại nợ từ 1 tháng đến dưới 3 tháng là 1.698 đơn vị, với số tiền nợ 50,38 tỷ đồng. Nợ từ 3 tháng đến dưới 6 tháng là 334 đơn vị, với số tiền nợ 13,4 tỷ đồng. Nợ từ 6 tháng đến dưới 12 tháng có 138 đơn vị, với số tiền nợ là 8,8 tỷ đồng. Nợ từ 12 tháng trở lên có 154 đơn vị, với số tiền nợ là 56,12 tỷ đồng.
Ngoài ra, nợ thuộc nhóm nợ khó thu (ngừng hoạt động, mất tích, đang giải thể phá sản, đã giải thể phá sản, nợ khác) là 255 đơn vị, với số tiền nợ là 27,3 tỷ đồng, tăng 59 đơn vị so với cùng kỳ năm 2018, tương ứng với số tiền nợ tăng hơn 5,4 tỷ đồng.
Trong những qua, các ngành, cơ quan đã tích cực triển khai thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp thu hồi nợ như: Thường xuyên báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan về tình hình nợ bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng như ban hành văn bản gửi Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố để đề nghị sự phối hợp sự chỉ đạo của các cấp trong công tác thu hồi nợ đọng.
Chủ động thanh tra định kỳ pháp luật lao động chuyên đề bảo hiểm xã hội tại 15 doanh nghiệp; thanh tra chuyên ngành đột xuất đóng bảo hiểm xã hội tại các doanh nghiệp nợ từ 3 tháng trở lên mà phần mềm thu đã tự động cảnh báo và gửi kết quả xử lý đến cơ quan chức năng nhằm mục đích báo cáo, làm căn cứ xử lý hình sự sau này.
Từ đầu năm 2019 đến nay đã tiến hành thanh tra đột xuất tại 53 đơn vị, doanh nghiệp với kết quả: Thu nợ số tiền là 4.547.704.553 đồng/15.126.557.073 đồng. Ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại 15 đơn vị sử dụng lao động số tiền là 324.597.741 đồng; 2 đơn vị đã thực hiện nộp phạt số tiền là 22.455.602 đồng.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do một số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ kéo dài dẫn đến tình trạng bán cổ phần, chuyển nhượng công ty cho các đối tác khác kinh doanh để lại một số nợ lớn không thu hồi được. Từ năm 2017 đến nay, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã chuyển hồ sơ sang Liên đoàn Lao động tỉnh đề nghị khởi kiện 34 doanh nghiệp nợ. Liên đoàn Lao động tỉnh nhận hồ sơ đề nghị khởi kiện đối với các doanh nghiệp nợ có tổ chức Công đoàn; việc đôn đốc đơn vị thực hiện qui định pháp luật về bảo hiểm xã hội chỉ ở mức thu thập thông tin, tài liệu chứng cứ và đàm phán với các doanh nghiệp để khắc phục tình hình nợ đọng.
Do còn những vướng mắc, chưa thống nhất giữa các văn bản pháp luật liên quan nên hiện nay chưa thể thực hiện khởi kiện các đơn vị sử dụng lao động nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội.
Từ khi ngành Bảo hiểm xã hội có chức năng thanh tra chuyên ngành, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã tiến hành thanh tra các đơn vị có đặc thù nợ lớn, kéo dài; các đơn vị này chỉ khắc phục nợ được 1 thời gian; sau thanh tra những đơn vị này lại tiếp tục nợ, thậm chí chây ỳ, gửi hồ sơ sang công an thì cũng chưa được thụ lý. Công an cũng chưa xử lý vì chưa có qui trình hướng dẫn cụ thể. Nếu tổ chức thanh tra lại mà không có kế hoạch cụ thể, quyết liệt và sự phối hợp của ngành công an và các ngành chức năng thì tình hình vẫn không được cải thiện.
Doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động hầu hết theo mức lương tối thiểu vùng, đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội nhưng không đóng để nợ kéo dài. Mặt khác, một số đơn vị sau khi thực hiện kết luận thanh tra xong lại tiếp tục để nợ kéo dài trở lại, thậm chí có đơn vị không chấp hành các kết luận của các đoàn thanh tra, kiểm tra về thực hiện pháp luật bảo hiểm xã hội. Số đơn vị bỏ trốn, tìm mọi cách tránh giao dịch với cơ quan chức năng và cơ quan bảo hiểm xã hội vì thế có xu hướng ngày càng tăng.
Với nhiều biện pháp quyết liệt đã kéo giảm nợ đọng bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh về mức thấp nhất. Tuy nhiên, đối với nhóm nợ khó thu (giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn, ngừng sản xuất-kinh doanh,...) và các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, chây ì đã dùng nhiều biện pháp thu nợ nhưng vẫn không chuyển trả, dự kiến nhóm nợ này sẽ còn tăng lên đến cuối năm. Dự kiến đến cuối năm 2019, tỷ lệ nợ khoảng 4 - 4,5% so với kế hoạch giao thu; tỷ lệ nợ này tại thời điểm 31/12/2018 là 4,1%.
Về công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, nhìn chung trong 8 tháng năm 2019, các cơ quan, tổ chức liên quan đến việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội đã thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp nên số người tham gia bảo hiểm xã hội tăng mạnh so với các năm trước, tập trung nhiều ở khối doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể; tỷ lệ số người tham gia bảo hiểm xã hội so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động trên địa bàn tỉnh hiện nay đạt 16,28%.
Với sự nỗ lực phấn đấu của các cơ quan, tổ chức liên quan đến nội dung này, cùng với tốc độ phát triển như hiện nay, dự kiến đến cuối năm 2019, tỷ lệ số người tham gia bảo hiểm xã hội trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động sẽ đạt chỉ tiêu của cấp thẩm quyền giao (theo Quyết định số 1169 của UBND tỉnh về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 cho cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh là: 17% số người tham gia bảo hiểm xã hội là lực lượng lao động trong độ tuổi lao động, đạt 100% chỉ tiêu).
Khối đơn vị hành chính sự nghiệp hiện nay đã bão hòa và dần đi vào xu thế giảm dần theo lộ trình qui định. Trong 8 tháng năm 2019, thậm chí đối tượng này giảm trên 2.000 người so với cuối năm 2018 do thực hiện chế độ tinh giản biên chế theo chủ trương của Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII. Vì thế, các địa phương trong tỉnh đã thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động đối với các trường hợp ngoài biên chế của đơn vị, số lượng lao động này là chiếm số lượng khá lớn trong các đơn vị hành chính.
Năm 2019, đã khai thác mới được 292 doanh nghiệp, tương ứng 1.066 lao động (chủ yếu ở các doanh nghiệp nhỏ), Bảo hiểm xã hội tỉnh tiếp tục gửi thông báo đôn đốc, nhắc nhở các doanh nghiệp chưa tham gia bảo hiểm xã hội, đóng không đúng số người thuộc diện phải đóng theo đúng qui định.
Báo cáo cho thấy, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trên địa bàn tỉnh là 99.892 người, đạt 97,5% so với chỉ tiêu Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao năm 2019, tăng 7,74% so với cùng kỳ năm 2018 và tăng 5,32% so với cuối năm 2018. Số người tham gia bảo hiểm xã hội thất nghiệp là 85.419 người, đạt 95,4% so chỉ tiêu giao năm 2019, tăng 8,92% so với cùng kỳ năm 2018 và tăng 3,75% so với cuối năm 2018.
Đối với bảo hiểm xã hội tự nguyện, ngoài việc ký hợp đồng làm Đại lý thu với Bưu điện và Ủy an nhân dân cấp xã thì Bảo hiểm xã hội tỉnh đã ký hợp đồng với các tổ chức chính trị - xã hội (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ) và đơn vị sự nghiệp (Trung tâm y tế dự phòng, Bệnh viện đa khoa huyện), giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cụ thể cho các đại lý thu.
Đặc biệt, đẩy mạnh phát triển số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thông qua kênh Bưu điện. Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đến 31/8/2019 là 3.499 người, đạt 53,7% so chỉ tiêu giao năm 2019, tăng 147,45% so với cùng kỳ năm 2018 và tăng 62,37% so với cuối năm 2018.
Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã phối hợp với Bưu điện tỉnh tổ chức Hội nghị khách hàng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tổ chức các đợt ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, từ đầu năm đến nay số người tham gia tăng mới là 1.555 người.
Quảng Ngãi là tỉnh còn 5/14 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a. Mức sống của người dân còn thấp nên mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thấp (đa số đóng theo mức chuẩn hộ nghèo). Số người đang tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chủ yếu là các đối tượng đã có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội trước đó tiếp tục đăng ký tham gia để đủ điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
Bên cạnh đó, chính sách liên quan đến chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa hấp dẫn, phong phú (hiện chỉ thực hiện 2 chế độ hưu trí và tử tuất, còn các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp... không có).
Vì vậy, các đối tượng có sự so sánh và cạnh tranh giữa bảo hiểm xã hội tự nguyện với các loại hình bảo hiểm nhân thọ của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm thương mại khác nên ảnh hưởng lớn đến việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.