Quảng Ngãi: Một gia đình lưu giữ 7 đạo sắc phong triều Nguyễn
- Văn hóa - Giải trí
- 23:43 - 23/04/2017
Ông Châu giới thiệu bản sắc phong của vua Khải Định. ảnh: Sỹ Thắng-TTXVN
7 đạo sắc phong mà gia đình ông Châu lưu giữ có niên đại lâu nhất từ thời Tự Đức năm 1851 và gần đây nhất là sắc phong của vua Khải Định năm 1924.
Những sắc phong này được xem như báu vật và được lưu truyền qua 14 thế hệ trong dòng họ. Trong 7 tấm sắc phong mà gia đình ông Châu đang giữ, có 3 tấm được các triều đại vua Nguyễn ban tặng cho làng Châu Mi (nay gọi là thôn Phú Châu) vì đã có công thờ phụng thần Ngũ hành Tiên Nương. Bốn bức còn lại là sắc phong cho vị tiền hiền, Thành hoàng làng họ Nguyễn đã có công lập nên làng Châu Mi.
Các tấm sắc phong được ban cho dân làng Phú Châu theo từng thời điểm khác nhau qua các thời vua Nguyễn là Tự Đức, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định... luôn được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong ngôi nhà ông Châu.
Tất cả 7 đạo sắc phong đều là bản gốc, trên mỗi bản được ghi rõ bằng văn tự Hán nôm có con dấu ấn triện của nhà Vua. Cả 7 bản sắc phong đều có kính thước 0,5 x 1,2m , được làm giấy có màu vàng nghệ và trang trí hình rồng nhưng đã nhuốm màu thời gian.
Hiện ông Châu lưu giữ 3 bản gốc tại nhà và anh ruột ông Châu là ông Nguyễn Văn Bình lưu giữ 4 bản gốc còn lại. Theo ông Châu, cách đây 500 năm, tổ tiên của gia tộc ông Châu được xem là vị tiền hiền có công khai khẩn lập ấp, tạo nên làng Phú Châu.
Để tuyên thưởng cho công lao ấy, cách đây hơn 200 năm, vua Gia Long đã ban tấm sắc phong đầu tiên cho làng với nội dung như sau: “Tả quân tả đồn định vì vệ chánh vệ thuộc nội cai cơ thể vang hầu”. Ý nói khen thưởng công lao vị Tả quân mở mang, lập nên làng Châu Mi. “Tổng cộng làng Châu Mi ngày ấy được vua Nguyễn ban tặng 7 sắc phong. Tổ tiên của tôi là người gìn giữ và lưu truyền cho thế hệ sau. Đến tôi là đã qua 14 đời”, ông Châu chia sẻ.
Hiện làng Phú Châu vẫn còn các di tích là Đình làng và miếu thờ Ngũ hành Tiên nương. Mỗi năm theo lệ, dân làng vẫn tổ chức cúng giỗ và khai “sắc” đọc lại nội dung những tấm sắc phong để tưởng nhớ công ơn những người đã khai sinh và phù hộ cho làng.