THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:10

Quảng Ngãi: Kỷ niệm 450 năm ngày mất của Trấn quốc công Bùi Tá Hán

Tại buổi lễ, ông Phạm Trường Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đọc diễn văn nêu rõ: Trấn Quốc công Bùi Tá Hán, người Châu Hoan (Nghệ An), sinh năm Bính Thìn (1496) trong một gia đình danh nho, là cận thần của Đại thần Nguyễn Kim, có công khôi phục triều đại Lê Trung Hưng. Sau khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê (1527), Bùi Tá Hán theo ngọn cờ “phù Lê diệt Mạc” của Nguyễn Kim, lập được nhiều công tích. Năm 1545, ông được vua Lê Trang Tông phong chức Bắc Quân đô đốc đem quân bình định quân nhà Mạc, vỗ yên miền biên trấn Quảng Nam (vùng đất từ Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên ngày nay) sau thăng Bắc quân đô đốc phủ chưởng phủ sự, tước Thiếu bảo Trấn quận công.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ khôi phục quyền lực nhà Lê ở vùng Nam Trung bộ và được cử làm trấn thủ xứ Thừa tuyên Quảng Nam, ông từng bước thiết lập quyền tài phán của mình lên vùng đất mới này, kêu gọi nhân dân, binh lính khai hoang, lập làng, thu hút một lượng dân cư đông đảo từ miền Bắc vào định cư. Khi tiếp quản vùng đất mới Thừa tuyên Quảng Nam, Bùi Tá Hán đã đặc biệt chú trọng việc bảo vệ bình yên cho vùng đất này, nhất là vùng núi bằng “chính sách an dân” với tư tưởng hòa hợp và hòa giải dân tộc giữa người Việt với người Chămpa, giữa người Kinh với người Thượng.

Mặt khác, ông cho đắp các đồn (bảo) để gìn giữ trật tự, trị an trong vùng. Từ một vùng đất loạn lạc liên miên, nhưng khi Bùi Tá Hán đặt định được chính quyền và thực thi những chính sách hợp lòng dân, xứ Quảng đã thành vùng đất của hòa bình, hòa hợp và sung túc. Danh xưng “Trấn Quốc công” tôn vinh Bùi Tá Hán đã nói lên sự ghi nhận không chỉ của triều đình, mà chính là sự ngưỡng mộ, yêu quý của nhân dân xứ Quảng và cả dải đất miền Nam Trung bộ dành cho ông.

Rước sắc phong của Vua ban cho Danh tướng Trấn quốc công Bùi Tá Hán

Rước sắc phong của Vua ban cho Danh tướng Trấn quốc công Bùi Tá Hán

Theo Phủ tập Quảng Nam ký sự của Mai Thị, Bùi Tá Hán là người đã có những chính sách an dân ở miền Thượng cũng như với người Chămpa ở vùng đất này. Chính ông là người đầu tiên cho lập các chợ đầu nguồn để tạo điều kiện cho miền xuôi và miền ngược trao đổi hàng hoá, đặc biệt là ở vùng Đà Bồng (tức Trà Bồng hiện nay). Năm 1568, Bùi Tá Hán qua đời. Cái chết của ông được nhân dân lưu truyền như một huyền thoại. Ông hiển thánh, người và ngựa biến mất, chỉ lưu lại mảnh áo bào và vết máu tại rừng Cầy, xã Thu Phổ. Nhân dân và họ Bùi lập Lăng ông tại đây, từ đó rừng Cầy được gọi là rừng Lăng và lập Đền thờ ông trên núi Phước nằm kề bên sông Trà Khúc. Từ đó núi Phước được gọi là núi ông. Sau này đền thờ Bùi Tá Hán được dời về rừng Lăng gần khu lăng mộ của ông (hiện nay thuộc phường Quảng Phú, thành phố Quảng Ngãi).

Bùi Tá Hán là một người có học vấn uyên thâm, thấm nhuần đạo nhân nghĩa Khổng – Mạnh nhưng ông không cầu mong đến việc thi phú kiểu Tống Nho mà quyết chí lập thân theo chí khí của người quân tử, đem tài sức của mình giúp nước, giúp dân, mang lại sự bình yên cho đất nước và hạnh phúc cho nhân dân.

Đông Hải

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh