Kỳ lạ cây “báo bão” duy nhất còn sót lại ở xứ Quảng
- Văn hóa - Giải trí
- 06:01 - 08/11/2015
Tại làng Thánh Quýt (xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) có một cây mai quý hiếm và duy nhất còn sót lại với tên gọi là mai hạ. Loài mai này chỉ nở hoa vào mùa hạ chứ không nở vào mùa xuân như các loài mai khác.
Thay vì có màu vàng, mai hạ (hay còn gọi Bạch Vân mai) lại có màu mây trắng và nhụy màu xanh tím.
Theo các bô lão tại làng Thanh Quýt, hiện nay cả tỉnh chỉ còn cây mai hạ duy nhất này sót lại ở xứ Quảng. Cây nằm ngay trước sân trụ sở UBND xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam).
Một số cụ già trong làng Thanh Quýt kể, trước đây trong làng có tới 6 cây mai hạ. Tuy nhiên, do chiến tranh tàn phá nên chỉ còn một cây ở miếu xóm của làng. Hiện nay, miếu đã được dời lên phía đầu xóm, nhường đất xây dựng UBND xã, vì thế bây giờ cây mai hạ duy nhất còn sót lại nằm trong khuôn viên của trụ sở Ủy ban xã.
“Chưa có người trong làng hay tài liệu nào xác định được cây mai hạ này được trồng từ năm nào, chỉ biết đời ông cố, ông nội sinh ra đã nghe các tiền nhân của làng nhắc đến cây mai này. Có người lại nói cây mai này đã sống chừng 3 thế kỷ nay…” – ông Nguyễn Hải (64 tuổi) chia sẻ.
Theo quan sát của Dân Việt, cây mai hạ này cao chừng 6m, đường kính gốc to khoảng 25-30cm, dáng rất đẹp và thanh thoát.
Ông Trần Công Bè (trú thôn Thanh Quýt) cho biết, cây mai hạ có hoa thơm thoang thoảng, dịu dàng và thơm nhất vào chiều tối. Vì thế, mỗi khi cây ra hoa, các loài ong, bướm từ khắp nơi bay về hút nhụy.
Đặc biệt, vào mùa hạ (chừng tháng 4 - 5 dương lịch), cây mai chỉ ra hoa chứ không ra lộc (không ra lá). Cánh mai màu trắng sữa, nhụy hoa xanh tím, sau một tuần lại chuyển qua trắng và thường kéo dài từ 15 -20 ngày. Khi trổ hoa, do không có lá nên từ xa cây mai trông như một đám mây xanh trắng, tím bềnh bồng...
Lá của mai hạ là loại 3 lá có hình mũi mác thon hẹp. Mai hạ có hoa to màu trắng, mỗi bông hoa mang 12 nhị dài, tua nhị màu xanh tím. Khi hoa nở các nhị tua tủa trước cánh hoa, lung linh trong gió tạo nên một vẻ đẹp lạ kỳ.
Theo ông Trương Công Bè - Chủ tịch MTTQ xã Điện Thắng Trung, cây mai hạ này được xem là báu vật của làng Thanh Quýt, bởi nó gắn liền với lịch sử và truyền thống của làng. Vì thế, người dân địa phương và chính quyền luôn quan tâm, chăm sóc rất chu đáo.
Hàng ngày, hằng tháng chính quyền địa phương phân công cho cán bộ theo dõi tình hình phát triển của cây mai, nếu phát hiện có sâu bệnh hại lá, hại thân thì xử lý ngay. Ngoài ra, để đảm bảo chất dinh dưỡng cho cây sinh trưởng tươi tốt, mỗi năm cứ vào dịp tháng Giêng thì lại tiến hành đào rãnh quanh gốc mai (cách gốc mai chừng 1- 1,5m) để bón phân chuồng ủ hoai và bổ sung một ít phân lân, tưới nước cho phân thấm vào các rễ...
Cây mai hạ này không giống như các loài mai khác, bởi mai thường tuốt lá đúng thời điểm mới trổ bông, nhưng mai hạ lại ngược lại, không hề tuốt lá mà vẫn ra hoa đẹp.
Điều đặc biệt nữa là dưới gốc cây mai không hề có một cây con nào mọc, nhiều người đến UBND xã thấy mai đẹp quá nên nhặt hạt về ươm, hoặc nhặt một đoạn rễ mai về giâm, nhưng cũng không trồng được...
Theo ông Nguyễn Hoàng Hùng (trú thôn Thanh Quýt), mai hạ nở hoa vào mùa hạ sẽ báo hiệu đất trời bình yên, mùa màng tươi tốt và bội thu. Còn nếu mai nở rộ hơn bình thường và nở thêm một mùa hoa nữa vào khoảng tháng 9 và 10 (âm lịch) thì báo hiệu năm đó sẽ có thiên tai lũ lụt hoặc hạn hán. Ví dụ như vào các năm 1999, 2003, 2007, 2009… cây mai này ra hoa 2 lần đều có mưa bão lớn xảy ra tại Quảng Nam.