Quảng Ngãi: Khi người trẻ về quê khởi nghiệp
- Giáo dục nghề nghiệp
- 22:15 - 30/12/2017
1. Tốt nghiệp Đại học Bách khoa TPHCM, khoa cơ khí ô tô, khi ra trường, Trần Anh Tuấn đã được nhận ngay vào làm việc tại một hãng ô tô lớn với thu nhập khá, song chàng trai quê Quảng Ngãi đã đưa ra một quyết định khá bất ngờ là về quê khởi nghiệp. Trả lời cho câu chuyện trái khoái này, Tuấn kể: Em có gặp một người anh kết nghĩa, khi đưa ra những dự định cho tương lai làm việc tại TPHCM, anh ấy đã nói: Nếu không có em, Sài Gòn vẫn rất giàu, còn nếu em về quê khởi nghiệp, em sẽ đóng góp một phần để quê em thoát nghèo. Câu nói ấy như một dòng điện chạy dọc sống lưng. Tuấn từng hoài nghi về điều này khi cho rằng cái nghề cơ khí ô tô mà mang về Quảng Ngãi liệu có ổn. Bao nhiêu phác thảo đưa ra trong đầu rồi cũng rơi vào bế tắc khi Tuấn chưa biết chọn nghề nào để khởi nghiệp.
Trần Anh Tuấn với những ước mơ và hoài bão của người trẻ khi về quê khởi nghiệp. ảnh: Đông Hải
Và cơ duyên đến với Tuấn cũng khá bất ngờ khi những ngày về thăm quê cùng bạn bè chơi bóng đá, nhìn cái sân bé tí cỏ mọc hoang sơ trên một khoảng đất rộng hàng ngàn mét vuông ngay tại một phường tại trung tâm TP Quảng Ngãi, Tuấn nghĩ, sao không biến nơi này thành một tổ hợp thể thao mini nhỉ? Nhưng khi đề đạt điều này lên chính quyền, mà cụ thể là phường Trần Phú, ý tưởng triển khai dự án Trung tâm thể thao Trần Phú của Tuấn đã bị bác bỏ vì không đáp ứng được nhu cầu của nhiều tầng lớp nhân dân.
Thất vọng và chán nản, đã có lúc Tuấn nghĩ đến việc trở lại TP.HCM để thực hiện “giấc mơ con” như ngày nào. Rồi Tuấn tình cờ gặp anh Phạm Xuân Sinh, lúc bấy giờ là Phó CVP UBND TP Quảng Ngãi, sau khi nghe Tuấn trình bày dự án Trung tâm thể thao phường Trần Phú, Phạm Xuân Sinh đã đề đạt nguyện vọng của Tuấn lên các cấp chính quyền và qua không ít gian nan, dự án đã được chấp thuận. Bây giờ, sau gần 2 năm hoàn thiện, Trung tâm thể thao Trần Phú đã là một địa chỉ quen thuộc của giới trẻ TP Quảng Ngãi nơi thường xuyên tổ chức các sự kiện thể thao của phường và của TP, đặc biệt Trần Anh Tuấn đã tổ chức sự kiện “Bơi cùng Ánh Viên” ngay tại Trung tâm này sau sự cố 9 học sinh xã Nghĩa Hòa bị chết đuối.
Ý tưởng làm bể bơi lưu động đã được Tuấn tham khảo từ việc xem các bể bơi mini của gia đình với chi phí rẻ gấp nhiều lần so với bể bơi cố định, dễ lắp ráp và vận chuyển đi nhiều nơi. Chi phí một chiếc bể bơi lưu động rộng 100 m² như vậy khoảng từ 70 đến 100 triệu đồng và năm 2017 này Tuấn đã bán được trên 100 hồ bơi lưu động trên toàn quốc. Ngoài ra, Tuấn còn thiết kế khu vui chơi cho trẻ em và thể thao cho người cao tuổi ngay tại Trung tâm nên giờ đây mọi người vẫn quen gọi là công viên thể thao Trần Phú. Sau những trải nghiệm của sự thất bại và thành công, điều mà Tuấn rút cho mình chính là từ câu nói nổi tiếng của Steve Jobs: "Hãy tìm kiếm nỗi đam mê đích thực của bạn. Hãy làm điều bạn thích và tạo sự khác biệt”, đây điều mà Trần Anh Tuấn luôn thấm đẫm và chiêm nghiệm.
Nguyễn Thị Hảo trong một lần tham quan mô hình rau sạch tại tỉnh Ninh Thuận.
2. Nếu lấy câu nói: “Thành công luôn ở trước bạn, thất bại đã ở sau lưng” để nói về Nguyễn Thị Hảo thì hoàn toàn đúng. Hảo đã từng học Cao đẳng du lịch tại TPHCM nhưng lại về quê khởi nghiệp bằng nghề trồng nấm. Cô gái sinh năm 1993 lý giải: Em học du lịch vì thích và nghĩ rằng sẽ được đi đây, đi đó, nhưng đam mê cháy bỏng của em lại là nông nghiệp, mà là nông nghiệp sạch. 21 tuổi, Hảo khởi nghiệp tại chính quê hương mình ở huyện Mộ Đức, nơi có trên 90% người dân sống bằng nghề nông. Cô lao vào khởi nghiệp bằng một đam mê làm giàu mãnh liệt với nghề trồng nấm như một bài báo nào đó đã từng viết: Thu tiền tỉ từ trồng nấm linh chi. Đầu tư hơn 100 triệu đồng từ tiền của gia đình, sau gần 1 năm cô thất bại hoàn toàn, khi trồng không hiệu quả, năng suất thấp, tiêu thụ không được. Cú vấp đầu đời cộng với sự phản đối từ phía gia đình đã làm Hảo suy sụp. Có một câu hỏi luôn đau đáu trong đầu Hảo là tại sao ta thất bại. Bây giờ cô đã có câu trả lời, đó là thiếu kinh nghiệm và tất cả không có gì là màu hồng như những gì mình đã từng nghĩ.
Quay lại nghề trồng nấm với Hảo là một lựa chọn vô cùng khó khăn, gia đình không cấp vốn, không ai cho vay. Nhưng cũng chính từ sự nghiệt ngã này đã dẫn cô tới một quyết định sống còn, đó là chọn con đường đi làm thuê để học nghề. Sau 7 ngày làm công nhân và vô số những cuộc tham quan học tập trong và ngoài tỉnh, cô đi đến quyết định sẽ trồng nấm rơm. Là bởi, quê cô vốn làm nông nghiệp, rơm rạ dư thừa, đây chính là nguồn nguyên liệu làm ra cây nấm rơm và một điều cũng rất quan trọng, nấm rơm rất phù hợp với nhiều món ăn, với nhiều tầng lớp. Khi đã trồng thành công rồi, công việc tiếp theo của Hảo là đưa thương hiệu nấm Nông Hưng Phát đến với thị trường. Ngoài 60 công nhân làm việc thời vụ, Hảo còn thuê 7 công nhân khác chuyên đi bán lẻ, bỏ lẻ tại các cửa hàng, siêu thị trong tỉnh. Khi đã trụ lại được với nghề này, Hảo lại nghĩ đến việc nhân rộng nó ra và làm nông nghiệp sạch.
Và cũng như lần đầu trồng nấm linh chi, Hảo lại bị từ chối từ các cấp chính quyền, ngân hàng… Để có được 12 ha xây dựng vùng chuyên canh trồng nấm và dưa lưới như bây giờ, Hảo đã phải làm một việc mà mình chưa từng nghĩ chứ nói gì đến làm. Đó là “gõ cửa” đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ. Sau khi trình bày ý tưởng, phân tích hiệu quả cũng như khó khăn trong quá trình thực hiện dự án trồng nấm rơm và dưa lưới trong nhà kính. Đích thân Bí thư Tỉnh ủy đã có thư tay gửi các cấp ngành tạo điều kiện để Hảo thực hiện dự án. Giai đoạn 1 trồng nấm rơm trong nhà kính của Hảo là xây dựng chuỗi nhà kính rộng 4000m² để trồng nấm và dưa lưới với kinh phí trên 27 tỷ đồng. Điều đặc biệt ở dự án này là Hảo sẽ làm “nấm muối” để xuất sang thị trường Hồng Công và dưa lưới sẽ được ép để lấy tinh dầu chứ không bán sản phẩm tươi ra thị trường.
Có lẽ chuyến “học nghề” 15 ngày ở Israel cùng đoàn cán bộ của tỉnh Quảng Ngãi đã mở ra cho Hảo một hướng nhìn khác, một tư duy khác và điều quan trọng là cô đã biết vượt qua chính mình để đứng dậy.
Phan Tài Phong bên chiếc xe "trà sữa vỉa hè" mang thương hiệu Mozy 's. ảnh: Đông Hải.
3. Ít ai ngờ rằng khi thị trường trà sữa đã gần như bão hòa ở TP Quảng Ngãi thì có chàng trai tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh thuộc Đại học Sài Gòn lại nhảy vào tạo dựng thị phần, mà lại khởi nghiệp từ “trà sữa vỉa hè”. Tôi gặp Phan Tài Phong thường xuyên vì cha của anh là ông chủ của 2 phòng Gym lớn nhất TP Quảng Ngãi. Cái xe đẩy “trà sữa vỉa hè” mang thương hiệu Mozy´s lại nằm trước phòng Gym nơi tôi vẫn thường xuyên tập luyện.
Có một điều rất kỳ lạ từ chàng trai này, đó là con của gia đình có điều kiện về kinh tế, đáng lẽ ra Phong phải là ông chủ một chuỗi trà sữa nổi tiếng ở Quảng Ngãi hay du học ở đâu đó như đám bạn cùng trang lứa, thì Phong lại chọn cách khởi nghiệp từ vỉa hè. Bây giờ khi trò chuyện với Phong tôi mới thấy chàng trai này có lý khi đưa ra triết lý rằng: “Suy nghĩ lớn, nhưng hãy bắt đầu từ việc nhỏ”. Và tôi thực sự hơi “sốc” khi Phong tiết lộ mức thu nhập sau khi trừ chi phí của “trà sữa vỉa hè thương hiệu Mozy´s” là 60 triệu đồng trên tháng.
Bí quyết của Phong khi đưa “trà sữa vỉa hè” đến thành công và cạnh tranh lành mạnh với các tiệm trà sữa khác chính là chất lượng. Ngon, và đủ các chất dinh dưỡng. Khi hội tụ 2 điều kiện đó, dù “trà sữa vỉa hè” có giá cao hơn nhưng lại không bao giờ ngớt khách. Phong đưa ra một ví dụ: Trà sữa phải dùng các nguyên liệu ngoại nhập chất lượng cao, chẳng hạn sữa bột của Úc có giá thị trường 60 ngàn/kg nhưng Phong lại chọn sữa tươi 100% để tạo ra sự khác biệt cho trà sữa của mình. Dùng sữa bột có thể ly trà sữa sẽ béo, sẽ dậy mùi nhưng dùng lâu dài sẽ gây béo phì còn sữa tươi thì lại có công dụng ngược lại, Phong bật mí và cho biết trà sữa Mozy´ đã có tiệm xịn hẳn hoi, nhưng “trà sữa khởi nghiệp vỉa hè” sẽ còn giữ mãi.
Những nhân vật khởi nghiệp trong bài viết này cũng như bao bạn trẻ khác đang trên đường đi tìm cho mình một chỗ đứng. Họ sẽ gặp phải không ít khó khăn, sẽ được trải nghiệm rất nhiều, còn tôi xin chúc họ lên đường thành công.